Không có ơn mà còn mang họa

Chị đồng nghiệp rất khó chịu khiến không ai dám gần vì sợ mang họa vào thân. Chính vì vậy mà khi chị bệnh nằm viện, không ai vô thăm.

Không có ơn mà còn mang họa

Chị Mai, đồng nghiệp của tôi, bị bệnh phải nằm bệnh viện điều trị. Chị không chồng, không con nên chẳng ai chăm sóc. Trưởng phòng bảo tôi: “Em là tổ trưởng Công đoàn, xem sắp xếp người ra vô trông coi chị Mai”.

Tôi gãi đầu bứt tóc trước nhiệm vụ bất khả thi này. Là vì tôi đã nói chuyện với anh chị em trong phòng nhưng người nào cũng kêu bận, chẳng ai chịu nhận lãnh trách nhiệm chăm sóc người đồng nghiệp đáng thương ấy. Tôi biết bận chỉ là cái cớ, nguyên nhân chủ yếu là vì họ không thích Mai, không thích cái cách chị cư xử hằng ngày.

“Giúp bà ấy không có ơn mà còn mang họa” - cô em nhỏ nhất phòng hay bị chị Mai ăn hiếp lắc đầu. Một anh đồng nghiệp lớn tuổi cũng từ chối: “Thôi, mấy cô là đàn bà con gái với nhau ra vô tiện hơn. Còn tôi, chăm sóc Mai không khéo cô ấy lại nói tôi có ý này nọ thì rách việc”. Ý anh muốn nhắc tới lần mấy anh em trong phòng đi ăn, không có Mai đi cùng nên anh bảo mọi người mua đồ ăn mang về cho chị.

Rủi là món ăn mua về không hợp khẩu vị nên chẳng những chị không cảm ơn mà còn quy tội cho người đề xuất ý kiến, rằng anh “có ý gì” mà mua những thứ “chó không thèm ăn” ấy về cho chị!

Không có ơn mà còn mang họa

Một chị đồng nghiệp khác lại kể về lần bị chị Mai vu oan làm mất tài liệu của phòng. Chị Mai cả quyết là thấy người đó “bắc cái ghế lên lấy chồng tài liệu rồi suýt bị té vì chồng tài liệu nặng quá”. Mấy hôm sau, sếp trưởng phòng nghỉ phép vô, nghe báo cáo lại chuyện mất tài liệu, ông mới bảo chính mình đã mang tài liệu đó về nhà rồi quên mang vô trả lại.

Cứ tưởng nghe xong, Mai sẽ xin lỗi người đồng nghiệp đã bị mình vu oan, nào ngờ chị vẫn tỉnh bơ: “Thì tôi nhớ rõ ràng như vậy. Chắc là hôm đó lấy thứ khác”.

Ai cũng có lý do để “ngán” chị Mai. Tôi cũng vậy. Có lần chị để quên mắt kính ở phòng họp, tôi cất cho chị. Thế mà khi nhận lại kính, chị không một lời cảm ơn mà cứ săm soi cái kính “bạc triệu” của mình rồi còn đổ thừa tôi làm trầy. Hôm đó, tôi tức mình quá, nghĩ bụng biết vậy chẳng thèm cất giùm, biết vậy vứt vô sọt rác cho xong.

Với cách hành xử ấy, chị Mai đã khiến mọi người ngán ngại, xa lánh. Bây giờ, chị bệnh nằm đó một mình, nếu không vô thăm nom thì không phải nhưng miễn cưỡng thì cũng chẳng hay ho gì. Cuối cùng, chỉ có mình tôi chạy ra chạy vô vì trách nhiệm là tổ trưởng Công đoàn.

Tội nghiệp bà chị đồng nghiệp của tôi. Có lẽ chị cũng chưa nhận thức được hậu quả của việc mình làm nên hôm nào tôi vô thăm cũng nghe chị trách móc, chì chiết: “Mấy người kia bộ chết hết rồi hay sao mà không ai vô thăm tôi hết vậy?”.

Theo Báo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm