Cà Mau:

Lão nông sống khỏe nhờ mô hình sáng tạo "thanh long ôm mắm"

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Để thanh long sống được ở vùng nước mặn như Cà Mau, ông Phương "ký gửi" lên cây mắm, nhờ nước và dưỡng chất từ thân mắm giúp loại cây ăn trái này sống khỏe, trồng từ 2,5 năm đã có thu hoạch.

Từng là hộ nghèo, "làm gì thua nấy"

Từng là hộ nghèo ở địa phương, "nuôi gì cũng lỗ" nhưng nhiều năm nay ông Mai Lam Phương (60 tuổi, ngụ tại thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, Cà Mau) khiến ngành nông nghiệp Việt Nam bất ngờ với mô hình trồng "thanh long ôm gốc mắm" cực kỳ sáng tạo. 

Ông Phương cho biết, trước đây ông nuôi tôm nhưng sau nhiều năm sản xuất không hiệu quả, ông chuyển sang trồng mãng cầu, nuôi gà ta, gà sao... nhưng cũng không mang lại thu nhập. 

Lão nông sống khỏe nhờ mô hình sáng tạo thanh long ôm mắm - 1

Dù vùng nước mặn chát nhưng thanh long của ông Phương vẫn bén rễ tươi tốt, trái to, năng suất cao (Ảnh: Bảo Kỳ).

Trong một lần tình cờ bắt gặp cây thanh long sống ở vùng nước mặn cho trái ông đã nảy sinh ý tưởng trồng thanh long trên chính bờ ao tôm của gia đình. 

Lão nông Cà Mau cho thanh long "nương tựa" trên thân cây mắm, kiếm tiền khỏe re (Clip: Bảo Kỳ).

Khoảng năm 2012, ông Phương bắt tay vào thực hiện mô hình, trong đó, thanh long giống được ông đem về từ quê vợ ở Bình Thuận. Do không đủ kinh phí để đặt trụ nên ông buộc thanh long vào các cây tạp trong ao tôm như cây mắm, cây đước... Thanh long có giá thể bám vào nên phát triển rất nhanh. Đến năm 2014, ông đã sở hữu 400 gốc thanh long. 

"Ai cũng tưởng trồng thanh long ở nước mặn thì trái sẽ nhỏ, vị mặn chát... nhưng hoàn toàn ngược lại, thanh long tôi trồng ngọt hơn các vùng khác, vỏ mỏng, tai ít, hạt thưa. Đặc biệt, trái thanh long có mùi thơm của nhãn đọng lại cổ họng nên bán được giá rất cao, từ 15.000 đến 45.000 đồng/kg", ông Phương cho hay. 

Lão nông sống khỏe nhờ mô hình sáng tạo thanh long ôm mắm - 2

Mô hình thanh long ôm gốc mắm của ông Phương khiến nhiều người thán phục vì độ sáng tạo (Ảnh: Bảo Kỳ).

Lão nông sống khỏe nhờ mô hình sáng tạo thanh long ôm mắm - 3

Thanh long hút nước và dinh dưỡng từ cây mắm để phát triển (Ảnh: Bảo Kỳ).

Vị ngọt xứ mặn

Nhận thấy diện tích giữa ao tôm còn trống, lão nông Cà Mau tiếp tục trồng cây mắm, đợi cây lớn thì cho thanh long "nương tựa". Từ đó, mô hình "thanh long ôm gốc mắm" ra đời. Ban đầu, ông Phương ươm giống thanh long trong những chậu nhỏ, sau đó mang treo vào gốc cây mắm dưới ao tôm. Cây thanh long ôm gốc mắm ngay dưới mực nước mặn, vẫn phát triển bình thường.

"Nếu ghim thanh long xuống nước mặn, cây sẽ chết ngay nhưng ký gửi trên thân mắm lại khác, thanh long hút nước và dinh dưỡng để sống, cây mắm cũng không bị hư hại gì. Tôi trồng đến nay đã 3 năm nhưng chưa thấy gốc mắm nào chết cả", ông Phương tiết lộ. 

Lão nông sống khỏe nhờ mô hình sáng tạo thanh long ôm mắm - 4

Chị Lê Thị Thúy Diễm (ngụ TP Cần Thơ) ấn tượng với hương vị thơm ngon của trái thanh long xứ mặn (Ảnh: Bảo Kỳ).

Được biết, thanh long trồng khoảng 2,5 năm bắt đầu cho trái, riêng số thanh long trồng dưới ao tôm hơn 600 gốc đã cho trái 30%, ông đang thu hoạch khoảng 1 tháng nay. 

Nhờ sự sáng tạo và mạnh dạn thay đổi hướng sản xuất, chỉ với 1ha ao tôm, ông Phương đã trồng thành công hơn 1.000 gốc thanh long cho năng suất 2-3 tấn/năm, bình quân mỗi tấn ông lãi 20 triệu đồng. 

"Có khách ở ven biển miền Trung thấy mô hình của tôi hiệu quả đã gọi điện đặt mua cây mắm và thanh long về trồng. Tôi không nghĩ mô hình này được mọi người đón nhận đến thế", lão nông U70 nói như khoe.

Ông Phạm Văn Dẻn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cái Nước cho biết, cách trồng "thanh long ôm gốc mắm" do ông Phương nghĩ ra và làm đầu tiên ở địa phương. Thông thường trồng thanh long phải đặt trụ nhưng ông Phương muốn tiết kiệm chi phí nên đã cho thanh long bám vào thân cây mắm sinh trưởng. Cách làm này giúp ông Phương đạt hiệu quả kinh tế cao. 

"Nhiều năm qua, ông Phương là nông dân giỏi của địa phương, được tỉnh chú ý. Mô hình thanh long của ông đã được quảng bá rộng rãi, nhiều hộ đến học hỏi", ông Dẻn cho hay. 

Dưới đây là một số hình ảnh về quy trình trồng thanh long "nương tựa" trên thân cây mắm của lão nông Mai Lam Phương: 

Lão nông sống khỏe nhờ mô hình sáng tạo thanh long ôm mắm - 5

Ban đầu ông Phương trồng thanh long "ký gửi" trên các cây tạp ven bờ ao tôm (Ảnh: Bảo Kỳ).

Lão nông sống khỏe nhờ mô hình sáng tạo thanh long ôm mắm - 6

Tận dụng diện tích ao còn trống, ông Phương trồng cây mắm. Cây trồng 2 năm thì đủ sức nuôi cho thanh long phát triển (Ảnh: Bảo Kỳ).

Lão nông sống khỏe nhờ mô hình sáng tạo thanh long ôm mắm - 7

Thanh long trồng khoảng 2,5 năm đã cho trái lứa đầu (Ảnh: Bảo Kỳ).

Lão nông sống khỏe nhờ mô hình sáng tạo thanh long ôm mắm - 8

Thanh long chuyển màu đỏ được ông Phương bao trái để tránh côn trùng gây hại (Ảnh: Bảo Kỳ).

Lão nông sống khỏe nhờ mô hình sáng tạo thanh long ôm mắm - 9

Thanh long của ông Phương trồng có vỏ mỏng, dễ lột bằng tay (Ảnh: Bảo Kỳ).

Lão nông sống khỏe nhờ mô hình sáng tạo thanh long ôm mắm - 10

Trái to, hạt ít và có mùi thơm nhãn đọng lại cổ họng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Lão nông sống khỏe nhờ mô hình sáng tạo thanh long ôm mắm - 11

Hiện thanh long của ông Phương có giá 15.000-45.000 đồng/kg, tiêu thụ chủ yếu ở TPHCM và miền Trung, miền Bắc (Ảnh: Bảo Kỳ).