1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

TPHCM:

Công nhân vất vả tìm việc ngày cuối năm

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Khi công ty cắt giảm nhân sự dịp cuối năm, nhiều công nhân chấp nhận xin làm các công việc thời vụ để mưu sinh. Nhiều công nhân in hàng chục bộ hồ sơ để mong không phải thất nghiệp.

Nỗi khổ của công nhân nghỉ việc dịp cuối năm
Công nhân vất vả tìm việc ngày cuối năm - 1
Những công nhân phải nghỉ việc dịp cuối năm gặp khá nhiều khó khăn.

"Một năm quá buồn"

Có mặt tại buổi tư vấn xin việc và thông tin về chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm TPHCM, chị Trần Hoài Như (ngụ quận 12) vẻ mặt khá buồn bã. Chị cho biết phải nhờ người chăm hai người con nhỏ để tham gia buổi tư vấn. Chị làm cho công ty may mặc tư nhân hơn 5 năm nhưng buộc phải nghỉ việc đầu tháng 12 vì công ty không có đơn hàng.

"Một năm quá buồn với mình và nhiều công nhân. Từ đầu năm, mọi công việc đều bị ngừng, chậm vì dịch Covid-19. Cùng với đó, lương, thưởng cũng bị giảm nghiêm trọng, có khi đến 70%. Có những tháng, hai vợ chồng mình chỉ đủ tiền trả phòng trọ và trả tiền học cho con", chị Như buồn bã nói.

Công nhân vất vả tìm việc ngày cuối năm - 2
Hàng chục bộ hồ sơ đã được công nhân chuẩn bị để đi xin việc dịp cuối năm.

Kể từ khi công ty cho nghỉ việc, chị Như đã nộp gần 10 bộ hồ sơ tại các công ty may mặc nhưng chưa được tuyển dụng. Mỗi ngày thất nghiệp với chị là một ngày khó khăn.

"Mình chỉ mong có việc làm để có lương dịp cuối năm nay là tốt rồi, không đòi hỏi gì nhiều. Hai vợ chồng cố gắng tiết kiệm để Tết về quê thắp nhang cho ông bà ở quê nữa. Nghèo nhưng Tết là phải về quê, ở Sài Gòn buồn lắm. Có năm mình ở lại, đêm giao thừa hai vợ chồng ôm nhau khóc rồi mùng 2 ra bắt xe về quê luôn", chị Như chia sẻ thêm. 

Cũng buộc phải nghỉ việc dịp cuối năm, chị Tuyết lại có tâm trạng khác với chị Như. Dù đang thất nghiệp nhưng chị Tuyết quyết sang năm mới mới đi xin việc. Dịp cuối năm chị quyết định chọn các công việc thời vụ để không bị ràng buộc. 

Công nhân vất vả tìm việc ngày cuối năm - 3
hị Tuyết chia sẻ, bản thân sẽ đợi qua năm sau rồi mới bắt đầu tìm một công việc mới.

 "Do gần đến cuối năm, nên hôm nay mình tranh thủ lên đây để nghe tư vấn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Còn về tìm một công việc mới thì hiện tại đang là cuối năm, nên mình sẽ đợi qua năm sau rồi mới đi tìm cơ hội mới cho bản thân", chị Tuyết tâm sự.

Đây cũng là tâm lý chung của nhiều người khi đến với buổi tư vấn, vì chưa biết tình hình dịch và thị trường lao động biến động như thế nào nên đa số họ làm các công việc thời vụ để có tiền trang trải cuộc sống.

Theo bà Trần Thị Kiều Oanh, Giám đốc nhân sự Công ty Sài Gòn Food: "Năm 2020, công ty không có chính sách tuyển dụng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo sự chuyển dịch tự nhiên nên nhiều vị trí nhân sự đã bị khuyết. Vì vậy sang năm 2021, công ty sẽ đẩy mạnh tuyển dụng bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu về các đơn hàng lớn và gia tăng sản xuất để phục hồi kinh tế của công ty sau dịch".

Cũng theo thông tin từ ông Nguyễn Thọ Thái, Phó trưởng phòng thông tin thị trường lao động TPHCM, vào những tháng cuối năm, phần lớn doanh nghiệp sẽ tăng nhiều chỉ tiêu tuyển dụng vào các công việc như: nhân viên bán hàng, bảo vệ, kế toán, dệt may để tăng cường sản xuất phục vụ sản phẩm cuối năm, cũng như vào dịp tết. 

Ông Thái dự đoán năm 2021, nền kinh tế của thành phố sẽ hồi phục và phát triển mạnh, cùng với đó nhu cầu tuyển dụng cán bộ, công nhân tại các công ty sẽ tăng nên trung tâm cũng đã chuẩn bị nguồn cơ sở dữ liệu về nhu cầu lao động để đáp ứng được công việc của người lao động mong muốn.

Công nhân vất vả tìm việc ngày cuối năm - 4
Các buổi tư vấn việc làm cũng thưa thớt người do các phiên giao dịch việc làm đã chuyển qua online.

 Sàn giao dịch trực tuyến lên ngôi

Theo đại diện của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đã tổ chức 97 sàn giao dịch việc làm nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trung tâm đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến bằng hình thức người lao động sẽ lên website của trung tâm, tại đó doanh nghiệp sẽ phỏng vấn trực tiếp người lao động.

Chính vì nguyên nhân trên, nên đã ảnh hưởng đến tỷ lệ người lao động tham gia sàn giao dịch việc làm trực tiếp.

Công nhân vất vả tìm việc ngày cuối năm - 5
Mọi người đến các phiên tư vấn việc làm đều phải đảm bảo an toàn trong công tác phòng ngừa dịch Covid-19.

So với cùng kỳ mọi năm, tỷ lệ người lao động tham gia các sàn giao dịch việc làm trực tiếp bị giảm khá nhiều. tuy nhiên tỷ lệ người lao động tham gia sàn giao dịch việc làm trực tuyến lại tăng 300% so với năm trước, vị đại diện này cho biết thêm.

Chị Nguyễn Thị Kim Liên (30 tuổi) chia sẻ: "Vào tháng 8 năm nay, tôi mới xin nghỉ việc tại công ty cũ do công ty cũ bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên hôm nay tôi đến Trung tâm Dịch vụ Việc làm TPHCM với mong muốn tìm được việc kế toán và thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng".

Công nhân vất vả tìm việc ngày cuối năm - 6

Tuy vậy, thỉnh thoảng sẽ có những buổi tư vấn việc làm để người lao động hiểu rõ hơn về chính sách pháp luật và nhu cầu việc làm. 

Cũng giống như chị Liên, anh Phạm Ngọc Thuận (sinh năm 1993) cho biết, anh đến trung tâm để nghe tư vấn về bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời tìm công việc cho bản thân.

Lúc trước anh Thuận là nhân viên của một công ty chuyên thi công đường dây mạng với mức lương là 8 triệu đồng. Tuy nhiên vì dịch bệnh nên công ty giảm tiền lương đồng thời cho nhân viên thay nhau nghỉ nên thu nhập của anh bị ảnh hưởng. 

Trong tương lai, anh muốn kiếm một công việc liên quan đến thi công đường dây mạng để có thể làm việc với mức lương anh Thuận mong muốn là trên 10 triệu đồng/tháng.