Khó tìm việc vì kém ngoại ngữ
(Dân trí) - Không cần bàn cãi nhiều, ngoại ngữ hiển nhiên là yêu cầu tất yếu cho mọi tân cử nhân. Nếu bạn không thông thạo bất cứ ngoại ngữ nào, đơn giản là bạn sẽ không xin được việc.
Mai thì khác, cô đã được nhận vào công ty. Đó là một công ty con của một tập đoàn đa quốc gia. Các cuộc họp liên miên với đối tác qua hội thảo từ xa, trao đổi email, tài liệu đều bằng ngoại ngữ. Chưa kể đến những lần có giám đốc hay các nhân viên kĩ thuật sang trao đổi công việc. Tất nhiên đều không thể dùng đến tiếng Việt.
Chỉ trong hai tháng đầu thử việc, Mai đã bộc lộ rõ những yếu kém của mình: ngoại ngữ không tốt, cô không nghe rõ mọi người đang trao đổi chuyện gì, gặp khó khăn trong việc tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu, tuy thế cô vẫn có thể hỏi lại mọi người cùng làm nhưng đến khi có khách sang mới thật là cực hình.
Đọc hiểu tài liệu thì còn cố gắng tra thêm từ điển, nhưng giao tiếp đòi hỏi nghe và phản xạ tốt thì cô không thể nào làm được. Sau hai tháng, sếp cho cô nghỉ việc vì lý do ngoại ngữ yếu kém. Trong thời gian ở nhà đi tìm công việc mới, cô đành ngậm ngùi tham gia vào một lớp học thêm nhằm nâng cao ngoại ngữ, thầm tiếc nuối khoảng thời gian sinh viên bỏ phí không chịu đầu tư học hành cho tử tế.
Còn với Lệ, cô chỉ là một nhân viên bình thường tốt nghiệp trung cấp. Yêu cầu công việc không đòi hỏi tiếng Anh này nọ. Nhưng cũng chính vì thế mà cô chỉ tìm được những công việc tầm tầm với mức lương đủ sống, không bao giờ có hi vọng với tới được công việc cao hơn.
Bên cạnh năng lực chuyên môn thì việc biết thêm ngoại ngữ là một điểm luôn được ưu tiên khi bạn nộp đơn xin việc và có được những công việc hấp dẫn với mức lương hấp dẫn. Dù rằng ngày nay tiếng Anh không còn là ngôn ngữ độc tôn thống trị như vài thập kỷ trước, nhưng nó vẫn là một ngôn ngữ phổ biến và thông dụng nhất, vậy thì tại sao trước tiên bạn không đầu tư một “vốn liếng” kha khá về ngôn ngữ này để phục vụ cho công việc tương lai của mình?
Uyên Nhi