Đà Nẵng:
Nghề kiếm tiền nhờ áo mưa rách, một thời thịnh vượng đang dần bị lãng quên
(Dân trí) - Có những nghề như mài dao kéo, lò rèn và có cả nghề vá áo mưa từng một thời rất thịnh vượng ở Đà Nẵng. Nhưng theo nhịp thời chúng đang dần dần bị lãng quên.
"Cái nghề lạ hoắc"
"Vá áo mưa", có lẽ mới nghe qua, nhiều người sẽ thấy ngạc nhiên với cái nghề lạ hoắc lạ huơ này. Ấy thế mà, cái nghề dường như đã bị lãng quên ở thời hiện đại này đã từng có một thời rất thịnh vượng ở nơi đây.
Đất Đà thành rả rích những cơn mưa dầm dề, lê thê, đôi lúc mưa cứ xối xả, khiến đường phố ngập toàn là nước. Ai ai ra đường cũng khoác lên mình những chiếc áo mưa mới toanh, đa sắc màu.
Tôi lang thang đến chợ Cồn, dò hỏi về nghề vá áo mưa, thì một bác xe xích lô cho hay "Ở đây giờ không còn ai làm nghề ni nữa đâu, cháu muốn dán thì thử tìm ven đường Hùng Vương hỏi thử xem, biết đâu còn ai dán trên đó".
Sau một hồi tìm kiếm, tôi được một người giới thiệu về cô Lành là người hiếm hoi còn hành nghề dán áo mưa ở khu chợ đặc trưng của thành phố Đà Nẵng này.
Trong gian hàng nhỏ nằm bên đường Hùng Vương, cô Lê Thị Xuân Lành (51 tuổi), có kinh nghiệm làm nghề dán áo mưa hơn 20 năm qua, đang cặm cụi dán những chiếc áo mưa cho khách hàng mang đến. Bộ đồ nghề của cô rất đơn giản, là cái dũa, mỏ hàn sắt, dao, kéo, lò than và những miếng dán bằng nilon hoặc vài ba mảnh áo mưa cũ.
Để dán chiếc áo, đầu tiên phải xem kỹ chỗ rách đó dài và rộng, hỏng ra làm sao rồi cắt miếng nilon hoặc mảnh áo mưa cũ sao cho vừa vặn. Sau đó, nhẹ nhàng rút chiếc dùi sắt trước đó đã nung đỏ sẵn trong lò than ra và chà qua sáp nến để giảm nhiệt.
Khi đã vừa nhiệt độ thì lấy một miếng nilon khác (loại không dính) đặt lên trên miếng vá áo mưa, bên dưới có kê sẵn một tấm sắt bề mặt sần sùi. Rồi dùng mỏ hàn đang nóng đè mạnh, dí lên dí xuống nhiều lần để miếng nilon bám chặt vào áo mưa.
"Nhìn thì đơn giản rứa đó, nhưng nếu không cẩn thận và khéo tay để cái mỏ hàn nó nóng quá thì làm hư áo mưa, mất công không có tiền mà đền", cô Lành cười nói.
Một khách hàng của cô Lành, chị Nguyễn Mai Liên (40 tuổi), cho biết "Nhà tôi làm việc ngoài trời, nên mỗi lúc trời mưa là áo mưa hay bị rách lắm. Giờ mà vứt đi thì uổng quá mà mua mới thì lại không có tiền, may còn cô Lành làm nghề vá áo mưa, chỉ còn vài miếng vá là lại như mới ngay".
Bấp bênh chữ "nghề"
"Vá áo mưa" thì trời mưa mới có khách, chính vì phụ thuộc vào thời tiết nên nghề này có thu nhập rất bấp bênh. Cao điểm như mùa mưa, mỗi ngày cô dán được 5 đến 10 cái áo mưa và tiền công tùy theo lỗ rách to hay nhỏ để lấy từ 5 đến 20 nghìn đồng. Còn trời nắng thì may lắm lác đác có 1, 2 người đem tới dán hoặc ngồi cả ngày cũng chẳng có ai. Chính vì nghề này không đáp ứng được nhu cầu để mưu sinh nên bây giờ không còn mấy ai mặn mà với nó nữa.
Theo cô Lành, lúc trước kinh tế còn khó khăn, người dân sắm được cái áo mưa cũng không phải là điều dễ dàng, và lúc đó áo mưa tiện lợi chưa phổ biến như hiện nay nên hầu hết ai cũng sử dụng áo mưa cánh dơi, áo mưa bộ. Cứ mỗi khi rách, thủng chỗ nào là người ta lại mang đi vá, nhiều cái áo vá đi vá lại hàng chục lần, nên ngày trước thì nghề vá áo mưa khá thịnh hành và đông người theo nghề.
"Nghề ni, giờ thì ế ẩm quá, bây chừ nhiều người có tiền, áo mưa rách là họ mua cái mới luôn. Khách hàng cũng ít dần chủ yếu là xích lô, xe thồ những người buôn bán ở chợ hay những bạn sinh viên là chủ yếu", cô Lành than thở.
Có lẽ rằng, chính vì sự thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống gia đình nên nhiều người làm nghề này đã chuyển sang một nghề khác. Để có đồng vào đồng ra, với cô Lành, ngoài vá áo mưa, cô còn làm thêm việc ép dẻo các loại giấy tờ để có thêm thu nhập.
Và cứ như thế, khi trời chuyển mưa thì những người hành nghề còn sót lại như cô Lành, lại sửa soạn bộ đồ nghề để mưu sinh. Với họ dù tiền công ít ỏi nhưng làm cái nghề này vui, giúp cho bà con nghèo có được những chiếc áo mưa lành lặn để che chắn cho mình, cho đời bớt sương gió.