TPHCM:
Nghề "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" của người dân Cần Giờ
(Dân trí) - Những diêm dân ở Cần Giờ (TPHCM) phải làm việc dưới cái nắng 37 - 38 độ C trong khoảng thời gian từ 12h đến 14h. Công việc nặng nhọc khiến tay chân của các diêm dân đều nứt toác, làn da xám xịt…
Thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TPHCM) vốn được biết đến với những cánh rừng ngập mặn và ruộng muối bao la. Nhưng thời điểm hiện tại, chỉ còn lác đác một vài hộ đang thu hoạch muối. Phần lớn ruộng muối còn lại bị bỏ hoang.
Nghề "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời"
Theo người dân địa phương, nhiều người đã bỏ ruộng muối vào các quận nội thành của thành phố để làm công nhân cho các công ty nhằm kiếm thu nhập ổn định. Chỉ còn vài hộ là còn bám trụ với nghề vất vả này.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hai (68 tuổi) cho biết: "Tôi đã làm nghề này được 12 năm. Nghề làm muối cũng khá đơn giản, chỉ đắp nền đất cứng, dẫn nước biển vào ruộng, phơi qua vài con nắng. Nước biển sẽ tự kết tinh thành muối thô".
Trước đây, đa số người dân làm muối thường làm theo phương pháp thủ công trên nền đất. Nhưng từ năm 2007, huyện Cần Giờ đã triển khai phương pháp trải bạt để nâng cao chất lượng và sản lượng của muối.
Nghề làm muối của diêm dân phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Những ngày nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại trên mặt của người dân nhưng cũng vương những hạt muối. Nếu bất chợt có những ngày mưa bão, ruộng muối chưa đạt độ để thu hoạch thì phải bỏ toàn bộ.
Mỗi ruộng muối, trước khi sản xuất thì đều phải san phẳng, đắp bờ chia ô vuông vắn, với kích thước mỗi ô là 4m x 10m. Sau đó cho nước biển chảy vào khuôn, chờ cho nước biển bốc hơi dần đến khi muối kết tinh.
"Nếu muốn kích thích hạt muối to và trắng, thì tôi sẽ cho thêm muối giống của những mùa vụ trước vào. Thời gian từ lúc muối bắt đầu kết tinh đến khi thu hoạch được dao động từ 7 - 9 ngày", ông Hai cho biết.
Nghề làm muối thường kéo dài từ thường kéo dài từ khoảng tháng 12 đến tháng 5 dương lịch của năm sau. Nghề là nguồn thu chính của gia đình ông Hai để lo cho các con.
Thời gian làm việc của người nông dân muối là từ 12h - 14h, đây là lúc người nông dân phải "canh" nước, rải muối giống xuống ruộng. Vì phải làm việc suốt ngày trên ruộng muối nên ông Hai và nhiều diêm dân khác, chân tay ai nấy đều nứt toác, làn da xám xịt.
"Gia đình tôi làm muối trên khoảng 1,5 ha. Nếu thời tiết thuận lợi, tôi sẽ được khoảng 90 tấn muối, trừ chi phí tôi lãi vài chục triệu đồng", ông Nguyễn Văn Hai nói. Ông còn cho biết, thời gian không làm muối, mọi người trên đảo thường đi vác gạo thuê cho các ghe tàu.
Lao đao vì dịch bệnh và thời tiết
Những năm gần đây, người dân làm muối tại huyện Cần Giờ có sự chuyển đổi mô hình từ sản xuất muối truyền thống sang sản xuất theo phương thức kết tinh trên ruộng trải bạt, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Cũng nhờ theo phương thức kết tinh muối trên ruộng trải bạt, nên sản lượng và chất lượng muối cũng tốt hơn so với cách làm truyền thống.
Mùa vụ năm nay bị ảnh hưởng do thời tiết thất thường, nên sản lượng muối của diêm dân tại địa phương hầu như bị giảm sản lượng. Mặt khác, do tình hình dịch bệnh khiến việc bán muối cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
"Từ đầu năm đến nay, thời tiết thất thường, trời có nắng nhưng mát hơn mọi năm nên muối không đạt năng suất cao. Cùng với đó là mùa mưa tới sớm 1 tháng nên sản lượng muối của gia đình cũng giảm khoảng 20%. Với giá bán thấp, chỉ khoảng 700-800 đồng/kg, tôi phải đem muối vào kho trữ, đợi giá ổn thì mới bán", ông Hai tâm sự.
Cũng tương tự ông Hai, nhiều nông dân sản xuất muối ở địa phương cho biết, muối được làm tại đây tốt hơn so với nhiều nơi khác, nhưng giá bán lại thấp hơn vì tốn chi phí vận chuyển. Người dân cũng không có phương tiện chở muối đi tiêu thụ, chủ yếu thương lái sẽ đến trực tiếp ruộng muối để thu mua muối.
"Giờ tôi cũng đã lớn tuổi, con cái cũng đã lớn và đã đi làm, giờ chỉ đến mùa vụ thì làm, đến khi tôi không còn làm nổi nữa. Dù gì, đây cũng là làng nghề truyền thống, hiện tại tôi chỉ mong sao thời tiết sẽ thuận lợi, nắng nóng nhiều để tăng sản lượng muối. Từ đó, giúp bà con nơi đây có cuộc sống ấm no, hạnh phúc", ông Hai tâm sự.