Không may bị thất nghiệp, ai sẽ là “bà đỡ” cho người lao động?
(Dân trí) - “Khi người lao động không may mất việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ hỗ trợ một khoản kinh phí. Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để qua đó sớm quay lại thị trường lao động. Điều này thể hiện tính ưu việt của chế độ bảo hiểm thất nghiệp”.
Ông Lê Quang Trung - Cục Phó, phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) nhận định về vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động và doanh nghiệp.
Dẫn chứng về tính hiệu quả của chính sách, đại diện Cục Việc làm cho biết, năm 2009 - thời điểm bắt đầu thực hiện chính sách - cả nước mới chỉ có hơn 5,9 triệu người tham gia. Tới năm 2015, năm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực, cả nước đã có hơn 10 triệu người tham gia.
“Và tới năm 2018, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thu hút tới hơn 12,6 triệu người” - ông Lê Quang Trung cho biết.
Về công tác tư vấn và giới thiệu việc làm, tới năm 2018, cả nước có 1,39 triệu lượt người thất nghiệp được tư vấn, tăng hơn 10 lần so với số người của năm 2010.
“Công tác hỗ trợ học nghề cũng có những chuyển biến tích cực. Số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng. Năm 2010, cả nước mới chỉ có 270 người được hỗ trợ học nghề. Đến nay đã có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, nhiều người thất nghiệp sau khi tham gia các khóa học nghề đã có việc làm và ổn định cuộc sống” - ông Lê Quang Trung cho biết.
Một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương.
Kết quả khả quan, nhưng việc triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn gặp nhiều thách thức.
“Khó khăn lớn nhất chính là sự nhận thức của một bộ phận người lao động về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Không ít người lao động chưa hiểu và ít dành thời gian tìm hiểu. Nhiều người lao động khi thất nghiệp mới biết về bảo hiểm thất nghiệp. Nếu có tham gia, họ chỉ quan tâm nhiều tới việc nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng còn coi nhẹ công tác tư vấn hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm” - ông Lê Quang Trung cho biết.
Chính vì vậy, việc tăng cường nhận thức đúng và đủ về ý nghĩa của chính sách thất nghiệp rất cần thiết và thực hiện liên tục.
GIAO LƯU GIẢI ĐÁP CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP 2019
Nhằm cung cấp các thông tin cập nhật cũng như giải đáp những thắc mắc của bạn đọc về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Chuyên mục Việc làm (Báo điện tử Dân trí) và Cục Việc Làm (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến giải đáp chính sách bảo hiểm thất nghiệp năm 2019.
Thời gian: Từ 9h-11h, ngày 24/9/2019
Địa điểm: Trụ sở Báo điện tử Dân trí, số nhà 48, ngõ 2, Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội.
Khách mời:
- Bà Hoàng Thị Kim Chi - Phó trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH).
- Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội).
Bạn đọc quan tâm và có câu hỏi thắc mắc về chính sách, xin điền thông tin dưới đây:
Việc làm