1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vì sao đình công có xu hướng tăng sau Tết âm lịch?

(Dân trí) - “Tới thời điểm hiện nay, thống kê chưa đầy đủ đã có hơn 30 cuộc đình công trước và sau Tết. Trong đó, nội dung liên quan tới lương tối thiểu vùng 2016 theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP có gần 20 cuộc. Đặc biệt, số cuộc đình công sau Tết âm lịch có xu hướng gia tăng…”


Một cuộc đình công tại TP.HCM sau Tết âm lịch (Ảnh: Ngọc Huân).

Một cuộc đình công tại TP.HCM sau Tết âm lịch (Ảnh: Ngọc Huân).

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), trao đổi với PV Dân trí liên quan tới việc nhiều cuộc đình công tại khu vực phía nam có xu hướng gia tăng sau Tết âm lịch.

Đánh giá của Ban Quan hệ lao động, điểm khác biệt so với những năm trước liên quan tới các cuộc đình công: “Nếu như những năm trước, các cuộc đình công chủ yếu xảy ra trước Tết âm lịch và liên quan tới việc đòi chế độ lương, thưởng cuối năm. Nhưng năm nay, các cuộc đình công lại có xu hướng tăng lên sau Tết âm lịch”.

Theo ông Lê Đình Quảng, trước Tết âm lịch, các cuộc đình công với sự tham gia của hàng trăm tới hàng ngàn công nhân chủ yếu tập trung ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…Trong đó, các cuộc đình công liên quan tới lương, thưởng là gần 10 cuộc.

Sau Tết âm lịch, xu hướng đình công gia tăng. Một trong những lý do là dịp trả lương tháng 1/2016 của nhiều doanh nghiệp đã sát Kỳ nghỉ Tết. “Một số doanh nghiệp vẫn duy trì những bất cập về chính sách đãi ngộ. Đa số người lao động cũng có tâm lý chờ đợi thưởng Tết và sau đợt nghỉ mới kiến nghị. Sau Tết, nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng tinh thần của Nghị định 122/2015/NĐ-CP về tăng lương tối thiểu vùng. Những điều này khiến nhiều cuộc đình công tăng sau Tết âm lịch” - ông Lê Đình Quảng giải thích nguyên nhân.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN). Ảnh: H.M
Ông Lê Đình Quảng - Phó Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN). Ảnh: H.M

Theo Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ VN đã có nhiều chỉ đạo các LĐLĐ tỉnh, thành và công đoàn ngành theo dõi và nắm tình hình lương, thưởng cũng như thực hiện chế độ đối với người lao động trước và sau Tết. Đặc biệt, việc doanh nghiệp áp dụng cách tính lương tối thiểu vùng mới theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP từ ngày 1/1/2016.

“Trên cơ sở đó, khi có mâu thuẫn phát sinh, các tổ chức công đoàn địa phương phải trực tiếp trao đổi với chủ doanh nghiệp để tìm phương án giải quyết. Những trường hợp phát sinh vượt quá thẩm quyền, tổ chức công đoàn phải nhanh chóng báo cáo với cấp công đoàn cao hơn và các cơ quan chức năng” - ông Lê Đình Quảng cho biết.

Trước thực tế nhiều cuộc đình công xảy ra sau Tết tại phía nam vừa qua, ông Lê Đình Quảng thừa nhận: “Nguyên nhân chính do nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình không thực hiện đúng hoặc "lách luật" trong việc thực hiện tăng lương tối thiểu vùng 2016. Ngoài ra, bên cạnh những công đoàn cơ sở hoạt động mạnh, dám đấu tranh quyết liệt để bảo về quyền lợi người lao động, vẫn còn một số công đoàn cơ sơ chưa thực sự đấu tranh mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động…”.

Đây cũng là điều khiến nhiều cuộc đình công của người lao động chưa được giải quyết ngay từ ban đầu. Trong khi đó, tổ chức công đoàn ngày càng phải tăng cường và thể hiện vai trò cầu nối, đồng hành giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh VN đã gia nhập Hiệp định đối tác xuyên thái Bình Dương TPP.

Theo ông Lê Đình Quảng, để hạn chế tình trạng đình công như trên, các doanh nghiệp cần thực sự coi trọng quan hệ lao động trong môi trường làm việc. Về lâu dài, điều này có lợi cho chính doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Người lao động yên tâm làm việc mới có thể tạo ra năng suất lao động cao, sản phẩm và dịch vụ tốt và tạo sự cạnh tranh cho doanh nghiệp

“Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra chế độ chính sách về lao động tronh doanh nghiệp. Đây cũng là cách để doanh nghiệp khó có thể vi phạm các quy định về tiền lương. Đơn cử như việc tuân thủ Nghị định 122/2015/NĐ-CP về lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2016. Ngoài ra, một bộ phận tổ chức công đoàn cơ sở cũng cần đổi mới trong hoạt động, phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong môi trường doanh nghiệp” - ông Lê Đình Quảng cho biết.

Hoàng Mạnh