Cần có luật mới để hạn chế nạn mại dâm

Ở nhiều nước trên thế giới, y tế và cảnh sát là hai lực lượng người hoạt động mại dâm liên lạc khi cần giúp đỡ. Còn ở Việt Nam hai lực lượng này chưa trở thành chỗ dựa cho người mại dâm cộng với quan niệm xã hội khiến nhóm người này “ngại” tiếp xúc chính quyền dẫn đến thực trạng cơ quan chức năng muốn quản lý mại dâm nhưng lại thiếu thông tin.

Bất cập này được Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm chia sẻ tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hóa mại dâm của New Zealand ngày 22/9.

Ông Đàm nhận định mại dâm là vấn đề khó giải quyết ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Nhiều năm qua có rất nhiều chương trình phòng chống mại dâm triển khai nhưng mại dâm vẫn diễn biến phức tạp.

Báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết trong 8 tháng đầu năm 2016 tình hình mại dâm và tội phạm liên quan đến mại dâm vẫn diễn biến phức tạp. Trên cả nước xuất hiện và gia tăng các hình thức mại dâm mới như: Dịch vụ gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm qua mạng xã hội. Bên cạnh đó, theo thống kê ở các địa phương, tình trạng người mại dâm sử dụng ma túy có xu hướng tăng.


Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm

Báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2016 có thêm 28.677 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh mại dâm, nâng tổng số cơ sở này lên 126.000 với hơn 100.000 nữ nhân viên làm việc. Hiện cả nước còn 711 tụ điểm, địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm, tập trung ở các TP lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, TP HCM, Bà Rịa- Vũng Tàu.

Ở Việt Nam, mại dâm bị xem là trái thuần phong mỹ tục và chưa được thừa nhận. Tuy nhiên theo ông Đàm, không thừa nhận mại dâm không có nghĩa để thực tế diễn ra mà thiếu giải pháp quản lý. Những đặc điểm này đặt ra cho các cơ quan quản lý cần tìm giải pháp vừa không khuyến khích, cổ súy mại dâm nhưng phải kiểm soát được thực tế đang tồn tại.

Hơn nữa phải tìm những giải pháp hỗ trợ cho những người đang hoạt động mại dâm này, đảm bảo quyền công dân của họ. Vì vậy, theo ông Đàm: “Cần có những thiết chế, quy định để không bỏ rơi một ai ra ngoài lề xã hội. Cho dù người đó đang hoạt động mại dâm hoặc thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. Pháp luật cần giúp đỡ, bảo vệ họ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các dịch vụ xã hội”.

Lấy ví dụ ở New Zealand, ông Đàm nói rằng mặc dù nước này không công nhận mại dâm là nghề nhưng vẫn có chế tài bảo vệ, giúp đỡ người bán dâm và các quy định phòng chống tội phạm xung quanh mại dâm: “Thành công lớn là họ không đẩy mại dâm ra xa các cơ quan nhà nước. Ngược lại, các cơ quan nhà nước như công an, y tế là chỗ dựa khi người bán dâm gặp khó khăn, bị de dọa. Ở nhiều nước, người bán dâm luôn gọi điện cho cảnh sát khi họ gặp nguy hiểm, bị xúc phạm”, ông Đàm nói.

Trong khi đó, ở Việt Nam như lời ông Đàm, người hoạt động mại dâm rất sợ gọi điện cho cảnh sát hay tìm đến cơ quan nhà nước. Lí do bởi họ sợ bị bắt giữ, xử phạt, sợ bị lộ thông tin cá nhân; và người hoạt động mại dâm luôn tìm cách lẩn tránh chính quyền: “Chúng ta đang muốn quản lý mại dâm thì đừng để họ chạy trốn mà phải để họ tin tưởng”, ông Đàm kết luận.

Để học tập kinh nghiệm thế giới, đầu năm 2016, Việt Nam đã cử đoàn nghiên cứu sang New Zealand học tập kinh nghiệm về giảm hại, phòng chống mại dâm. Ngoài ra Việt Nam cũng học tập kinh nghiệm các nước khác như Hà Lan, Thụy Điển. Hiện tại Bộ Lao động đã thành lập các ban nghiên cứu dự án luật phòng chống mại dâm. Dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào thời điểm chín muồi từ nay tới năm 2020.

Về mục tiêu của Luật tới đây, theo Thứ trưởng Đàm sẽ cụ thể hóa các quy định nhằm kiểm soát mại dâm và giúp những người hoạt động mại dâm từ nhận thức đến thay đổi hành vi. Nếu người bán dâm không thay đổi công việc, họ vẫn được bảo vệ những quyền cơ bản. Hơn nữa người hoạt động mại dâm vẫn là công dân nên phải được bảo vệ. Đó là chưa kể Việt Nam đang đứng trước thách thức dịch bệnh và các vấn đề xã hội khác.

Giải thích luồng ý kiến lo lắng khi được phi hình sự hóa, thì mại dâm sẽ phát triển tràn lan, Thứ trưởng Đàm cho biết, qua thực tế nhiều nước chứng minh không có sự gia tăng mại dâm sau khi phi hình sự hóa. Và thực tế trong xã hội nào thì mại dâm cũng là công việc bất đắc dĩ.

“Mong muốn của Luật đạt được là mại dâm không còn nguy cơ đối với văn hóa, truyền thống, cản trở sự phát triển của đất nước cũng như nguy cơ lan truyền các bệnh như HIV hay bệnh tình dục, chống mọi tội phạm liên quan đến mại dâm. Các kinh nghiệm trao đổi, tư vấn hôm nay sẽ góp phần định hướng để đổi mới cách tiếp cận mại dâm ở Việt Nam sao cho vừa đảm bảo quyền công dân mà vẫn đạt được mục tiêu phát triển, quản lý mại dâm”, ông Đàm chia sẻ.

Theo Báo Pháp Luật VN