Hơn 500.000 việc làm của người bán rong, cửu vạn “bốc hơi” ... vì Covid-19
(Dân trí) - Số lao động phi chính thức có việc làm trong quý 2/2020 là 19,5 triệu người, giảm 516.000 người so với quý trước và giảm 634.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Đây là kết quả khảo sát về tác động của đại dịch Covid-19 tới tình hình lao động việc làm trong quý 2/2020, vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố.
Theo đó, lao động phi chính thức trong ngành khai khoáng, giáo dục và đào tạo, hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình giảm nhiều nhất.
Đây là nhóm lao động dễ bị tổn thương trong thị trường lao động khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng của các cú sốc. Những công việc của lao động phi chính thức tồn tại trong đô thị dễ nhận thấy, như: Bán hàng rong, bốc vác thuê, giao hàng, đánh giày, cắt tóc gội đầu...
Những kết luận từ khảo sát của Tổng cục Thống kê còn cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, lao động phi chính thức trong ngành khai khoáng giảm nhiều nhất (giảm 36,2%), tiếp theo là ngành giáo dục và đào tạo, hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình (mỗi ngành giảm 17,9%).
Ngoài đặc điểm về tính dễ bị tổn thương khi có các “cú sốc” về cầu lao động, lao động phi chính thức cũng vốn có thu nhập thấp hơn so với lao động chính thức.
Thu nhập bình quân của lao động phi chính thức trong quý II năm 2020 là 5,1 triệu đồng/tháng, thấp hơn 1,6 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức có mức giảm nhiều hơn so với lao động chính thức, tương ứng giảm 8,4% và 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Khảo sát cũng cho thấy một thực tế: Trình độ tay nghề và kiến thức của người lao động càng cao thì mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng ít hơn lao động trình độ thấp hoặc lao động phi chính thức.
Theo đó, mức thu nhập bình quân tháng của lao động có trình độ càng cao, mức giảm thu nhập càng thấp. So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động có trình độ từ đại học trở lên tăng 0,5% trong khi thu nhập của lao động có trình độ sơ cấp giảm nhiều nhất (giảm 8,3%); lao động có trình độ trung cấp giảm 7,2%; lao động có trình độ cao đẳng giảm 3,3%.
Nhiều nhóm nghề lao động giảm đơn giảm do Covid-19
Khảo sát của Tổng cục thống kê còn cho thấy, lao động trong một số nghề giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Các nhóm nghề lao động giản đơn giảm gần 1,5 triệu người, tương ứng giảm gần 8%; nhóm thợ thủ công và các thợ có liên quan giảm 515.000 người, tương ứng giảm 6,6%; lao động trong nhóm nghề chuyên môn kỹ thuật bậc trung giảm hơn 322.000 người, tương ứng giảm 16,5%.
Hoàng Mạnh