Bạc Liêu:
Hỗ trợ 13 triệu đồng với hộ gia đình chính sách có người tham gia XKLĐ
(Dân trí) - Đối với lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng... được hỗ trợ không hoàn lại 13 triệu đồng khi xuất cảnh đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chiều ngày 7/12, tại kỳ họp thứ 16 - HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa 9, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu đã có tờ trình về quy định chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025.
Bà Nguyễn Thùy Như, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, cho biết, người lao động ở tỉnh Bạc Liêu đang có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường có thu nhập cao, chi phí nhiều như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan ngày càng tăng.
Do đó, việc có chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là rất cần tiết, nhằm hỗ trợ kịp thời cho người lao động đi làm việc, có thu nhập ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống hộ gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững.
Bà Nguyễn Thùy Như thông tin, đối tượng (nhóm 1) hỗ trợ là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, với khoảng 150 lao động (30 lao động/năm).
Nhóm đối tượng (nhóm 2) là lao động khác ngoài các đối tượng nêu trên, với khoảng 1.350 lao động (270 lao động/năm).
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, tổng nhu cầu vốn thực hiện chính sách hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025 là 83,1 tỷ đồng (khoảng 16,6 tỷ đồng/năm) từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Trong đó, hỗ trợ không hoàn lại là hơn 7,3 tỷ đồng.
Điều kiện hỗ trợ đối với người lao động sau khi kết thúc khóa học do doanh nghiệp, đơn vị cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức; có thông báo xuất cảnh; được cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận hoặc xác nhận hoàn thành khóa học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đó, với nhóm 1, hỗ trợ không hoàn lại 13 triệu đồng/lao động xuất cảnh, gồm: Đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn trong thời gian đào tạo, chi phí đi lại, hỗ trợ tiền khám sức khỏe, làm thị thực (visa).
Hỗ trợ vay vốn theo hình thức tín chấp đối với 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài, trong đó vay tín chấp 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm hoặc vay từ nguồn huy động của Chi nhánh Ngân hàng chính sách Xã hội; còn phần chi phí vay vượt quá 100 triệu đồng thì vay từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Với nhóm 2, hỗ trợ không hoàn lại 4 triệu đồng/lao động xuất cảnh, gồm: Đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn trong thời gian đào tạo, chi phí đi lại, hỗ trợ tiền khám sức khỏe, làm thị thực (visa).
Hỗ trợ vay vốn làm chi phí đi làm việc ở nước ngoài, chia theo tỷ lệ, trong đó vay tín chấp 50% chi phí từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội và vay có đảm bảo ít nhất 30% chi phí tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT; còn lại 20% chi phí người lao động tự túc.
Chính sách hỗ trợ này có thể được thực hiện từ đầu năm 2021.