Kiểm toán viên: Sống với con số và áp lực
Tuy mới được nhắc đến ở VN từ đầu những năm 1990, kiểm toán đến nay được đánh giá là một trong những nghề “nóng” nhất ở nước ta, thu hút được nhiều bạn trẻ. Dưới đây là những chia sẻ khá thú vị về nghề của một kiểm toán viên có hơn 5 năm kinh nghiệm.
Một ngày như mọi ngày
Mở mắt, nhìn đồng hồ, đã gần 7h. Lẩm bẩm tự mắng mình, “chết tiệt, ai bảo tối hôm qua cứ ráng coi trước hồ sơ của khách hàng làm gì”. 8h phải có mặt ở công ty họ rồi. Đánh răng rửa mặt, nháo nhào chuẩn bị quần áo, tài liệu trong vòng 15 phút. Ngắm nghía bản thân nhanh như chưa bao giờ nhanh thế. Tạm biệt ông xã và đẩy cái xe ra cổng. "Lạy trời, đừng có bị kẹt xe".
7h55: Phù, may phúc tới đúng lịch đã hẹn trước. Cũng may là lần này làm việc trong thành phố, chứ nếu "ôm" trúng bác khách hàng nào ở ngoại thành thì ê mặt. Bác giám đốc công ty ra chào đón khá nồng nhiệt "tín hiệu có vẻ dễ chịu đây". Trong phòng họp đã có mấy vị mặt khó đăm đăm, ngồi chờ sẵn. "Chắc là kế toán của Cty quá!". Đúng như dự đoán, bác giám đốc giới thiệu: "Đây là chị X, kế toán trưởng của Cty". Bắt tay làm quen mà trong đầu tự nhủ "vất vả rồi đây".
8h30: Bắt tay vào việc, một núi sổ sách ngổn ngang, số, số và số. Chứng từ, tờ khai, báo cáo... sao cái nào cũng ngồn ngộn thế này nhỉ? "Có bao giờ mình bị tẩu hỏa nhập ma vì các con số không nhỉ? Cũng có thể lắm". Làm việc với bác kế toán vất vả đúng như mình lo ngại. Sổ sách ghi chép không khớp lắm với phiếu chi và tờ khai hải quan. Phỏng vấn yêu cầu giải thích thêm thì cứ như là "khỉ ăn mắm tôm". Mà mình có phải là nhân viên cục thuế đâu mà phải "căng thẳng" với nhau thế nhỉ?". Thôi ráng mềm mỏng tối đa vậy.
15h30: Áp dụng chiến thuật "nhu" tối đa rồi mà kết quả vẫn chẳng khả quan hơn bao nhiêu. "Bực bội rồi nha. Mời mình về làm mà cứ như là mình đi xin thế này hả trời".
Hì hục tới hết cả ngày mà vẫn chưa đâu vào đâu cả. Thế này thì chậm tiến độ mất thôi. Giờ phải chạy về tới Cty tổng hợp lại công việc đã làm trong ngày. Họp nhóm thảo luận coi có lệch với kế hoạch đã vạch ra ban đầu không. Thống nhất và đưa ra các vấn đề cần phải giải quyết những ngày tới.
18h30: Tranh thủ viết cái mail gửi cho "đồng chí" kế toán liệt kê rõ những thông tin và số liệu mình cần. "Tranh thủ CC cho ban giám đốc một cái chứ. Hơi mánh một tí nhưng mấy sếp nói thì kế toán nghe nhanh hơn mình mà".
19h50: Về tới nhà. "Ước gì được lăn ra giường nằm không nghĩ ngợi gì nữa". Nhưng còn cái bản báo cáo cho khách hàng Y chưa làm xong nữa. Ông xã đã nấu cơm và phần sẵn cho mình. May mà ổng hiểu và chia sẻ với mình những lúc thế này.
Nuốt vội bát cơm, cười cầu hòa với ông xã rồi phi vào phòng ôm cái máy tính. Phải hoàn tất cái báo cáo để sáng mai có cái đặt lên bàn sếp. Lại số số và số. Hoàn tất xong cái báo cáo đã gần nửa đêm. Mệt bã cả người. Với tay đặt cái đồng hồ báo thức. Mai 8h phải có mặt ở Cty và đối diện với bác kế toán khó đăm đăm nữa rồi. Hy vọng mai tình hình sáng sủa hơn, và bác ý chịu cười với mình chút...
Và sau gần 2 tuần nữa, chắc bác ý sẽ hiểu phần nào công việc của người "lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ" như mình. Với những người làm nghề vất vả nhất cõi đời này là kế toán và kiểm toán, nụ cười sẽ làm giảm đi những "stress" của mùa kiểm toán bận rộn.
Nghề dạy nghề
Đối với hầu hết các kiếm toán viên thì thời gian đầu mới vào nghề thật không dễ chút nào. Quá trình học ở trường phần lớn nghiêng về lý thuyết với thời lượng khá khiêm tốn nên khi đi làm gặp khá nhiều khó khăn. Chuẩn mực kiểm toán không được học qua nên khi gặp phải chỉ còn cách cố gắng "tập tành" qua tài liệu. Tuy nhiên để có thể biết cách làm việc thì những buổi huấn luyện nhân viên do Cty tổ chức mới thực sự hiệu quả bởi chỉ đọc tài liệu "suông" cũng chưa hiểu hết được.
Đặc biệt, khi mới vào nghề, các kiểm toán mới thường được các anh chị có kinh nghiệm hơn kèm đến các khách hàng, và truyền đạt nhiều kinh nghiệm nên nhanh chóng biết được quy trình kiểm toán từ đơn giản đến phức tạp, cũng như những lắt léo trong nghề. Kiểm toán có thể nói là môi trường đào tạo tốt nhất vì các kiểm toán viên có cơ hội tiếp xúc với nhiều người giỏi, và học hỏi được những phương pháp làm việc khác nhau ở các Cty khách hàng.
Mặt khác, vì công việc kiểm toán chỉ thực hiện trong vài ngày hoặc một tuần so với thời gian cả năm của kế toán nên tính phức tạp rất cao. Do đó, kiểm toán viên mà thiếu sự nỗ lực, yếu chuyên môn thì khó nắm bắt được tình hình hoạt động, xem xét các báo cáo tài chính của Cty. Và như thế khả năng suy đoán là kỹ năng hỗ trợ kiểm toán viên đạt đến sự chuẩn xác khi xác nhận tình hình tài chính.
Theo Đ. Phan - Mai Thảo
Lao Động