1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Kiếm ngon 3 tỷ đồng mỗi năm từ nghề tạo dáng, làm đẹp

Thanh Tùng

(Dân trí) - Làm việc trong môi trường tiếng ồn, bụi bặm, yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật cao, song nghề "tạo dáng, làm đẹp" cho gỗ đang mang lại thu nhập cao cho hàng trăm hộ dân tại Thanh Hóa.

"Làm dáng" cho gỗ

Đến đầu làng Hạ Vũ đã nghe tiếng máy xẻ gỗ, tiếng đục, đẽo lách cách xen lẫn vào đó là tiếng xè xè của máy chà.

Dừng tay đục sau nhiều giờ làm việc liên tục, anh Nguyễn Tiến Đức (31 tuổi, thôn Hạ Vũ 2) cho biết, sinh ra ở đất nghề, từ khi mới 15 tuổi, sau mỗi buổi học, anh lại cầm đục tập đẽo từng thớ gỗ.

Kiếm ngon 3 tỷ đồng mỗi năm từ nghề tạo dáng, làm đẹp - 1

Anh Đức đầu tư thêm nhiều thiết bị máy móc phục vụ cho nghề (Ảnh: Hạnh Linh).

Học xong cấp 3, anh Đức không thi đại học mà chọn ở lại nhà cùng người thân trong gia đình học nghề cha truyền, con nối. Sau 6 năm, anh Đức trở thành thợ mộc thuần thục, có tay nghề.

Anh Đức không phải là trường hợp hiếm ở Hạ Vũ khi lựa chọn nghề truyền thống để khởi nghiệp tại quê hương. Song để "sống khỏe" với nghề, không chỉ cần đam mê, mà phải có năng khiếu, kỹ năng hội họa, cũng như tính kiên trì, khả năng sáng tạo.

"Sản phẩm đầu tiên của tôi là một họa tiết về bông hoa trên cánh tủ gỗ mà tôi phải mất 2 ngày cật lực mới xong. Tôi nhận ra rằng, điều quan trọng nhất của thợ mộc là tính nhẫn nại, quyết tâm không bỏ cuộc", anh Đức nhớ lại.

Theo anh Đức, dù sự phát triển của khoa học kĩ thuật, máy móc hiện đại, công việc của người thợ mộc đã phần nào bớt nặng nhọc và đạt năng suất cao hơn. Thế nhưng, không vì thế mà những sản phẩm mộc của Hạ Vũ mất đi giá trị của mình. Để tạo ra "linh hồn" cho sản phẩm thì những họa tiết, hoa văn, đường nét đục đẽo cần được thực hiện bằng đôi bàn tay khéo léo của người thợ mộc.

Kiếm ngon 3 tỷ đồng mỗi năm từ nghề tạo dáng, làm đẹp - 2

Để sản phẩm từ gỗ có "linh hồn" vẫn cần đến đôi bàn tay khéo léo của người thợ (Ảnh: Hạnh Linh).

Hơn 10 năm trong nghề, năm 2020 anh Đức mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mở Công ty TNHH nội thất Gia Phú Thịnh. Công ty của anh nhận những công trình thiết kế đồ gỗ lớn, nhỏ khắp cả nước.

Theo anh Đức, với người trẻ, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm là khó nhất. Để nhận được nhiều hợp đồng, anh Đức giữ mối với khách hàng cũ, đồng thời lập hội nhóm trên mạng xã hội, quảng bá sản phẩm để tìm kiếm đầu ra. Là người có kỷ luật trong từng quy trình sản xuất nên sản phẩm của công ty làm đến đâu khách mua hết đến đấy, anh Đức cũng nhận thêm nhiều hợp đồng đặt hàng mới.

Xưởng gỗ của anh Đức đang tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động địa phương. Mỗi tháng anh bỏ ra 80 triệu đồng trả lương cho thợ. Những tháng gần Tết là thời điểm "ăn nên làm ra" của nghề mộc, anh Đức thuê thêm 2, 3 lao động thời vụ. Doanh thu nghề mộc mang lại cho người thợ này gần 3 tỷ đồng/năm.

Bức bách cần tháo gỡ để phát triển làng nghề

Gần 30 năm trong nghề, ông Nguyễn Tiên Phong (45 tuổi, thôn Hạ Vũ 1) đã trải qua nhiều thăng trầm với nghề "thổi hồn" cho gỗ. Người thợ đang "nuôi" 4 lao động thường xuyên này cho biết, nghề mộc Hạ Vũ có từ lâu đời, thế hệ ông lớn lên đã có "máu nghề" và tự khắc thích nghi với nghề nhưng hàng trăm năm nay, người làm nghề truyền thống muốn có một nơi sản xuất tập trung vẫn chưa thành hiện thực.

Hiện xưởng sản xuất của ông Phong cũng là nơi ở của gia đình, nằm ngay trong khu dân cư với diện tích khoảng 300m2, không chỉ chật chội mà còn gây tiếng ồn, bụi bặm cho nhà hàng xóm vì thế ông hy vọng chính quyền sẽ sắp xếp, quy hoạch làng nghề.

Kiếm ngon 3 tỷ đồng mỗi năm từ nghề tạo dáng, làm đẹp - 3

Nhiều lao động tại địa phương đang có thu nhập ổn định từ nghề mộc (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Vũ Đình Chinh (45 tuổi, thôn Hạ Vũ 2) cũng cho rằng, làm mộc cần đất rộng để máy móc, thiết bị, dự trữ nguyên liệu. Diện tích đất của gia đình hẹp dẫn đến việc ông phải để gỗ ở nơi khác, khi sản xuất tốn thời gian, công sức vận chuyển, sản phẩm hoàn thành không có nơi trưng bày.

Ông Hoàng Hữu Chinh, Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Đạt cho biết, toàn xã có khoảng 200 cơ sở, hộ gia đình tham gia sản xuất kinh doanh mộc. Nghề mộc tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập ổn định 7-9 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, tổng doanh thu của nghề mộc mang lại từ 40 đến 50 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2022 là 59,1 triệu đồng/người/năm.

Kiếm ngon 3 tỷ đồng mỗi năm từ nghề tạo dáng, làm đẹp - 4

Làng Hạ Vũ, nơi nghề mộc đang mang lại thu nhập cao cho hàng trăm hộ dân (Ảnh: Hạnh Linh).

Làng mộc Hạ Vũ được biết đến với những sản phẩm tinh tế, công phu như đồ gỗ mỹ nghệ, bàn ghế, giường tủ, đồ thờ, làm nhà gỗ truyền thống, sử dụng từ gỗ thông dụng tới gỗ quý... Sản phẩm của làng làm ra rất được ưa chuộng, phục vụ từ khách bình dân đến cao cấp.

Năm 2015, Hạ Vũ được công nhận là làng nghề truyền thống. "Năm 2020 UBND huyện Hoằng Hóa có quy hoạch cụm làng nghề mộc Hà - Đạt trên diện tích 70ha, thuộc khu vực giáp ranh giữa Hoằng Hà và Hoằng Đạt. Địa phương đã đầu tư đường, mương, vỉa hè có trị giá 11 tỷ đồng nhưng cụm làng nghề đang gặp khó khăn về vấn đề cho thuê đất", ông Chinh cho biết thêm.