Cà Mau:
Gom thứ 0 đồng chế thành món đồ nửa triệu đồng/chiếc, chị em công sở mê tít
(Dân trí) - Từ phế phẩm bán chẳng ai mua, chị Phạm Thị Hồng Nguyên (31 tuổi, ở Cà Mau) đã tận dụng, biến lá bồn bồn thành túi xách thời trang tinh xảo, kiếm ra tiền.
Bồn bồn là loại cây đặc sản của huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Thông thường, người dân dùng lõi non của bồn bồn để chế biến thành món ăn hoặc làm dưa muối còn phần lá và thân già bỏ đi hoặc cùng lắm là làm thức ăn cho gia súc.
Tận dụng phế phẩm trên, chị Phạm Thị Hồng Nguyên (31 tuổi, ngụ tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau) biến lá bồn bồn thành sản phẩm túi xách thời trang đẹp mắt, vừa thân thiện môi trường, lại có giá trị cao.
Một chiếc túi xách làm từ cây bồn bồn cần trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu, đan may và trang trí.
Theo chị Nguyên, bồn bồn được chọn may túi xách là những cây có chiều cao từ 1m, không quá già hoặc quá non. Bồn bồn thu hoạch về đem phơi khô khoảng một tuần, sao cho cọng bồn bồn giữ được màu vàng nhạt, sáng bóng và có độ dai.
"Công đoạn đan túi lần lượt qua các bước như tạo khung; đan; phủ keo chống mốc, chống thấm; may da; gắn khóa kéo và trang trí họa tiết. Bình quân mỗi tháng cơ sở tôi sản xuất từ 50 chiếc túi xách, giá bán dao động từ 200.000 đến gần 500.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ", chị Nguyên nói thêm.
Được biết chị Nguyên đang làm dịch vụ cho thuê bàn ghế đám tiệc. Làm túi xách là nghề tay trái nhưng giúp cô gái trẻ kiếm được thu nhập kha khá. Mỗi tháng, công việc này giúp chị kiếm hàng chục triệu đồng.
Ngoài ra, chị Nguyên còn tạo công việc cho phụ nữ nhàn rỗi ở địa phương, chị giao bồn bồn để nhân công đan thô xong thu lại sản phẩm, giá gia công từ 50.000 đến 70.000 đồng/chiếc.
Nhờ tận dụng tốt nguồn tài nguyên bản địa và biết cách quảng bá sản phẩm, túi xách bồn bồn của cô gái 9X xứ Cà Mau được nhiều người biết tới, được chị em chốn công sở ưa chuộng vì vừa bền đẹp và có tính ứng dụng cao.