Bảo mẫu lương 60 triệu đồng/tháng, cử nhân bằng giỏi khóc vì thu nhập bèo
(Dân trí) - Khi dư luận choáng váng về mức lương 60 triệu đồng của nữ bảo mẫu bạo hành bé sơ sinh, hàng loạt cử nhân ra trường không có việc làm hoặc được chào mức lương bèo bọt.
Giúp việc "lên giá"
Những ngày qua, thông tin bảo mẫu 21 tuổi trong vụ bạo hành cháu bé sơ sinh ở Hà Nội có mức lương 60 triệu đồng/tháng gây choáng váng cho nhiều người. Mức lương được xem là "siêu sang" này cũng như mức độ phổ biến, phát triển của loại dịch vụ này cho thấy thực tế nhiều người sẵn sàng trả mức chi phí gần như khó tin để tuyển người giúp việc, bảo mẫu.
Tại TPHCM, lương giúp việc nhà khoảng 5 triệu đồng là mức giá đã từ 5 - 7 năm trước, nay đã... bị xóa sổ. Chi phí thấp nhất cho dịch vụ này hiện ở mức 7 - 8 triệu đồng, chưa kể với những công việc có yêu cầu phức tạp hơn như nhà có trẻ em, người già, mức lương cho người giúp việc phải 10 - 20 triệu đồng.
Nghề giúp việc gia đình phần lớn người lao động hoạt động tự phát, không qua đào tạo nhưng nhân lực làm nghề này vẫn luôn được săn đón, lùng sục và nhận mức lương cao. Thực tế, mức lương với người giúp việc thường xuất phát từ yếu tố chủ nhà cần nhiều hơn là do năng lực của người làm. Và người giúp việc cũng đều biết cái giá của mình trên thị trường.
Chị Thái Ngọc Giang, nhà ở khu Khang Điền, quận 9 cũ cho biết, gia đình chị có con nhỏ, có ông bà lớn tuổi nên không thể thiếu giúp việc. Vậy nhưng, để tìm được người làm phù hợp rất khó, có khi phải "mắt nhắm mắt mở" chấp nhận một "osin"... tàm tạm.
Là quản lý một công ty bao bì, chị Giang khẳng định: "Tuyển cử nhân ra trường không khó nhưng tìm người giúp việc là chuyện không hề dễ dàng. Công ty có thể giảm lương nhân viên nhưng tôi không bao giờ dám giảm lương giúp việc, chỉ có tăng".
Tại các khu dân cư như Phú Mỹ Hưng, Sala, Thảo Điền... rất nhiều gia đình cả ta lẫn tây còn tuyển giúp việc, bảo mẫu "ngoại" từ các nước Thái Lan, Philippines với mức lương cả ngàn "đô", chưa kể nhiều khoản chi phí khác.
"Ít chỗ" cho cử nhân đại học
Bảo mẫu lương 60 triệu đồng, còn cử nhân, kể cả người tốt nghiệp bằng giỏi không tìm được việc làm hoặc có thì cũng chỉ bắt đầu với mức lương "bèo" 3-4 triệu đồng/tháng tưởng như là việc không liên quan đến nhau. Nhưng việc đó thực sự phản ánh bức tranh thị trường lao động "thừa thầy, thiếu thợ".
Năm 2022, tại TPHCM có gần 150.000 người mất việc nhận trợ cấp thất nghiệp thì đông nhất là lao động phổ thông, không có bằng cấp chứng chỉ với gần 83.000 người, tiếp đó là những người có trình độ đại học và sau đại học với 45.000 người (chiếm hơn 31%).
Chỉ có 2.869 người lao động có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp bị mất việc (chiếm tỷ lệ 1,96%). Với trình độ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp, con số là 6.816 người (chiếm tỷ lệ 4,66%) và trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp là 8.218 người (chiếm tỷ lệ 5,62%).
Khảo sát nhu cầu lao động năm 2022 tại TPHCM cho thấy doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên là 20,19% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực trình độ nghề áp đảo, chiếm đến 65,59%.
Nhưng thị trường lại có đến 78,86% tổng số người tìm việc làm có trình độ đại học trở lên. Số người trình độ nghề đi tìm việc chỉ chiếm 18,68% tổng nguồn cung nhân lực.
Bước qua năm 2023, cử nhân đại học tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ thiếu việc làm. Theo dự báo của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), nhu cầu nhân lực quý II/2023 tại thành phố dự kiến từ 67.000 - 73.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm gần 87% nhưng việc làm dành cho trình độ đại học chỉ chiếm hơn 20%, còn lại rơi hết vào tay những người có tay nghề, với hơn 67%...
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho hay, một trong những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải là thiếu lao động có trình độ đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp.
Trình độ ở đây không phải là bằng cấp đại học mà là kỹ năng làm việc phù hợp. Những ngành đào tạo ở cấp học càng thấp thì càng được chia nhỏ ra, kiến thức chuyên môn hẹp hơn nhưng hơn về kỹ năng thực hành.
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, nhu cầu lao động trình độ đại học trở lên ở các đô thị lớn như TPHCM chỉ dao động trong tỷ lệ 15% - 20% tổng nhu cầu nhân lực, tỷ lệ ở các tỉnh còn thấp hơn. Trong khi đó, nguồn cung lao động trình độ đại học lại quá cao, dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên đại học tốt nghiệp không tìm được việc làm.
Nói về chuyện giúp việc cứ thả sức "làm giá" còn cử nhân thất nghiệp, một chuyên gia nhân sự tại TPHCM cho rằng, so sánh giữa lương, công việc của giúp việc nhà và cử nhân là khập khiễng vì tính chất, giá trị và cả tầm nhìn trong tương lai của 2 công việc khác nhau.
Tuy nhiên, điều này phản ánh thị trường lao động vận hành theo quy luật cung - cầu chứ không dựa vào bằng cấp. Một thực tế cần nhìn nhận, bằng đại học không phù hợp với năng lực có khi... trở thành cái khổ của nhiều người.
Chuyên gia này cho hay, không ít cử nhân ra trường không đáp ứng nổi vị trí công việc theo bằng cấp họ sở hữu. Có người chạy grab, giao hàng nhưng nhìn chung ít người "hạ mình" để làm những việc họ cho là không xứng đáng với tấm bằng. Trong khi những công việc này cử nhân cũng không cạnh tranh nổi với những người học nghề và lao động phổ thông.
"Ôm lấy tấm bằng không phù hợp cũng như khoác một chiếc áo quá rộng, có thể làm người ta ảo tưởng về giá trị bản thân. Nhiều người rơi vào bi kịch việc lớn không với tới, việc nhỏ không thông", chuyên gia nhân sự bày tỏ.