Hà Nội: Dậy từ 1h cắt rau bí, người trồng rau thu hàng chục triệu đồng/vụ
(Dân trí) - Mới chừng 1h ngày 8/5, nơi bãi giữa sông Hồng, nhiều người dân trồng rau bí đã miệt mài hái những ngọn rau non để kịp buổi chợ sáng. Công việc xuyên đêm giúp người dân thu hàng chục triệu đồng mỗi vụ.
Ra đồng từ 1h sáng
Khoảng 1h ngày 8/5, khu bãi giữa sông Hồng, đoạn chảy ngang qua địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), nhiều người dân làm nghề trồng rau bí đã bắt đầu công việc với những ánh đèn pin le lói.
Trong ánh sáng mập mờ, anh Nguyễn Đức Trọng trú tại Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) thoăn thoắt tay cắt, tay ôm những ngọn rau bí tươi non. Trao đổi với PV Dân trí, anh chia sẻ: "Bắt đầu từ đầu mùa hè, chúng tôi phải thức dậy từ 1h đến 5h sáng để ra bãi cắt rau bí bán ".
Mỗi ngày, anh Nguyễn Đức Trọng cắt khoảng 50 - 60 bó rau, sau đó đem bán cho các thương lái tại chợ Long Biên. Một đêm thức trắng như vậy, anh có thể thu về khoảng 500.000 - 700.000 đồng.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghề trồng rau bí, anh Nguyễn Đức Trọng cho rằng, trồng rau bí tuy tốn diện tích nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Người trồng không mất nhiều công chăm sóc và chi phí. Chỉ cần trồng một lần là có thể thu hoạch từ tháng 4 - 7.
Cũng đang tất bật với công việc cắt rau bí, bà Nguyễn Thị Mai trú tại Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội), chia sẻ: "Rau bí phải cắt đêm khi ngọn rau đang phát triển mạnh. Có như thế, ngọn rau mới giữ được độ tươi, dễ tước và bán được giá cao".
Theo bà Nguyễn Thị Mai, rau bí mọc không theo hàng nên việc thu hoạch mất khá nhiều thời gian. Để có thể cắt được 100 bó rau đem bán, bà phải dành ra 3h. Mỗi vụ, trên diện tích 2 sào đất trồng rau bí, bà có thể thu về 50 - 60 triệu đồng tiền lời.
"Tôi có vài nhà hàng ở Hà Nội đặt rau theo ngày. Nên vào mùa rau bí, ngày nắng cũng như mưa, vợ chồng tôi phải có mặt ngoài đồng từ 1 - 2h để cắt rau" - bà Nguyễn Thị Mai chia sẻ.
Hơn 14h ở ngoài ruộng rau
Sau khi cắt xong rau bí, chồng bà Nguyễn Thị Mai sẽ phụ trách công đoạn đi giao hàng cho các nhà hàng và tiểu thương các chợ dân sinh. Còn bà sẽ quay lại làm cỏ, bón phân, chăm sóc những loại hoa màu khác tại ruộng.
Bà Nguyễn Thị Mai chia sẻ: "Tôi ở lại đây làm công việc chăm sóc rau đến khoảng 10h sáng rồi về nghỉ ngơi, đến chiều công việc chăm sóc rau lại tiếp tục đến tối mịt. Mỗi ngày vào vụ, tôi dành tới 14h ở ngoài ruộng".
Theo bà Nguyễn Thị Mai, công việc này không nặng nhọc nhưng rất vất vả. Người hái rau hay đau lưng do phải khi phải cúi nhiều lần khi làm việc. Hơn nữa, rau bí chỉ có thể cắt vào ban đêm nên ai không có sức khỏe bền bỉ thì không thể làm được nghề này.
Quê ở Khoái Châu, (Hưng Yên) và lên khu vực bãi giữa sông Hồng thuê đất trồng rau bí đã 6 năm qua, chị Lê Thị Huế chia sẻ: "Lúc mới đầu cứ nghĩ đến cảnh đi cắt rau đêm, đứng giữa bãi đất hoang vắng tôi lại thấy lạnh ớn người. Sau rồi cũng thành quen. Giờ tôi chỉ sợ có rắn, rau bí mọc tốt um tùm, đi vào cắt là không biết dưới chân có cái gì".
Theo chị Lê Thị Huế, nghề trồng rau bí tuy vất vả nhưng đem lại cho gia đình nguồn thu nhập khá. Đây chính là lý do, chị rời quê lên Hà Nội làm nghề này.
Còn đối với anh Nguyễn Đức Trọng, những trận mưa giông bất chợt trong đêm trở thành nỗi ám ảnh. Anh nói: "Nhiều đêm tôi đang cắt rau thì mưa giông kéo đến, giữa bãi đất trống chỉ biết chạy lại phía chân cầu Long Biên để trú".
Vào mùa rau bí, anh Nguyễn Đức Trọng dành hầu hết thời gian trong ngày ngoài đồng. Tính ra mỗi ngày anh chỉ chợp mắt được 3 - 4 tiếng, hôm nào mất ngủ lại thức xuyên đêm.
Anh tâm sự: "Tôi gắn bó với nghề cũng nửa đời người, nhiều lúc mệt cũng muốn chuyển nghề nhưng làm mãi như vậy rồi cũng quen. Hồi mới làm thì vất lắm, không quyết tâm chẳng trụ nổi".
Tuy phải thức xuyên đêm làm việc, nhưng anh Trọng, bà Mai hay chị Huế và hàng chục người dân làm nghề trồng rau bí nơi bãi giữa sông Hồng đều phấn khởi. Bởi vài năm trở lại đây, thời tiết thuận hòa cho việc trồng rau bí. Chưa kể giá rau lại cao đã cho họ một khoản thu nhập không nhỏ để trang trải cho cuộc sống.
Một số hình ảnh của PV ghi lại: