Không đi làm vì nhập viện cấp cứu, người đàn ông bị cho thôi việc
(Dân trí) - Tòa xác định công ty Thành Kiên đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông Tài là trái quy định của pháp luật nên buộc phải bồi thường cho người này số tiền hơn 191 triệu đồng.
Theo nội dung vụ án, ngày 19/4/2018, ông Nguyễn Văn Tài (39 tuổi) và Công ty TNHH Thành Kiên ký hợp đồng lao động 1 năm với công việc là tài xế.
Sau khi hết thời hạn của hợp đồng, ông Tài tiếp tục làm việc tại công ty và 2 bên không ký hợp đồng mới (hợp đồng có thời hạn sẽ chuyển thành không thời hạn).
Đầu tháng 10/2021, ông Tài thường xuyên bị sốt. Ngày 8/10/2021, người đàn ông này trở bệnh nặng phải nhập viện cấp cứu và được chỉ định phẫu thuật ngay. Một ngày sau, ông ra viện.
Theo ông Tài, trước khi điều trị tại bệnh viện có xin phép và được cấp trên đồng ý. Khi sức khỏe tạm ổn, ngày 15/10/2021, người này trở lại công ty làm việc thì biết người sử dụng lao động đã tuyển tài xế mới thay thế vị trí của mình và yêu cầu giao chìa khóa xe.
Ngày 31/10/2021, công ty ban hành quyết định chấp dứt hợp đồng lao động với ông Tài và thanh toán 2 ngày lương (2 ngày làm việc trong tháng 10) là 437.154 đồng.
Cho rằng quyết định của người sử dụng lao động ảnh hưởng tới quyền lợi của mình nên ông Tài khiếu nại lên ban quản lý khu công nghiệp nơi Công ty Kiên Thành có trụ sở.
Trong buổi hòa giải ngày 2/12/2021, công ty Thành Kiên thừa nhận cho ông Tài thôi việc là sai. Sau đó, nguyên đơn khởi kiện ra TAND huyện Bàu Bàng đòi bồi thường hơn 356 triệu đồng.
Phía công ty cho rằng quá trình làm việc ông Tài đi trễ, xin nghỉ phép nhiều nhưng công ty chỉ nhắc nhở không lập biên bản.
Tháng 10/2021, ông Tài đi làm 2 ngày. Ông ta có nhắn tin cho nhân viên phòng kinh doanh thông báo mình nghỉ bệnh nhưng không báo nghỉ bao nhiêu ngày và không thông báo cho bộ phận nhân sự.
Ngày 1/11/2021, ông Tài có nhắn tin cho phòng nhân sự thông báo mình đã nghỉ việc nên đề nghị công ty giao quyết định thôi việc và chốt sổ bảo hiểm.
Đồng thời, phía bị đơn nói quá trình thực hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông Tài đã đúng trình tự nên đề nghị HĐXX bác toàn bộ đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Hồi đầu năm, TAND huyện Bàu Bàng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Tài. Không chấp nhận phán quyết trên, nguyên đơn kháng cáo theo hướng đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ nội dung yêu cầu.
Cuối tháng 8 vừa qua, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử phúc thẩm.
Tại tòa, nguyên đơn đưa ra nhiều lập luận để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện. Đồng thời, người đàn ông này cũng nêu ra những nội dung mâu thuẫn trong lời khai của bị đơn nhưng chưa được cấp sơ thẩm làm rõ.
Ngược lại, phía Công ty Thành Kiên nói bản án sơ thẩm đã xem xét đầy đủ, đề nghị HĐXX bác đơn kháng cáo của ông Tài.
Theo HĐXX, nguyên đơn có xuất trình 2 ảnh chụp màn hình điện thoại nhưng không có nội dung thể hiện sự đồng ý, phê duyệt của phía công ty, một số câu lệnh có tiếng nước ngoài, không được dịch sang tiếng Việt nên không được xem là chứng cứ ông Tài có thông báo cho người sử dụng lao động.
Căn cứ vào giấy vào viện, ra viện, giấy chứng nhận phẫu thuật, bác sĩ chỉ định ông Tài nghỉ 7 ngày (ngày 10/10/2021 đến 16/10/2021), tòa cho rằng việc nguyên đơn bị bệnh và phẫu thuật là có thật.
Ngày 17/10/2021 là chủ nhật nên ngày 18/10/2021, ông Tài phải đến công ty làm việc và nộp những giấy tờ trên. Tuy nhiên, bảng chấm công thể hiện từ ngày 18/10/2021 đến 22/10/2021, nguyên đơn không đến công ty nhưng bị đơn chỉ nhắc nhở, không lập biên bản ghi nhận sự việc, vì vậy, không thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là lỗi của công ty Kiên Thành.
Từ đó, HĐXX cấp phúc thẩm xác định việc công ty ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông Tài là trái pháp luật, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người này.
Do đó, công ty Thành Kiên phải có trách nhiệm thanh toán, bồi thường những ngày không được làm việc từ 31/10/2021 đến ngày xét xử sơ thẩm là 26 tháng 29 ngày với mức lương 6,28 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, do phía công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật nên phải bồi thường thêm 2 tháng lương và 45 ngày không thông báo cho người sử dụng lao động.
Từ đó, tòa buộc công ty phải bồi thường cho ông Tài số tiền hơn 191 triệu đồng.
(*Tên đương sự đã được thay đổi)