Thanh Hoá:

Hỗ trợ người bán dâm hoàn lương vay vốn sản xuất, tạo việc làm

(Dân trí) - Đó là một trong những hoạt động can thiệp dự phòng trong kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống mại dâm năm 2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh, huyện trong quý 1/2019.

Ngày 25/1, ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký ban hành kế hoạch số 19/KH-UBND thực hiện chương trình phòng, chống mại dâm năm 2019.

Hỗ trợ người bán dâm hoàn lương vay vốn sản xuất, tạo việc làm - 1
Thanh Hóa phấn đấu duy trì 590 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm.

Theo đó, năm 2019, tỉnh Thanh Hóa giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp cùng các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng mới 2 mô hình: Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng; hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại phòng chống bạo lực giới.

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở rà soát, thống kê nhóm người có nguy cơ cao (thanh niên chưa có nghề nghiệp, việc làm, người đi làm việc tại các khu công nghiệp, người di cư đi tìm việc làm, xuất khẩu lao động...), gắn với chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Đồng thời, hỗ trợ người bán dâm hoàn lương vay vốn sản xuất, tạo việc làm, giới thiệu việc làm đảm bảo đời sống, kinh tế gia đình phòng tránh tái phạm. Cùng với đó là đấu tranh, kiểm tra phòng, chống mại dâm. Để thực hiện nhiệm vụ trên, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh, huyện trong quý 1/2019.

Đội liên ngành 178 tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm, cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm.

Trong năm 2019, tỉnh Thanh Hoá sẽ tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Theo đó, đội liên ngành 178 cấp tỉnh sẽ kiểm tra từ 60 - 80 cơ sở; đối với các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng trên cơ sở tình hình thực tế.

Công an tỉnh chủ trì thu thập, tiếp nhận, xác minh các nguồn tin báo cáo, tố giác về tội phạm liên quan đến mại dâm. Điều tra, khám phá các vụ án, triệt phá các tổ chức tội phạm liên quan đến mại dâm, giải cứu nạn nhân. Phấn đấu phát hiện, khám phá, xử lý hình sự từ 20 đến 30 vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm.

Đồng thời, Công an tỉnh, huyện và công an xã thường xuyên tăng cường các biện pháp quản lý hành chính như quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, khai báo tạm trú, tạm vắng... xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa chủ trì, thường xuyên triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống mại dâm, lồng ghép với hoạt động phòng, chống tội phạm ma túy và mua bán người ở khu vực biên giới.

Phát hiện hoạt động mại dâm, tội phạm mua bán người qua biên giới nhằm mục đích mại dâm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm qua biên giới trở về hòa nhập cộng đồng...

UBND cấp xã thực hiện việc ký cam kết không để xảy ra tệ nạn mại dâm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vi phạm với các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm.

Theo kế hoạch trên, chỉ tiêu phấn đấu của tỉnh Thanh Hóa là duy trì 590 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; phấn đấu xây dựng mới 6 xã, phường, thị trấn có tệ nạn mại dâm thành xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, nâng tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm năm 2019 là 93,86%.

Duy Tuyên