Hà Tĩnh: Người dân lao đao vì dính bẫy “cò” lao động?

(Dân trí) - Vì muốn đổi đời bằng con đường xuất ngoại, bà Sâm đã vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng đưa cho “người cò mồi” để người con trai đi xuất khẩu lao động. Nhưng giờ đây, gia đình bà lại đang rơi vào cảnh nợ nần, khủng hoảng vì việc chẳng thành mà tiền chưa thể lấy lại được.

Đó là tình cảnh của gia đình bà Thái Thị Sâm (SN 1963, trú tại phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh).

“Vỡ mộng” làm giàu

Mới đây, bà Sâm đã có đơn cầu cứu gửi đến báo Dân trí, phản ánh việc gia đình bà đang rơi vào khủng hoảng, nợ nần vì trót đưa hàng trăm triệu đồng cho những người môi giới để được đi lao động ở nước ngoài.

Bà Sâm cho biết: con trai bà vừa tốt nghiệp THPT, chưa có việc làm và muốn cho con đi xuất khẩu lao động. Khi được một người thân giới thiệu anh Nguyễn Hoàng Hải (trú tại Hà Nội) có đường dây dẫn người sang làm việc tại Đức nên bà đã liên hệ với anh Hải.

Anh Hải giới thiệu là nhân viên Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Thương mại Hòa Chi (địa chỉ quận Long Biên - Hà Nội) và hứa sẽ xin được việc làm ở bên nước Đức.

Ngày 23/09/2015 bà Sâm đã đưa cho anh Hải 50 triệu đồng tiền đặt cọc. Đến ngày 08/10/2015, bà Sâm tiếp tục nộp cho anh Hải số tiền còn lại là 317 triệu đồng. Và tổng số tiền bà Sâm đã nộp cho anh Hải là 367 triệu đồng.


Bà Sâm (bên phải) đang trình kể lại sự việc

Bà Sâm (bên phải) đang trình kể lại sự việc

Bà Sâm cho biết: “Lúc đó anh Hải nói với tôi phải nộp khẩn trương số tiền 317 triệu đồng. Nếu sau 3 ngày mà không nộp tiền thì sẽ hủy chuyến bay. Thế nên gia đình tôi đã đi vay mượn ngân hàng, anh em để nộp số tiền đúng hạn cho họ. Lúc nộp tiền tất cả giấy tờ thì viết bằng tay và do Hải ký nhận, không có hóa đơn hay hồ sơ hợp đồng gì hết”.

Trong phiếu thu tiền anh Hải cũng ghi rõ: “Nhận số tiền 367 triệu đồng từ bà Sâm để xin công việc. Sau ngày 22/01/2016 nếu công việc không xong, tôi sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền trên”.

Đến tháng 02/2016, phía Công ty CPDL&DVTM Hòa Chi gọi anh Lương (con trai của bà Sâm) ra Hà Nội để làm thủ tục bay. Tuy nhiên, khi anh Lương ra thì phía công ty này cho biết chuyến bay bị hoãn lại. Đợi 15 ngày nhưng không có kết quả, nên anh Lương lại trở về nhà, tiếp tục chờ đợi.

Đến tháng 04/2016, phía công ty này tiếp tục gọi điện cho anh Lương ra chuẩn bị bị để bay. Tuy nhiên, một lần nữa anh Lương lại phải lỗi hẹn. Lý do phía công ty này đưa ra là “chưa có người đón nên chưa thể bay được”!?.

Nghi ngờ có dấu hiệu của sự lừa đảo nên bà Sâm đã báo với công ty là rút lại tiền và không đi nữa. Lúc này, bà Nhung, GĐ Công ty đã viết giấy hẹn đến ngày 04/5/2016 sẽ thanh toán hết số tiền mà bà Sâm. Tuy nhiên, sau đó năm lần bảy lượt phía công ty này tìm đủ mọi lý do và bà Sâm đều không nhận được tiền như đã hẹn trả.


Ông Nguyễn Hoàng Hải viết giấy biên nhận số tiền 367 triệu đồng của bà Sâm.

Ông Nguyễn Hoàng Hải viết giấy biên nhận số tiền 367 triệu đồng của bà Sâm.

Bà Sâm cho biết: “Trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 9/2016, anh Hải đã 3 lần trả cho tôi số tiền là 100 triệu đồng. Còn bà Nhung chỉ mới đưa cho tôi 10 triệu đồng. Hiện phía họ còn giữ của tôi là hơn 200 triệu đồng”.

“Toàn bộ số tiền cho con đi là tôi đi vay ngân hàng. Lúc đó tôi chỉ nghĩ cho con, mong nó đi để thoát cảnh nông dân nghèo khó nhưng ai ngờ sự việc lại như thế này. Giờ tôi đang đi làm osin để kiếm tiền đóng lãi hàng tháng”, bà Sâm ngậm ngùi nói.

Có dấu hiệu lừa đảo?

Để làm rõ hơn vấn đề, PV đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Hòa Nhung, Giám đốc Công ty CPDL&DVTM Hòa Chi qua điện thoại. Tuy nhiên, chúng tôi khá bất ngờ khi bà Nhung lại cho rằng không hay biết anh Nguyễn Hoàng Hải là ai?.

“Tôi không biết Hải là ai hết. Còn phía công ty không làm xuất khẩu lao động, chỉ làm đi du lịch và du học. Trường hợp con của bà Sâm đi là đi du lịch chứ không phải đi xuất khẩu lao động. Còn việc con bà Sâm đi du lịch sang đó làm việc hay không thì tôi không biết. Nhưng nếu đi theo bên tôi thì phải đi du lịch thật, đi thì về chứ không được trốn lại. Hiện nay, tôi đã gửi trả bà ấy một số tiền để bà đóng tiền lãi hàng tháng”, bà Nhung lý giải.


Rất nhiều giấy hẹn, nhưng đến giờ bà Sâm mới nhận được 10 triệu đồng từ phía bà Nhung, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Thương mại Hòa Chi.

Rất nhiều giấy hẹn, nhưng đến giờ bà Sâm mới nhận được 10 triệu đồng từ phía bà Nhung, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Thương mại Hòa Chi.

Tuy nhiên, theo tài liệu PV nắm được thì bà Nhung, Giám đốc Công ty CPDL&DVTM Hòa Chi và ông Nguyễn Hoàng Hải đã có làm việc với nhau. Cụ thể, trong giấy hẹn trả tiền phía bà Nhung xác nhận, phía công ty đã nhận tiền của ông Nguyễn Hoàng Hải để đặt tour du lịch và đặt cọc chống trốn cho anh Phạm Lương.

PV cũng đã liên hệ với ông Nguyễn Hoàng Hải để làm sáng tỏ vụ việc. Ông Hải khẳng định thời điểm nhận tiền của bà Sâm là nhân viên của Công ty CPDL&DVTM Hòa Chi và là người đứng ra làm cầu nối giữa bà Sâm và công ty này.

“Ngày trước tôi làm tại công ty này, chị Nguyễn Thị Hòa Nhung là sếp của tôi. Sau khi nhận tiền từ bà Sâm, tôi được trích lại 140 triệu đồng, đó là tiền chị Nhung thưởng cho tôi. Hiện nay, tôi đã trả lại cho bà Sâm 100 triệu rồi. Còn tiền giữa chị Nhung và bà Sâm tôi không nắm rõ”, ông Hải nói.

Ngoài trường hợp của bà Sâm thì anh Bùi Phương cũng ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Và phía Công ty CPDL&DVTM Hòa Chi đang giữ của anh Phương hơn 200 triệu đồng.

Rõ ràng trong vụ việc này đang tồn tại nhiều mập mờ, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người lao động để trục lợi.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Xuân Sinh