Hà Nội: Công nhân vệ sinh với nỗi lo chuyển mùa
(Dân trí) - Càng về khuya, tiết trời mùa thu của Hà Nội trở lạnh. Cây bên đường cũng trút lá nhiều hơn vào mùa này. Vì thế, công việc của người công nhân vệ sinh thêm khó khăn và vất vả.
Gần 1 h sáng, trên phố Tây Sơn (Hà Nội), chị Nguyễn Thu Hoài trú tại phường Thượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) làm việc cho Công ty CP Dịch vụ Môi trường Thăng Long vẫn miệt mài với công việc.
Sau mỗi tiếng chổi tre của chị, từng đống lá rụng ban chiều đã được gom lại trước khi chuyển lên xe đẩy.
Trao đổi với PV Dân trí, chị Nguyễn Thu Hoài chia sẻ: “Mấy hôm nay, thời tiết đêm trở lạnh. Nhưng vì công việc tôi vẫn phải chấp nhận đi làm. Thời tiết thu cũng làm cây cối rụng lá nhiều hơn, tôi phải làm việc thêm gần 2 tiếng mỗi ngày để dọn lá rụng”.
Ca làm việc của chị Nguyễn Thu Hoài bắt đầu từ 16h đến 24 h hàng ngày. Thế nhưng, vào mùa này, chị phải làm đến 2 h ngày hôm sau mới xong việc. Gần 8 năm qua, chị Hoài gắn bó với công việc này hàng đêm trên những con phố của Hà Nội.
Chị nói: “Vào mùa này, chúng tôi đi làm là nhọc nhằn nhất. Lá cây rụng nhiều. Có khi vừa quét xong quay lại đường đã đầy lá lại quét lại. Rồi những cơn mưa dông bất chợt, giữa đêm vẫn phải đội mưa mà làm việc”.
Được biết, chồng chị Nguyễn Thu Hoài trước đây làm việc cho một xưởng cơ khí ở Thanh Trì. Dịch Covid-19 bùng phát, anh mất việc. Làm thêm công việc xe ôm nhưng thu nhập của anh chẳng đáng là bao.
Làm việc vất vả nhưng thu nhập của chị Nguyễn Thu Hoài chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng, gồm: Tiền lương, tiền tăng ca, thêm giờ, ăn ca, độc hại.
“Thời gian làm việc quá dài, công việc lại nặng nhọc, độc hại trong khi đó đồng lương như vậy. Với mức chi phí hiện nay ở Hà Nội, vợ chồng tôi phải chi tiêu rất chắt chiu mới đủ lo cho 2 cháu nhỏ ăn học” - chị Nguyễn Thu Hoài tâm sự.
Cùng cảnh ngộ, chị Trần Thị Hồng, trú tại phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) đã làm việc cho Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) gần 12 năm.
“Trời trở lạnh rồi, cách duy nhất để làm ấm cơ thể là quét thật nhanh cho xong việc để về nhà. Đêm hôm như thế này, ai cũng muốn ngủ ở nhà với gia đình. Việc của mình thì phải cố gắng làm để có tiền cho các con ăn học” - chị Trần Thị Hồng bộc bạch.
Được biết, chồng chị Hồng cũng làm công nhân dọn vệ sinh môi trường. Thu nhập của 2 vợ chồng chị được 14 triệu đồng/tháng. Chi phí sinh hoạt đắt đỏ, vợ chồng chị cũng phải tính toán đủ đường để nuôi 3 đứa con ăn học.
Chị Trần Thị Hồng cho biết: “Làm nghề này thì khổ quanh năm, nhưng từ nay đến đầu năm là khổ nhất. Mùa thu có nhiều rác hơn. Tiết trời mát mẻ khiến mọi người ra đường nhiều, rác thải cũng nhiều hơn gấp đôi. Mùa đông thì khổ vì rét mướt”.
Nhiều người mong mùa thu bấy nhiêu thì công nhân vệ sinh môi trường lại “sợ” cái mùa này bấy nhiêu. Lượng rác tăng gấp đôi bình thường, khiến họ phải gồng mình lên để hoàn thành công việc.
Phải tiếp xúc thường xuyên với môi trường độc hại, ô nhiễm nhưng chị Trần Thị Hồng không quản nắng mưa, gió bão, vất vả, nặng nhọc và quan trọng nhất là bước qua sự mặc cảm của nghề để góp phần gìn giữ cho những tuyến đường mà chị được giao phụ trách luôn sạch sẽ.
Theo chị Hồng, chị Hoài và nhiều công nhân vệ sinh môi trường khác, mặc dù luôn mang trên mình đồ bảo hộ thế nhưng, làm nghề này luôn có những mối nguy hiểm rình rập.
Không ít lần các chị chứng kiến cảnh đồng nghiệp bị tai nạn thương tâm do bị xe cộ va chạm. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, họ vẫn gắn bó với công việc mỗi đêm để có đồng lương trang trải cho cuộc sống.