Khi các “sếp” không cùng... cạ
Một cơ quan vừa có người về làm phó giám đốc thay người cũ chuyển công tác sang nơi khác. Không khí cơ quan bỗng trở nên bất bình thường. Mọi người chỉ quan tâm tìm hiểu khám phá vị phó này hơn là tập trung làm việc.
Một số người thậm thụt vào thăm hỏi người phó giám đốc mới. Nói là thậm thụt vì họ không muốn mọi người chứng kiến, càng tránh để vị giám đốc biết vì họ chưa rõ 2 sếp có cùng một ê kíp với nhau không. Nếu không phải sẽ “rách việc”.
Một số anh em tỏ ra dè chừng, có khoảng cách với sếp phó muốn nghe ngóng động tĩnh chưa biết nên quan hệ với ông ta thế nào. Nhưng dẫu có khéo léo đến đâu rồi thì mọi quan hệ phải nảy sinh vì mọi người đều phải vào công việc, chứ không thể chỉ đến cơ quan ngồi chơi. Người giám đốc thấy ai tỏ ra vồ vập, xoắn xuýt với người phó thì có vẻ để ý, cảnh giác vì cho rằng họ không chung thủy với mình. Ông ta thích những người không tìm đến gần gũi phó giám đốc.
Dễ dàng cảm nhận thấy không khí cơ quan không được bình thường, người phó trở nên dè dặt không dám hoàn thành đúng chức trách. Hầu như việc gì anh em trình lên thuộc phạm vi mình đảm nhiệm, ông cũng nói họ đưa lên giám đốc ký. Khi giám đốc gặp người cao thứ nhì cơ quan thì ông lại cự nự cấp dưới: “Việc này thuộc chức trách phó giám đốc, sao đưa tôi? Trước đây thế nào, nay cứ thế mà làm”. Cấp dưới phân trần: “Nhưng thưa anh, phó giám đốc nói để anh ký”. Tại các cuộc họp, người giám đốc không để tâm đến sự tế nhị ý tứ giữ kẽ của Phó giám đốc mà phê bình là trốn tránh trách nhiệm. Người phó chỉ biết im lặng chẳng thể thanh minh.
Từ đó không khí cơ quan luôn không vui, anh em cảm thấy khó làm việc. Những người đứng đắn thì muốn tình hình nhanh chóng được cải thiện, giữa chánh và phó có sự hòa hợp thống nhất, cùng đẩy cơ quan phát triển. Chỉ số ít người tiêu cực mới mong đục nước béo cò, thích khoét sâu sự kỳ thị của 2 thủ trưởng để dễ bề xoay xoả kiếm chác, có cơ hội “tát nước theo mưa”, làm điều khuất tất.
Lời bình: Tại cơ quan trên, cả 3 đối tượng đều ứng xử chưa ổn. Thủ trưởng thì không thiện chí ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho người phó làm việc. Phó giám đốc thì mặc cảm, thiếu tự tin vào tập thể và bản thân. Một số anh chị em thì có thói xấu không lấy công việc làm trọng, chỉ thích sa đà vào những chuyện gây mất đoàn kết. Tình trạng này không phải là hiếm trong các cơ quan hiện nay, cần được khắc phục bởi đó là ứng xử kém văn hoá, không thể để tồn tại.
Theo PL&XH