Hôn lễ đặc biệt của 60 cặp đôi khuyết tật ở Sài Gòn
(Dân trí) - Nhiều cặp đôi đã chung sống với nhau nhiều năm, có cặp đôi đã "con đàn cháu đống" nhưng bây giờ mới có điều kiện làm lễ cưới thông qua chương trình đám cưới tập thể dành cho người khuyết tật tại TPHCM.
Những cặp đôi cô dâu chú rể là người khuyết tật, có những người đã về chung sống với nhau hơn 30 năm nhưng giờ mới được tổ chức lễ cưới. Vợ chồng anh Lê Văn Thắng (33 tuổi) và chị Nguyễn Thị Đẹp (35 tuổi) từ miền Tây lên Sài Gòn làm công nhân may rồi gặp nhau. "Hai vợ chồng hợp nhau thì về ở chung chứ không có tiền để làm đám cưới. Lần đầu tiên được mặc áo cô dâu là khi con trai đã gần 1 tuổi, chị xúc động lắm", chị Đẹp tâm sự trong lễ cưới.
Dù là ngày cưới nhưng cặp đôi anh Qúy - chị Anh cũng phải mang theo thuốc bên người để uống vì bệnh. "Hai vợ chồng bệnh tật liên miên, tôi bị viêm phổi nặng nên lúc nào cũng phải mang theo thuốc để uống", chị Anh chia sẻ.
Sáu mươi cặp đôi, mỗi người một hoàn cảnh, có người đi bán vé số, lượm ve chai, cũng có người là chủ một tiệm tạp hóa nho nhỏ. Họ tìm được một nửa cuộc đời, đến với nhau vì tình yêu và đồng cảnh ngộ nên cùng giúp nhau vượt qua khó khăn.
Anh Phước - chị Thuận đều khuyết tật vận động. Bù lại, họ biết thương yêu nhau, xây dựng gia đình đầm ấm.
Trong lúc chờ cô dâu trang điểm, hai chú rể ra dọc hành lang tâm sự với nhau về cuộc sống. Cả hai đều cười vui vẻ vì đây là lần đầu tiên họ được mặc bộ vest lịch sự làm lễ cưới.
Một cô dâu hồi hộp trước giờ làm lễ.
Chị Dung là một nhân viên kế toán, chị lấy chồng được hơn 1 năm nhưng hôm nay mới được mặc váy cưới.
Các cô dâu, chú rể được dẫn lên sân khấu để làm lễ dưới sự chứng kiến và chúc phúc của người thân và bạn bè.
Cô dâu, chú rể tóc đều đã điểm bạc cùng nắm chặt tay nhau cắt chiếc bánh cưới.
Các cặp đôi đều được tặng hình cưới và một cặp nhẫn cưới trong ngày cưới tập thể. Giây phút trao nhẫn cưới là lúc họ chính thức trở thành vợ chồng về mặt thủ tục dù trước đó đã sống chung với nhau nhiều năm.
Lễ cưới tập thể được tổ chức với mục đích giúp các cặp đôi khuyết tật khó khăn có thể hiện thực hóa ước mơ có được một ngày hạnh phúc trọn vẹn, giúp họ lạc quan hơn trong cuộc sống.
Nguyễn Quang