Hơn 1.000 lao động mất việc vì Covid-19
(Dân trí) - Có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, hơn 8.700 lao động bị ảnh hưởng, trong đó ngành nông, lâm và thủy sản chiếm hơn 30%. Thống kê của 22/63 tỉnh, thành phố, số lao động bị mất việc là 1.027 người.
Số liệu trên từ báo cáo nhanh về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona liên quan tới lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, được Bộ LĐ-TB&XH công bố hôm 12/2.
332 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động
Theo đó, báo cáo nhanh của 30/63 tỉnh, thành phố cho thấy: Trong 181.597 doanh nghiệp được thống kê, có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Trong 5.060 hợp tác xã báo cáo, 25 hợp tác xã tạm dừng hoạt động và 5 hợp tác xã giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh. Trong 298.212 hộ gia đình được thống kê, chỉ có 1 hộ tạm dừng hoạt động và 2 hộ giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Về số lao động bị ảnh hưởng theo ngành kinh tế. Báo cáo của 22/63 tỉnh, thành phố cho thấy, trong 8.773 lao động bị ảnh hưởng thì ngành nông, lâm và thủy sản có 3.227 người; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có 2.252 người. Ngành vận tải, kho bãi có 1.121 người.
Hơn 5.100 lao động nước ngoài được cách ly, theo dõi
Theo báo cáo nhanh của 41 địa phương, 5.112 trường hợp đang được cách ly hoặc theo dõi, trong đó có 248 trường hợp đã vào Việt Nam 14 ngày, 1.085 trường hợp vào Việt Nam trong khoảng thời gian từ 10 đến dưới 14 ngày và 3.779 trường hợp vào Việt Nam dưới 10 ngày. Các trường hợp cách ly chủ yếu tại khu ký túc xá doanh nghiệp, khách sạn, có một số trường hợp nghi nhiễm được địa phương theo dõi, cách ly tại các cơ sở y tế.
Ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có 665 người. Còn lại một số ngành khác có lao động bị ảnh hưởng nhưng số lượng không nhiều.
Về số lao động bị mất việc làm. Theo báo cáo của 22/63 tỉnh, thành phố, số lao động bị mất việc là 1.027 người. Chủ yếu thuộc ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Số mất việc làm còn lại ở một số ngành khác.
Hơn 7.600 lao động Trung Quốc quay trở lại
Theo báo cáo của 63 địa phương, 33.775 lao động Trung Quốc làm việc tại các địa phương đã được cấp giấy phép lao động, trong đó có 26.388 lao động Trung Quốc về nước ăn tết.
Theo cập nhật của các địa phương đến 16h ngày 10/02/2020, 15.018 lao động Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, trong đó có 7.388 lao động ở lại Việt Nam dịp Tết và 7.630 lao động Trung Quốc quay trở lại sau dịp Tết Nguyên đán.
Số liệu này chiếm 22,59% lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam.
Đến nay, lao động Trung Quốc đa phần chưa quay lại sau tết Nguyên đán do dịch Covid-19. Việc quản lý và điều hành doanh nghiệp của lao động Trung Quốc chủ yếu thực hiện qua điện thoại và mạng internet nên các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc quản lý và điều hành doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các nước chỉ công bố số liệu về công dân nhiễm Covid-19 chứ không công bố vùng có dịch nên các địa phương gặp khó khăn trong việc xác định người lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch để không cấp giấy phép lao động mới cho lao động trong thời gian này.
Chưa có thông tin lao động Việt nhiễm Covid-19 ở nước ngoài
Theo số liệu về số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Việt Nam hiện có 524.153 lao động đang làm việc tại Trung Quốc và một số nước đã có các trường hợp nhiễm dịch bệnh Covid-19, gồm: Đài Loan (Trung Quốc) là 224.713 người, Ma Cao (Trung Quốc) là 785 người, các nước khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, UAE, Phillippines) là 298.655 người.
Hiện chưa có thông tin về trường hợp lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị nhiễm và nghi nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Hơn 1.600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tạm đóng cửa
Liên quan tới lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thống kê đến thời điểm 11h ngày 10/2/2020, có 1.603 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm các trường Cao đẳng, Trung cấp, TTGDTX-TTDN, TTGDNN, TTGDNN khác cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến giữa tháng 2/2020.
Phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thành lập tổ công tác phòng, chống dịch bệnh và triển khai tổ chức khử trùng trường học, phòng học. Sở lao động địa phương cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, đến thời điểm này theo báo cáo chưa có trường hợp nào mắc bệnh hay có triệu chứng nhiễm bệnh.
Chưa có biến động lớn về lao động - việc làm
Khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tính đến nay, trên toàn quốc không có biến động lớn về vấn đề lao động, việc làm. Hầu hết các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động vẫn ổn định, duy trì hoạt động bình thường, chưa xảy ra tình trạng thiếu hụt lớn lao động.
Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, ngoại trừ không tổ chức các phiên giao dịch việc làm tập trung đông người tìm việc và doanh nghiệp, còn các hoạt động cung cấp dịch vụ cho người lao động và doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động bình thường, không có bất kỳ xáo trộn nào.
Hoàng Mạnh