Không để xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ, công chức

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đã ký công văn gửi các địa phương về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu UBND các tỉnh, TP chỉ đao ngành thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu tăng thu ở mức cao nhất để hoàn thành mục tiêu ngân sách nhà nước (NSNN) đề ra.

Các sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh, TP quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ quy định. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, hội thảo, khánh tiết, hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền,…

Bộ Tài chính yêu cầu UBND tỉnh, TP đảm bảo các khoản chi trong dự toán được giao, không để xảy ra tình trạng chậm lương, nợ lương cán bộ công chức, viên chức, đảm bảo chính sách chế độ xã hội trên địa bàn. Trường hợp trên địa bàn có cơ quan hụt thu hoặc thiếu hụt tạm thời các quỹ ngân sách cần chủ động giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện các khoản chi chưa cần thiết; nếu vẫn thiếu nguồn thì sử dụng thêm các nguồn lực tài chính của địa phương như quỹ dự trữ tài chính…

Bộ Tài chính nhấn mạnh nếu thực thiện các giải pháp trên mà vẫn khó khăn về NSNN thì các địa phương báo cáo bằng văn bản kịp thời đến cơ quan cấp trên để xem xét cho phép tạm ứng nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách quan trọng.

Trước đó, tại một số địa phương như TP Cà Mau và Bạc Liêu đã xảy ra tình trạng hụt thu NSNN, không có nguồn để chi trả các nguồn phúc lợi xã hội.

Trao đổi với báo giới, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính), cho biết sự việc xảy ra ở hai địa phương này là thiếu hụt tạm thời ngân sách. UBND tỉnh Cà Mau và Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ứng kinh phí cho các địa phương bị hụt thu. UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND TP Cà Mau đẩy mạnh tiến độ thu tiền sử dụng đất để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, bố trí dự toán năm 2016 để hoàn trả các khoản nợ; không bố trí phát sinh dự án đầu tư mới khi chưa có nguồn. Với tình hình xử lý nêu trên về cơ bản sẽ đủ nguồn để đảm bảo thanh toán đủ các khoản chi lương cho cán bộ, công chức, viên chức.

Theo ông Hưng, sự việc ở hai địa phương trên chỉ là cá biệt. Đối với Thành ủy Bạc Liêu là việc mất cân đối thu, chi của đơn vị dự toán; đối với TP Cà Mau là việc mất cân đối của ngân sách cấp huyện. Nguyên nhân của tình trạng này là do cách thức điều hành ngân sách của một số chính quyền địa phương cấp dưới.

Theo quy định của Luật NSNN, dự toán chi ngân sách địa phương do HĐND quyết định, UBND giao cho các cấp dưới và các cơ quan đơn vị thực hiện. Trong quá trình điều hành ngân sách để mất cân đối thu chi, điều hành chi vượt dự toán là trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị dự toán, chủ tịch UBND các cấp (bao gồm cả cấp xã).

Theo Báo Pháp luật TPHCM