Cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu đồng sau 37 năm cống hiến: Vì sao thấp?

(Dân trí) - Sự việc cô giáo mầm non Trương Thị Lan (Hà Tĩnh), tham gia BHXH được 22 năm 8 tháng nhưng chỉ nhận được lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng, đang thu hút quan tâm của bạn đọc. Cũng về chủ đề lương hưu giáo viên mầm non, cách đây hơn 2 năm, PV Dân trí đã trao đổi với Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) để làm rõ thêm nhiều thông tin liên quan.


Ảnh: TL

Ảnh: TL

Trong lúc chờ giải thích cụ thể của cơ quan chức năng về trường hợp của cô giáo Trương Thị Lan, Dân trí xin trích đăng lại một phần nội dung bài phỏng vấn: “Lương hưu giáo viên mầm non: Vì sao thấp hơn lương cơ sở?”, được thực hiện với đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) từ tháng 8/2015.

Bên cạnh những nội dung về 1 tình huống cụ thể, thông tin bài viết đã phần nào lý giải tình vì sao giáo viên mầm non công tác trước năm 1995 đều có lương hưu thấp, những nguyên nhân khách quan và chủ quan…

Theo Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), căn nguyên sâu xa của việc quy định lương hưu của giáo viên mầm non, như sau:

Căn cứ theo quy định của pháp luật, trước năm 1999, giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thuộc diện tham gia BHXH.

Từ năm 1999 trở lại đây, Nhà nước có chính sách quy định giáo viên mầm non ngoài công lập có ký hợp đồng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, trong thực tế, phải vài năm sau đó, giáo viên mầm non ngoài công lập mới chính thức đăng ký tham gia và đóng BHXH cho cơ quan BHXH.

Tới thời điểm hiện nay, có 2 điều đã thay đổi so với thời điểm lần đầu xuất bản bài viết “Lương hưu giáo viên mầm non: Vì sao thấp hơn lương cơ sở?”, đó là: Giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 1/1/1995 có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở đã được điều chỉnh lên bằng mức lương cơ sở (theo Điều 4 Thông tư 23/2016/TT- BLĐTBXH) và mức lương cơ sở hiện tại là 1.300.000 đồng.

Để tạo điều kiện cho những giáo viên mầm non nói trên có đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng, năm 2004, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bảo hiểm xã hội VN đã có văn bản hướng dẫn giáo viên mầm non được truy đóng BHXH trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến khi họ thực sự tham gia BHXH.

Do đó, những giáo viên mầm non hết tuổi lao động vào giai đoạn 2011-2014 thực tế chỉ từ 10-15 năm đóng BHXH. Lúc này, họ chỉ đủ điều kiện hưởng BHXH một lần chứ không đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.

Với những giáo viên nghỉ hưu vào giai đoạn 2011-2014, họ sẽ có từ 16-20 năm đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ vẫn không đủ điều kiện để hưởng lương hưu hàng tháng.

Đến năm 2011, Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho giáo viên mầm non chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu háng tháng.

Trên cơ sở đó, giáo viên mầm non tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2011; đến hết năm 2014, họ có vừa đủ 20 năm đóng BHXH, đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.

Như vậy, với các chính sách và việc tạo nguồn hỗ trợ của Nhà nước cũng như quá trình tham gia đóng góp của bản thân người lao động, giáo viên mầm non ngoài công lập từ chỗ không thuộc đối tượng tham gia BHXH đã thuộc diện tham gia BHXH, từ chỗ chỉ đủ điều kiện hưởng BHXH một lần đã tích lũy đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.

Vậy, nguyên nhân nào khiến mức lương hưu của nhóm giáo viên mầm non lại thấp? Theo Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH):

- Nguyên nhân đầu tiên là do tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của giáo viên mầm non thấp, dẫn đến lương hưu được tính trên nền tiền lương này cũng bị kéo theo ở mức không cao.

Thứ hai, do thời gian đóng BHXH của giáo viên mầm non ngắn, khiến tỷ lệ hưởng lương hưu thấp. Theo quy định, đối với nữ giới thì sau 20 năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 60% tiền lương đóng BHXH…

Xin được nói thêm, theo quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với giáo viên mầm non là tiền lương ghi trên hợp đồng lao động, do người lao động và người sử dụng lao động chủ động thỏa thuận.

Trên thực tế, điều kiện về kinh tế của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở nông thôn chỉ bảo đảm trả lương cho giáo viên ở mức ngang hoặc trên một chút so với mức lương tối thiểu.

Đối với thời gian truy đóng BHXH thì theo hướng dẫn, mức truy đóng là 15% mức lương tối thiểu tại thời điểm truy đóng. Ví dụ, một giáo viên mầm non truy đóng BHXH 10 năm từ năm 1995 đến năm 2004, thì mức lương làm căn cứ đóng là mức lương tối thiểu chung năm 2004: 290.000 đồng/tháng…

Theo Vụ Bảo hiểm xã hội, nguyên nhân mấu chốt dẫn đến lương hưu của giáo viên mầm non thấp là tiền lương làm căn cứ đóng thấp và thời gian đóng BHXH ngắn. Xét trên tổng thể chung thì số tiền mà giáo viên mầm non đóng vào quỹ BHXH trong vòng 20 năm chỉ đủ chi trả lương hưu cho họ trong vòng chưa đầy 6 năm (Do tỷ lệ đóng góp hàng tháng chỉ là từ 15% đến 22% tiền lương, còn tỷ lệ hưởng lương hưu là 60% tiền lương).

Hoàng Mạnh tổng hợp