Thứ trưởng Bộ Lao động nói về nguyên nhân gần 50 cuộc đình công vừa diễn ra

(Dân trí) - “Gần 50 cuộc đình công trong 2 tháng qua chủ yếu liên quan tới điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016, thanh toán lương, thưởng và thực hiện chính sách phúc lợi trong doanh nghiệp. Đình công cũng phần nào bộc lộ mâu thuẫn trong việc giải bài toán chi phí và lợi nhuận…”


Một cuộc đình công diễn ra cuối tháng 2 tại TP.HCM (Ảnh: Ngọc Huân)

Một cuộc đình công diễn ra cuối tháng 2 tại TP.HCM (Ảnh: Ngọc Huân)

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân trao đổi với PV Dân trí về nguyên nhân, giải pháp nhằm giảm thiểu các cuộc đình công trong đang có xu hướng tăng trong vài tháng qua tại các khu công nghiệp phía Nam.

Thưa ông, năm 2016 có điểm đặc biệt là quy mô và tần suất các cuộc đình có xu hướng gia tăng sau Tết âm lịch. Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH về vấn đề này ra sao?

Bộ LĐ-TB&XH thống kê có gần 50 cuộc đình công, tranh chấp lao động trong 2 tháng đầu năm 2016. Thậm chí có cuộc đình công với số lượng tới gần 20.000 công nhân Cty Pouchen Việt Nam ở Đồng Nai trong tháng 2.

Đình công diễn ra là điều đáng tiếc. Sự việc thể hiện công tác đối thoại, thương lương còn làm chưa tốt. Đặc biệt là quá trình áp dụng, triển khai các chính sách điều chỉnh của Nhà nước còn nhiều vấn đề nên để xảy ra tranh chấp.

Các cuộc tranh chấp chủ yếu liên quan tới vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu năm vùng 2016, việc thanh toán lương, thưởng của người lao động. Đồng thời cũng phát sinh từ việc thực hiện các chính sách khác của doanh nghiệp khi nâng lương, thanh toán phụ cấp, phúc lợi.

Khi có phương án điều chỉnh lương, giải quyết phúc lợi, nếu người sử dụng lao động có sự thỏa thuận với đại diện người lao động thì các vướng mắc đó sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Đình công xảy ra, môi trường làm việc doanh nghiệp, người lao động đều bị ảnh hưởng.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân (Ảnh: H.M)
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân (Ảnh: H.M)

Một trong những nguyên nhân đình công là việc doanh nghiệp chuyển 1 phần lương vào phúc lợi khác nhằm tránh bị đóng nhiều phí BHXH theo quy định mới. Theo ông, việc này có bị coi là vi phạm pháp luật lao động hay không?

Quy định của Chính phủ khi ban hành quy định tăng lương tối thiểu là phải đảm bảo điều chỉnh lương tối thiểu, ngoài ra vẫn phải giữ các chế độ phúc lợi khác.

Trong một số trường hợp cụ thể, doanh nghiệp có thể đã thực hiện điều này nhằm việc xây dựng chính sách lương hiệu quả. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là vẫn phải đảm bảo mức tổng thu nhập của người lao động gồm tiền lương, phụ cấp phải tăng lên.

Rất tiếc việc điều chỉnh phúc lợi, phụ cấp trong một số doanh nghiệp gây nên tranh chấp cũng do một phần chủ quan của người sử dụng lao động khi thiếu sự tham khảo ý kiến của tổ chức công đoàn.

Ngay cả cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương cũng ít giám sát, hỗ trợ và còn cho rằng đây là việc của doanh nghiệp. Đơn cử như cuộc đình công ở Công ty Pouchen Việt Nam tại Đồng Nai. Nếu doanh nghiệp khi chuẩn bị phương án điều chỉnh chủ động tham khảo ý kiến của người lao động, công đoàn. Đồng thời, cơ quan chức năng về lao động ở tỉnh Đồng Nai giám sát, hỗ trợ doanh nghiệp khi xây dựng phương án thì sẽ điều chỉnh những yếu tố không hợp lý ngay từ ban đầu.

Điều gì cần nhìn nhận lại sau những vụ đình công vừa qua, thưa ông?

Bộ LĐ-TB&XH đang khẩn trương rà soát lại các quy định, chính sách thuộc thẩm quyền về vấn đề lương, BHXH. Nếu thấy bất hợp lý hoặc thiếu để bổ sung và chấn chỉnh.

Đồng thời, chúng tôi mong muốn Tổng LĐLĐ VN, Phòng Công nghiệp thương mại VN và các cơ quan chức năng ở các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng lao động và lao động về các quy định của pháp luật. Đặc biệt là công tác xây dựng các phương án xây dựng điều chỉnh tiền lương, thực hiện phụ cấp, nâng bậc lương nhằm đảm bảo quyền lợi các bên.

Tăng cường hơn nữa vai trò công đoàn cơ sở

“Các LĐLĐ tỉnh, thành và công đoàn ở doanh nghiệp đã tham gia nhiều trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa. Tuy nhiên, việc đáng tiếc trong lúc gay cấn, có tính quyết định các chính sách ảnh hưởng tới thu nhập, cường độ làm việc của người lao động thì cách đại diện của một số tổ chức công đoàn cơ sở cần xem lại. Hậu quả là các cuộc đình công trên đều là chưa đúng trình tự quy định của pháp luật. Đây là điều đáng tiếc, mặc dù vấn đề quy định về đình công trước đây đã được sửa trong năm 2006 và năm 2012. Chúng ta cần phải xem xét lại trên góc độ luật hóa, theo hướng vừa tôn trọng quyền đình công của người lao động và tuân thủ các quy định của pháp luật. Có như vậy, quan hệ lao động mới có thể lành mạnh” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.

Trong mối quan hệ trực tiếp giữa người sử dụng lao động và người lao động tại cơ sở. Cần tăng cường hỗ trợ trong đối thoại. Đây đang là điểm yếu trong quan hệ lao động và dẫn tới tình trạng: Khi có vấn đề vướng mắc hoặc không hài lòng với nhau, người lao động đình công, gây sức ép với doanh nghiệp.

Người lao động cần chủ động trao đổi với cơ quan chức năng địa phương để có sự hỗ trợ hòa giải. Cách xảy để xảy ra đình công vừa rồi là chưa có lợi cho tất cả các bên.

Vậy theo ông, nguyên nhân sâu xa của các vụ đình công vừa qua có thể là gì?

Có thể đây là mâu thuẫn trong việc giải bài toán về chi phí và lợi nhuận. Quy định điều chỉnh lương tối thiểu và thực hiện việc tính BHXH thêm phần phụ cấp từ 1/1/2016 là một sức ép không nhỏ tới doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải tính toán chi phí trong điều kiện hội nhập, cụ thể: Giá cả sản phẩm “đầu ra” đã được ấn định trước đó trên thị trường. Do đó, chi phí “đầu vào” tăng lên mà không tăng được chi phí “đầu ra” thì nhiều doanh nghiệp lựa chọn việc có lợi nhuận.

Chính vì thế, doanh nghiệp phải tính tới bài toán “cắt giảm” lợi nhuận. Trong xu thế đó, một số doanh nghiệp thực hiện việc tính toán ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.

Đây là một mâu thuẫn lớn giữa chi phí và lợi nhuận. Một mặt, chính sách nhằm điều chỉnh theo hướng ngày càng đảm bảo quyền lợi, đời sống của người lao động. Mặt khác, giới chủ cũng phải tính toán bảo đảm lợi nhuận trong tương quan tăng các chi phí khác.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện