Hãy tìm việc mới khi đang hạnh phúc trong công việc
Lời khuyên tham gia phỏng vấn xin việc mới khi đang… hạnh phúc với công việc hiện tại nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng đôi khi đây lại là lựa chọn hiệu quả nhất.
Jack Kelly - chuyên gia tư vấn về các vấn đề tuyển dụng, nghề nghiệp và lương bổng, nhà sáng lập và CEO của Compliance Search Group - đã đưa ra lời khuyên đó trong một bài viết trên Forbes.
Thông thường, chúng ta luôn tin rằng một nhân viên chỉ tìm kiếm công việc mới khi họ cảm thấy thất vọng với công việc mình đang làm, sợ bị giáng chức, lo lắng về những sự thay đổi nào đó trong nội bộ công ty sẽ ảnh hưởng đến mình, hoặc lo lắng về việc phải chuyển công tác ra nước ngoài, hoặc phải làm việc chung với một "nhà lãnh đạo kinh khủng".
Tuy nhiên, khi những dấu hiệu đáng ngại này bắt đầu trở nên rõ ràng, nhiều người vẫn gợi ý bạn nên dành thêm cho nó một chút thời gian nữa, và rồi có thể mọi thứ sẽ được cải thiện. Nhưng thường là, tình huống xấu sẽ ngày một xấu hơn. Bạn bắt đầu cảm thấy mọi thứ đang xuống dốc. Sự tự tin của bạn bị xói mòn, và bạn sợ hãi một tương lai u ám.
Khi tình hình trở nên tệ hơn, bạn sẽ rất khó suy nghĩ rõ ràng bởi vì bạn đã bị quá tải và sợ hãi những điều sẽ xảy ra tiếp theo.
Lời giải đáp cho những tình huống này là: hãy đi tìm công việc mới khi mọi thứ chưa đi xuống dốc, và đừng chờ đợi cho đến khi bạn bị rơi vào vòng nguy hiểm thì mới đi tìm công việc mới.
"Chiến lược ngược đời" Jack Kelly đề ra rất đơn giản: khi bạn đang hạnh phúc với công việc, bạn sẽ có nhiều lợi thế để tỏa sáng và thành công trong buổi phỏng vấn xin việc, chẳng hạn như:
- Bạn sẽ linh hoạt và tự tin hơn khi tham gia phỏng vấn, vì bạn biết rằng vẫn đang có một công việc tuyệt vời chờ đợi mình khi bạn quay về. Nếu bạn làm tốt trong buổi phỏng vấn, điều đó thật tuyệt vời. Nếu ngược lại, đó cũng không phải là vấn đề quá lớn.
- Nếu bạn được đánh giá cao với công việc đang làm, điều đó sẽ càng làm tăng độ hấp dẫn nơi bạn. Công ty bạn định phỏng vấn sẽ rất hào hứng khi "cướp" được một nhân tài từ công ty đối thủ của họ.
- Vì đã có sẵn một vị trí vững chắc, bạn sẽ có được sự tự tin khi yêu cầu một mức lương cao hơn, vị trí công việc và chế độ phúc lợi tốt hơn.
- Không chịu áp lực phải lập tức tìm việc, bạn sẽ khá thảnh thơi chờ đợi cho đến khi tìm được một vị trí tuyệt vời mà mình thực sự yêu thích.
Ngược lại, khi bạn đang thất vọng hoặc lo lắng về sự an toàn của mình trong công việc, đây là những điều sẽ xảy ra:
- Sự lo lắng về công việc hiện tại sẽ khiến bạn căng thẳng hơn trong quá trình phỏng vấn. Nhà tuyển dụng sẽ nhận ra điều này và cảm thấy không thoải mái. Họ sẽ không chắc về việc bạn có thể đảm nhận vai trò mới hay không.
- Bạn sẽ e sợ việc hỏi về vấn đề tiền bạc vì sợ đánh mất cơ hội ở công việc này.
- Vì sự tự tin đã bị bào mòn, bạn thậm chí không cảm thấy muốn tìm việc mới. Một số người cần nhiều tháng trời để chữa lành "vết thương" từ những tình huống tồi tệ trong công việc. Mà bạn tìm việc mới càng trễ sau khi ngưng công việc cũ, nhà tuyển dụng càng dễ đặt vấn đề rằng có thể bạn có vấn đề gì đó ở công việc cũ.
- Bạn sẽ có xu hướng hy sinh tiền bạc, vị trí công việc, các quyền lợi… để đổi lấy sự an toàn.
- Bạn sẽ dễ dàng cảm thấy tuyệt vọng, hoặc quá háo hức để nỗ lực tìm kiếm một chiếc bè cứu sinh để thoát khỏi con tàu đang chìm của mình. Người đối diện sẽ "ngửi thấy" cái "mùi tuyệt vọng" của bạn, và điều này sẽ tác động tiêu cực đến họ.
- Sự lo lắng càng nhiều thì càng cản trở bạn đạt được hiệu suất cao trong buổi phỏng vấn.
- Bạn sẽ có rất ít cơ hội để đạt được một mức lương tốt hơn.
Vì vậy, lời khuyên của tôi ở đây là: hãy theo đuổi một cách tiếp cận "ngược đời" đối với vấn đề tham gia phỏng vấn xin việc. Hãy bắt đầu tìm kiếm cơ hội việc làm mới khi bạn đang hạnh phúc và tự tin với vị trí hiện tại. Điều này sẽ làm tăng độ hấp dẫn, tăng mức độ tiềm năng của bạn đối với nhà tuyển dụng. Và nhờ đó, bạn sẽ có thể có được một vị trí cao hơn với mức lương tốt hơn ở công ty mới.