Ngày Quốc tế người khuyết tật thế giới (3/12):

Hà Nội: Quán ốc đông khách của bà chủ chỉ dùng nụ cười, cử chỉ khi bán hàng

Phạm Công

(Dân trí) - Dù chỉ giao tiếp với nhau qua cử chỉ, nhưng hiếm khi bà Hàng Tuyết Khánh (Hà Nội) phục vụ nhầm đồ cho khách. Quán ốc không có tên nhưng nhiều khách thân quen đã tự gọi là "quán ốc bà câm".

Quán ốc đặc biệt 

Nằm nép mình bên những hàng quán sang trọng trên phố Tống Duy Tân (Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội), quán ốc nhỏ đặc biệt của bà Hàng Tuyết Khánh đã tồn tại 10 năm nay. Quán đặc biệt không chỉ bởi món nước chấm và ốc ngon mà còn vì vị chủ quán hiếu khách vốn là một người khuyết tật nghe và nói.

Sinh ra là một người bình thường như bao người bình thường khác, lên 3 tuổi, sau 1 trận ốm nặng, khả năng nói và nghe của bà Hàng Tuyết Khánh không còn nữa. 

Bà hàng Tuyết Khánh chia sẻ về quán ốc của mình

Quán ốc nhỏ chỉ được bày biện đơn giản bằng những hàng ghế nhựa, khu vực chế biến ốc nằm ngay bên cạnh. Nhưng bàn ghế mới chỉ có chục năm trở lại đây.

Qua lời chuyển ngữ của cô con gái từ động tác và những tiếng phát âm, bà Hàng Tuyết Khánh cho hay: "Trước đây tôi gánh đi khắp các phố phường ở Hà Nội để bán ốc. Sau này có tuổi, sức khỏe không còn nhiều nên về mở quán ở đầu ngõ".

Quán ốc của bà mở cửa từ 14h - 21h tối, khách tập trung đông nhất vào lúc 18h - 19h. Khách hàng quen đến ăn chỉ cần ra ký hiệu là được phục vụ nhanh chóng.  Đến với quán ốc đặc biệt này, khách mới đến lần đầu đều cảm thấy ngạc nhiên vì không biết phải gọi món như thế nào.

Hà Nội: Quán ốc đông khách của bà chủ chỉ dùng nụ cười, cử chỉ khi bán hàng - 1

Bà Hàng Tuyết Khánh với quán ốc nhỏ trên phố Tống Duy Tân 

Dù chỉ giao tiếp với nhau qua cử chỉ, nhưng hiếm khi bà Hàng Tuyết Khánh phục vụ nhầm đồ cho khách. Quán ốc không có tên nhưng nhiều khách thân quen tới đây đã tự gọi có là "quán ốc bà câm".

Từ việc nấu ốc, tính tiền đều được dùng bằng tay, đôi tay bà nhanh thoăn thoắt, khéo léo luôn làm khách hàng thấy hài lòng.

Bí quyết giữ chân khách hàng

Theo bà Hàng Tuyết Khánh, để có được quán ốc ngày hôm nay, bà đã phải cố gắng rất nhiều. Bà Hàng thị Tuyết Khánh chỉ học hết lớp 3, lớn lên cũng không xin đi làm ở đâu được vì dạng tật nghe nói.

 Thế rồi bà gặp chồng là ông Diệp Tiểu Hùng, cũng không thể nghe và nói qua một nhóm bạn cùng cảnh ngộ. Đồng cảm nên hai người đến với nhau và sống rất hạnh phúc. Họ giao tiếp với nhau bằng cử chỉ, cùng nhau thấu hiểu những tâm tư tình cảm của nhau hơn ai hết.

Hà Nội: Quán ốc đông khách của bà chủ chỉ dùng nụ cười, cử chỉ khi bán hàng - 2

Bí quyết ốc ngon của bà nằm ở nước chấm 

Bà có rất nhiều người bạn cũng khó khăn trong việc nghe và nói, trong lúc rảnh rỗi mọi người thường gọi video cho nhau để trò chuyện. Những người bạn khiến bà có nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống.

"Nhóm bạn của tôi có người già, người trẻ nhưng đều có một điểm chung là không thể nói được. Tôi quen họ qua lớp học ký hiệu và thỉnh thoảng mọi người đi chơi, ăn uống với nhau" - bà Hàng Khánh Tuyết cho biết. 

Tất cả những công thức để làm ra món ốc ngon hút hồn thực khách ngày hôm nay, đều do kinh nghiệm bà đúc kết lại và sự chia sẻ của bạn bè suốt 20 năm qua.

Món ăn tưởng chừng đơn giản nhưng để thực khách nhớ mãi thì thật công phu. Theo bà Hàng Tuyết Khánh, để món ốc ngon cần có rất nhiều công đoạn nhưng quan trọng nhất phải là nước chấm. Để tạo ra thứ nước chấm ốc ngon, tất cả đều phải được đong đếm chi li, vị ngọt của đường, nước mắm, gừng, tỏi, ớt,…

Hà Nội: Quán ốc đông khách của bà chủ chỉ dùng nụ cười, cử chỉ khi bán hàng - 3

Giờ cao điểm, quán ốc luôn tấp nập khách hàng

Theo bà Hàng Tuyết Khánh, những ngày cuối tuần mùa đông, khánh ngồi chật quán, với giá giao động từ 25.000 - 50.000 đồng mỗi loại ốc, có ngày bà thu lời cả triệu đồng. Hiện quán ốc của bà tạo việc làm cho 3 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/tháng.

Hà Nội: Quán ốc đông khách của bà chủ chỉ dùng nụ cười, cử chỉ khi bán hàng - 4

Người chủ quán này lấy nụ cười thay cho những câu chào và lời cảm ơn

Là một khách quen của quán hàng chục năm nay, ông Nguyễn Văn Hùng trú tại Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Tôi biết đến ốc bà Khánh từ ngày bà ấy còn bán rong. Từ ngày bà không đi bán rong nữa, tuần nào tôi cũng sang đây ăn ốc vài lần. Ốc ở đây được làm sạch, cẩn thận. Khi khách gọi, từng đĩa ốc nóng hổi được bưng ra".

Tuy nhiên, điều đặc biệt ở quán ốc là những cái vẫy tay và nụ cười niềm nở, hiền hậu của người chủ quán đặc biệt này. Nụ cười của bà cũng thay cho lời chào, lời cảm ơn với bất cứ vị khách nào đến và đi.

Hà Nội: Quán ốc đông khách của bà chủ chỉ dùng nụ cười, cử chỉ khi bán hàng - 5

Lúc rảnh rỗi bà thường nói chuyện với những người bạn qua điện thoại

Hà Nội: Quán ốc đông khách của bà chủ chỉ dùng nụ cười, cử chỉ khi bán hàng - 6

Ốc phải được rửa sạch, để ráo khách gọi đến đâu luộc đến đấy 

Hà Nội: Quán ốc đông khách của bà chủ chỉ dùng nụ cười, cử chỉ khi bán hàng - 7

Gia vị pha nước chấm luôn được bà Khánh chuẩn bị sẵn