HLV Park Hang Seo có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp tại Việt Nam không?
(Dân trí) - Câu hỏi nhắc tới HLV Park Hang Seo được bạn đọc gửi tới Giao lưu trực truyến về bảo hiểm thất nghiệp. Chương trình do Báo Dân trí và Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) thực hiện sáng 28/6 tại Hà Nội. Ngoài ra, hàng trăm câu hỏi hấp hẫn khác cũng được bạn đọc chia sẻ...
Có thể là một cổ động viên yêu mến HLV Park Hang Seo, bạn đọc Nguyễn Tuấn ở Hà Nội băn khoăn: “Theo chức năng, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) là cơ quan cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó có HLV Park Hang Seo. Vậy xin hỏi, HLV Park Hang Seo có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Việt Nam không?”.
Trả lời câu hỏi trên, ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, cho biết: “Theo quy định của Luật Việc làm, đối tượng áp dụng là người lao động và mang quốc tịch Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc”.
Trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam làm việc theo quy định của pháp luật Việt Nam sẽ không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Việc Làm.
Với hợp đồng lao động của HLV Park Hang Seo, ông Lê Quang Trung khẳng định: “Do đó, trường hợp của ông HLV Park Hang Seo không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp”.
Được biết, HLV Park Hang Seo là người Hàn Quốc. Dù thời gian làm việc theo hợp đồng với Liên đoàn bóng đá Việt Nam chưa dài nhưng ông đã giúp đội tuyển bóng đá Việt Nam đạt được nhiều thành tích đáng nể trên đấu trường quốc tế và khu vực.
Theo dòng thông tin trên, bạn Trâm ở Bắc Giang gửi tới chương trình câu hỏi: “Tôi đang đóng BHXH, BHYT trên mức lương 6 triệu. Nếu tôi nghỉ việc và có làm thêm đại lý bảo hiểm nhân thọ. Việc cộng tác với bảo hiểm nhân thọ chỉ hưởng thù lao theo phần trăm hợp đồng và không có lương cứng. Vậy khi nghỉ việc, tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?”.
Ảnh: Toàn Vũ
Trả lời thắc mắc trên, ông Lê Quang Trung cho biết: Về điều kiện hưởng trợ cấp được thực hiện theo Điều 49 của Luật Việc làm. Trong quá trình hưởng, nếu người lao động có việc làm theo các trường hợp sau đây thì sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp:
Cụ thể, theo quy định tại điểm B, khoản 1 của Điều 21 NĐ 28 nêu trên thì người có việc làm là người được xác định thuộc 1 trong các trường hợp sau: Đã giao kết hợp đồng lao động hoặc HĐ làm việc đủ 3 tháng trở lên hoặc có quyết định tuyển dụng đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc, hoặc người lao động thông báo đã có việc làm với TT DVVL thì được coi là người lao động có việc làm.
“Trên cơ sở đó, bạn có thể rà soát cụ thể trường hợp của mình để căn cứ vào quy định nêu trên để xác định hưởng trợ cấp thất nghiệp” - ông Lê Quang Trung cho biết.
Cũng liên quan tới chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bạn đọc Thuý Quỳnh hỏi: ”Tôi ở một huyện miền núi xa xôi ở Sơn La. Sắp tới tôi sẽ nghỉ việc và đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng từ nhà tôi tới nơi đăng ký tới hàng chục km. Nếu cứ đăng ký tình trạng việc làm hàng tháng thì đi lại rất khó khăn”.
Theo ông Lê Quang Trung, Luật Việc làm quy định người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng phải đến Trung tâm dịch vụ việc làm (TT DVVL) để thông báo về tình trạng tìm kiếm việc làm, đồng thời cũng để TT DVVL tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường lao động.
Đây là điều kiện bắt buộc để nhận trợ cấp thất nghiệp.
“Ở một số nước, người hưởng trợ cấp thất nghiệp phải đến bất cứ lúc nào, thời điểm nào khi cơ quan dịch vụ việc làm yêu cầu hoặc phải tham gia các công việc tạm thời cũng như bố trí các lớp bồi dưỡng nâng cao huấn luyện để có những kỹ năng cơ bản khi đi tìm việc. Do đó, bạn cần đến TT DVVL tỉnh Sơn La thuộc Sở LĐ TB&XH tỉnh Sơn La để nhận được sự hỗ trợ từ trung tâm” - ông Lê Quang Trung cho biết.
Hoàng Mạnh tổng hợp