Hơn 3.200 trường hợp giống như cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu đồng

(Dân trí) - “Không chỉ có cô giáo Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) - giáo viên mầm non công tác trước năm 1995 - có lương hưu 1.300.000 đồng/tháng. Cả nước có 3.228 người đang nhận lương hưu bằng và thấp hơn mức 1.300.000 đồng/tháng. Họ thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau”.

Hơn 3.200 trường hợp giống như cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu đồng - 1

Chiều 31/10, tại Hà Nội, bà Đinh Thị Thu Hiền - Phó trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH VN) - cho biết thông tin liên quan tới câu chuyện cô giáo Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng, sau 37 năm công tác với 22 năm 8 tháng tham gia BHXH.

Theo bà Định Thị Thu Hiền, cả nước có 3.228 người hưởng lương hưu như nêu trên, gồm: Cán bộ xã không chuyên trách, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non công lập trước ngày 1/1/1995 có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở, một số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.


hien

Bà Đinh Thị Thu Hiền - Phó trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH VN)

Trả lời câu hỏi, liệu số lượng người nhận mức lương hưu 1.300.000 đồng (tương đương mức lương cơ sở hiện nay) sẽ tăng hay giảm trong thời gian tới, bà Đinh Thị Thu Hiền cho biết: Với mức đóng BHXH tự nguyện như hiện nay còn thấp, nếu nhóm hộ nghèo hoặc cận nghèo tham gia với đóng như mức sàn lương tối thiểu thì lương hưu sau này sẽ thấp, vì chỉ được tối đa 75 % mức trung bình đóng.

Phân tích về mức lương hưu thấp dành cho nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đại diện Ban thực hiện Chính sách BHXH cho biết: Do quy định của Luật BHXH năm 2014, từ 1/1/2016, mức sàn để làm căn cứ đóng thấp nhất chỉ bằng chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn (khoảng 700.000 đồng). Do đó, mức lương hưu của đối tượng này sẽ thấp theo, chỉ đạt trung bình 55-65 % mức đóng.

Được biết, từ 1/1/2018, Chính phủ sẽ áp dụng việc hỗ trợ một phần kinh phí cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. “Tuy nhiên, việc hỗ trợ cũng chỉ tính trên tỉ lệ phần trăm trên nền thu nhập của mức chuẩn nghèo ở nông thôn” - bà Đinh Thị Thu Hiền cho biết.

Liên quan tới thông tin lương hưu giáo viên mầm non đang thấp, bà Đinh Thị Thu Hiền cho biết: “Vấn đề lương hưu giáo viên mầm non còn thấp đã từng được báo chí đề cập từ năm 2015. Khi đó là thời điểm đủ 20 năm tính đóng BHXH theo quy định được hưởng lương hưu. Lúc đó, nhiều giáo viên mầm non nghỉ hưu đã không đủ 20 năm nên đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tham gia BHXH tự nguyện để đủ năm hưởng lương hưu”.

Với trường hợp cụ thể của cô giáo Trương Thị Lan (Hà Tĩnh), bà Đinh Thị Thu Hiền cho biết: Thời điểm bắt đầu tính đóng BHXH là từ năm 1995. Khi đó, lương tối thiểu chung là 120.000 đồng, sau này chuyển sang mức lương cơ sở (hiện nay là 1.300.000 đồng).

Trong thời gian đóng BHXH của cô giáo Lan từ năm 1995 tới nay đã trải qua 2 giai đoạn khác nhau: Từ tháng 1/1995 đến tháng 12/2012 đóng BHXH theo mức tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (đóng BHXH theo mức lương tối thiểu chung từng thời kỳ). Từ tháng 1/2013 đến 8/2017, đóng BHXH với mức lương bình quân của các tháng theo hệ số tiền lương do Nhà nước quy định (cộng với thâm niên ngành).

Nguyên nhân do mức lương đóng BHXH của cô giáo Lan còn thấp nên mức lương hưu dù được hưởng tới 69 % nhưng vẫn chỉ dừng ở 1.300.000 đồng/tháng.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

TP HCM: Công bố tên của gần 500 doanh nghiệp nợ BHXH

BHXH TP Hồ Chí Minh vừa công bố tên của 495 doanh nghiệp nợ BHXH. Nhiều doanh nghiệp có số tiền nợ lên tới 30-40 tỉ đồng và thời gian nợ lên tới hàng năm.

Đứng hàng đầu trong danh sách là Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (quận 1, TP Hồ Chí Minh) với số nợ BHXH lên tới 35,5 tỉ đồng, Công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi) nợ BHXH 26,6 tỉ đồng; Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT, quận Bình Thạnh) nợ BHXH 14 tỉ đồng; Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam (quận 3), nợ 13,2 tỉ đồng…Nhóm thứ 2 các doanh nghiệp có số nợ BHXH từ 5 - 7 tỉ đồng là: Công ty TNHH Dệt Kim Fenix Việt Nam (quận Thủ Đức) nợ 7,9 tỉ đồng; Công ty CP Phân phối Tân Khoa (huyện Bình Chánh), nợ 7,5 tỉ đồng; Công ty cổ phần Quản trị tài nguyên tri thức - Trường THPT Quốc tế Mỹ (huyện Nhà Bè) nợ 7,2 tỉ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8 (quận Bình Thạnh), nợ hơn 6,3 tỉ đồng; Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà đất Cotec (quận 4) nợ 6,1 tỉ đồng; Công ty CP Chuyển phát nhanh Vietstar (quận Tân Bình), nợ gần 5,2 tỉ đồng.

Được biết, theo quy định của Luật BHXH, việc khởi kiện đơn vị nợ BHXH được bàn giao từ phía cơ quan BHXH sang hệ thống công đoàn. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH được trao thêm quyền thanh tra thu BHXH.

V.K