1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hàn Quốc giúp Việt Nam nâng cao chất lượng chứng chỉ nghề

(Dân trí) - Dự án “Nâng cao năng lực nhằm thiết lập hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia tại Việt Nam” có khoản đầu tư 1,8 triệu USD, do Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ vừa được triển khai.

Sáng nay (24/4) Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tổng cục dạy nghề, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã triển khai dự án “Nâng cao năng lực nhằm thiết lập hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia tại Việt Nam”.

Dự án được triển khai với số vốn đầu tư lên tới 1,8 triệu USD (trong đó vốn ODA không hoàn lại đạt 1,5 triệu USD, vốn đối ứng là 300 nghìn USD); dự án sẽ kết thúc 12/2013.

Theo đó, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam triển khai dự án này nhằm góp phần nâng cao năng lực để thiết lập hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ, kỹ năng nghề quốc gia của Việt Nam, hoàn thiện về thể chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ kỹ năng của người lao động. Đây cũng là dịp để Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm đối với ngành lao động Việt Nam.

Thống kê của Tổng cục dạy nghề cho thấy, đến năm 2010, dân số Việt Nam đã đạt trên 87 triệu người, trong đó dân số ở nông thôn chiếm gần 70%. Lực lượng lao động hiện đã đạt trên 47 triệu người, trong đó trên 30% số lao động dưới 30 tuổi.  Dự báo đến năm 2020, lực lượng lao động đạt 63 triệu người, trong đó số lao động đang trong độ tuổi là 52,8 triệu

Hàn Quốc giúp Việt Nam nâng cao chất lượng chứng chỉ nghề

Hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ nghề sẽ được nâng cấp.

Dù vậy, tại Việt Nam, hiện đang có một thực tế, chỉ những kỹ năng nghề có được thông qua đào tạo là được công nhận chính thức trên văn bằng, chứng chỉ, do cơ sở đào tạo mới được đánh giá và công nhận. Trong khi, những kỹ năng nghề do người lao động có được thông qua đào tạo đánh giá và kèm cặp tại nơi làm việc hoặc tự tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn sẽ không được đánh giá, công nhận chính thức.
 
Theo đó, nếu họ di chuyển đến nơi làm việc mới, lao động dù trình độ cao cũng không được công nhận. Vì vậy, họ gặp khó khăn trong việc thăng tiến trong nghề nghiệp , tiếp cận với việc làm mới, kể cả tìm việc làm ở nước ngoài. Đây là một sự bất bình đẳng và không khuyến khích được những kỹ năng có nghề…

 Để khắc phục tình trạng trên và góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề. Việt Nam đang nỗ lực từng bước xây dựng hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia sau khi luật Dạy nghề có hiệu lực từ 1/6/2007. Hoạt động đánh giá kỹ năng nghề và cấp chứng chỉ dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề là vấn đề quyết định đối với Việt Nam vì nó sẽ phát triển một lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật cao cho thị trường. Cùng đó, việc thiết lập hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng quốc gia được hy vọng sẽ đáp ứng sự tăng lên về nhu cầu lao động có tay nghề cao ở Việt Nam.

P. Thanh