Hơn 2.260 đơn vị chậm đóng gần 472 tỷ đồng tiền bảo hiểm
(Dân trí) - Tính đến ngày 31/12/2024, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 2.282 đơn vị chậm đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên với số tiền chậm đóng hơn 474 tỷ đồng.
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, trong số các đơn vị chậm đóng, khối doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể chiếm phần lớn với 2.264 đơn vị, số tiền chậm đóng gần 472 tỷ đồng, chiếm hơn 99% tổng số.
Khối hành chính sự nghiệp có 18 đơn vị chậm đóng số tiền 2,39 tỷ đồng, chiếm hơn 0,5% tổng số.
Trong khối doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, có 650 đơn vị chậm đóng từ 3 đến dưới 6 tháng, gần 27 tỷ đồng; 373 đơn vị chậm đóng từ 6 đến 12 tháng, hơn 27 tỷ đồng; 606 đơn vị chậm đóng trên 12 tháng, gần 272 tỷ đồng; 635 đơn vị chậm đóng khó thu do giải thể, phá sản, dừng hoạt động, chủ bỏ trốn… đã dừng tính lãi với số tiền gần 146 tỷ đồng.
Trong khối hành chính sự nghiệp, có 16 đơn vị đang hoạt động, chậm đóng từ 3 đến 12 tháng, hơn 2,3 tỷ đồng và 2 đơn vị chậm đóng khó thu do đơn vị dừng hoạt động, đã dừng tính lãi, số tiền 0,04 tỷ đồng.
Về số đơn vị chậm đóng phát sinh mới, có 11 đơn vị ở khối hành chính sự nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên, hơn 839 triệu đồng,…
Ở khối doanh nghiệp đang hoạt động, có 354 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên với số tiền từ 20 triệu đồng trở lên, tổng số tiền gần 24 tỷ đồng (gồm cả đơn vị khối hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác).
Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng việc thu nộp bảo hiểm, việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp chậm đóng còn hạn chế, kết quả chưa cao. Một số doanh nghiệp chưa phối hợp trong quá trình thực hiện hoặc cam kết lộ trình chậm đóng nhưng không thực hiện.
Số doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn và thời gian kéo dài nhưng chưa trích nộp dẫn đến số tiền chậm đóng ngày càng tăng và tăng với số tiền lớn.
Điển hình như Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT, có 332 lao động chậm đóng 43 tháng, hơn 33 tỷ đồng.
Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa, có 43 lao động chậm đóng 94 tháng, gần 18 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần may Vạn Hà, có 786 lao động chậm đóng 16 tháng, hơn 13 tỷ đồng...
Một số doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn, lao động ít hoặc đã giảm hết lao động, thời gian chậm đóng kéo dài, đã thực hiện thanh, kiểm tra nhiều lần nhưng chưa thu hồi được tiền chậm đóng.
Cụ thể: Công ty Cổ phần xây dựng Hancorp.2, chậm đóng 148 tháng, hơn 41 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Licogi 15, chậm đóng 151 tháng, hơn 11 tỷ đồng; Công ty Cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Long, chậm đóng 137 tháng, hơn 8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838, chậm đóng 177 tháng, hơn 7 tỷ đồng…
Một số doanh nghiệp hiện nay không còn văn phòng giao dịch, không hoạt động sản xuất kinh doanh tại Thanh Hóa nhưng số tiền chậm đóng lớn, như: Công ty Cổ phần xây dựng số 5; Chi nhánh Công ty Cổ phần Sông Đà 4…