1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

TP.HCM: Hỗ trợ kinh phí giúp người khuyết tật học nghề

Giai đoạn 2016-2020, TP.HCM sẽ thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho 55.000 lao động nông thôn, nhằm nâng tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trên 80%, tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề làm việc trong các thành phần kinh tế đạt 85%...


Người khuyết tật có nhu cầu cao về việc làm

Người khuyết tật có nhu cầu cao về việc làm

Theo đó, TP HCM sẽ hỗ trợ 6 triệu đồng/người/khóa học đối với người khuyết tật; 3 triệu đồng/người/khóa học đối với người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi: người có công với cách mạng, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân. Mức hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người đối với người thuộc hộ cận nghèo và mức hỗ trợ 2 triệu đồng/người/khóa học đối với lao động nông thôn khác.

Bên cạnh kinh phí học nghề, TP HCM cũng hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho người tham gia học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi. Mức hỗ trợ là 30.000 đồng/người/ngày học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học, nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.


TP.HCM: Hỗ trợ kinh phí giúp người khuyết tật học nghề - 2

Nhu cầu tiếp cận việc làm của NKT rất lớn.

Dự kiến, kế hoạch đào tạo nghề sẽ được triển khai tại một số quận, huyện như: Quận 9,12, Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức; phường 7, 16 (Q. 8); phường 28 (Q.Bình Thạnh).

Theo Sở LĐ-TB&XH TP HCM, toàn thành phố có khoảng 15.000 người khuyết tật trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có khoảng 40 % người khuyết tật có được việc làm, trong đó khoảng 25% duy trì được công việc ổn định.

Một trong những nguyên nhân khiến người khuyết tật khó tìm việc vì không nhiều doanh nghiệp nào cũng có điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe của người khuyết tật. Ngoài ra, việc thiếu kỹ năng nghề và làm việc khiến người lao động cũng bị hạn chế tiếp cận việc làm.

Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực giai đoạn 2016-2020 của thành phố là trên 270.000 chỗ làm việc/năm. Nhiều ngành nghề có thể sử dụng nhiều người khuyết tật như: Thủ công mỹ nghệ, công nghệ thông tin, điện - điện tử, kế toán, may, giày da…

V.T