1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

8X khiến vùng đất bỏ hoang "đẻ ra tiền"

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Với khao khát làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Đặng Trọng Thành đã biến vùng đất bỏ hoang thành mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

8X khiến vùng đất bỏ hoang "đẻ ra tiền"

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình dưa lưới chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch, anh Đặng Trọng Thành (SN 1985, ở thôn Ân Tiên, xã Tây Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) kể: "Vùng đất này trước đây bỏ hoang và có độ dốc khá cao nên trồng cây lâm nghiệp không có hiệu quả. Vì vậy, tôi đã chuyển đổi mục đích cây trồng".

Cơ duyên đến với anh Thành trong một lần tình cờ xem được chương trình về nông nghiệp của Israel với mô hình nhà màng. Thấy mô hình này mới lạ và rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương nên anh Thành đã áp dụng công nghệ nhà màng vào sản xuất những sản phẩm hướng tới sự tươi ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Tuy nhiên, để bắt tay vào thực hiện mô hình theo công nghệ mới không phải là điều dễ dàng với anh Thành.

8X khiến vùng đất bỏ hoang đẻ ra tiền - 1

Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới trên vùng đất bỏ hoang của anh Đặng Trọng Thành phát triển rất tốt.

"Vì vùng đất này bỏ hoang từ lâu nên ngay từ khi bắt đầu thực hiện mô hình gặp rất nhiều khó khăn. Để tránh phải rủi ro, tôi đã đi sang các huyện khác học các mô hình tiêu biểu, đồng thời thường xuyên xem các chương trình trên truyền hình về cách trồng dưa lưới trong nhà màng", anh Thành chia sẻ.

8X khiến vùng đất bỏ hoang đẻ ra tiền - 2

Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel.

"Từ khi bắt đầu làm mô hình nhà màng, tôi đã phải túc trực tại đây cả ngày lẫn đêm để chăm sóc cây. Làm nhà màng khó khăn nhất là vốn đầu tư ban đầu, nhưng khi đã đầu tư thì mình phải chịu khó, chịu khổ để thực hiện niềm đam mê", anh Thành cho biết thêm.

Sau khi dựng xong nhà màng, anh Thành đã trồng 3.000 gốc dưa lưới. Được đánh giá là giống cây mới, kén đất, thế nhưng loại dưa lưới được anh Thành trồng đang phát triển tốt và hứa hẹn cho hiệu quả cao.

Thời gian trồng dưa lưới trong nhà kính, mỗi vụ mất 3 tháng, cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu quả cao trên 80%, trồng được 3 vụ/năm. Sản lượng dưa bình quân đạt khoảng 3 - 4 tấn/1.500m2/vụ, với giá bán 40.000 - 50.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh Thành thu 100 - 120 triệu đồng/năm.

8X khiến vùng đất bỏ hoang đẻ ra tiền - 3

Anh Đặng Trọng Thành giới thiệu về mô hình dưa lưới công nghệ cao.

Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới của anh Thành có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, đảm bảo tốt chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.

"Trong năm tới, tôi sẽ đầu tư thêm một nhà màng để trồng thêm rau sạch. Tôi sẽ dùng  nước từ hai giếng khoan để tưới tiêu và tận dụng nguồn phân hữu cơ từ cây bèo tây có sẵn trong ao, hồ, đồng thời thuê nhân công tại chỗ để giảm chi phí...", anh Thành nói.

Tạo việc làm cho lao động địa phương

Ông Thái Văn Cẩm, Phó chủ tịch UBND xã Tây Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của anh Đặng Trọng Thành là một trong những mô hình tiên phong đi đầu của xã. Từ một vùng đất bỏ hoang, mô hình trồng dưa lưới của anh Thành hứa hẹn sẽ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Cũng theo ông Cẩm, không chỉ mang lại thu nhập cao cho bản thân, mô hình của anh Thành còn tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương, với thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

"Đây cũng là hướng đi mới cho địa phương trong việc tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững", ông Cẩm cho biết thêm.