Giao lưu về Chiến dịch thanh tra lao động ngành xây dựng 2016

“Chiến dịch thanh tra lao động ngành xây dựng 2016 tập trung vào 12 nội dung hoạt động của 630 doanh nghiệp với hàng chục ngàn lao động. Đây là hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn lao động gây chết người đang nhức nhối hiện nay trong lĩnh vực xây dựng”.

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ những thông tin tại Buổi Giao lưu trên Báo Dân trí từ 9h-11h ngày 5/4 về Chiến dịch Thanh tra lao động ngành xây dựng năm 2016.

Buổi Giao lưu có sự tham dự của các khách mời, gồm:

- Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra (Bộ LĐ-TB&XH).

- Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động (Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ VN).

- Ông Trần Chí Dũng - Phó Giám đốc VP Giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp VN - VCCI).

- Ông René Robert, Chuyên gia về Quản lý lao động và Thanh tra Lao động (Tổ chức lao động quốc tế - ILO).

Giao lưu về Chiến dịch thanh tra lao động ngành xây dựng 2016 - 1

Tại sao năm 2016, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH lại chọn ngành xây dựng để thực hiện việc thanh tra?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH: Theo tổng hợp báo cáo tai nạn lao động hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn năm 2011 - 2015, lĩnh vực xây dựng luôn xếp ở vị trí cao trong những lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động và đứng đầu trong các lĩnh vực có số người chết do bị tai nạn lao động.

Năm 2015, theo phân tích 238 biên bản điều tra TNLĐ chết người, ngành Xây dựng chiếm 35,2% tổng số vụ tai nạn chết người và 37,9% tổng số người chết. Do đó, năm 2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đối tác ba bên (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) thống nhất triển khai Chiến dịch thanh tra lao động trong ngành xây dựng.

Chọn ngành xây dựng làm chủ đề Chiến dịch thanh tra lao động 2016

Phát động Chiến dịch thanh tra lao động ngành xây dựng

Mục tiêu của Chiến dịch thanh tra lao động năm 2016 là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH: Chương trình thanh tra lao động năm 2016 gắn liền với chiến dịch thanh tra năm 2016, do vậy, mục tiêu của chương trình thanh tra lao động năm 2016 là: Nâng cao nhận thức về tuân thủ PLLĐ cho người sử dụng lao động, người lao động và toàn xã hội; Thay đổi hành vi của người lao động và người sử dụng lao động trong công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng và doanh nghiệp xây dựng; Cải thiện điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đánh giá ra sao về Chiến dịch thanh tra lao động, chuyên ngành xây dựng năm 2016?

Ông Trần Chí Dũng - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI):

VCCI ủng hộ Chiến lược thanh tra lao động chuyên ngành xây dựng năm 2016. Trên thực tế, VCCI là một thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến dịch ở cấp Trung ương.

Theo kế hoạch, Chiến dịch thanh tra lao động ngành xây dựng năm 2016 kiểm tra tình hình thực tế về tuân thủ pháp luật lao động tại nơi làm việc trong các công trường xây dựng. Đồng thời, Chiến dịch kiến nghị các biện pháp khắc phục tình trạng mất an toàn, vệ sinh lao động. Những kết quả của Chiến dịch còn nhằm mục đích tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định định về an toàn, vệ sinh lao động tại công trường xây dựng tới người sử dụng lao động, người lao động.

Việc nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động về pháp luật lao động thông qua Chiến dịch thanh tra sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp thông qua việc điều chỉnh hoạt động tuân thủ pháp luật lao động sẽ tương thích hơn với các chuẩn mực quốc tế và đáp ứng các điều kiện hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Tôi cho rằng, việc tuân thủ pháp luật lao động và thực hiện trách nhiệm xã hội còn là một trong những cấu thành của nền quản trị tiến góp phần sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần xây dựng hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp.

Là một trong các đối tác thực hiện Chiến dịch thanh tra lao động, Tổng LĐLĐ VN sẽ triển khai những hoạt động gì tới các cấp công đoàn và người lao động?

Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN):

Triển khai Công điện số 180/CĐ-TTG ngày 30/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn LĐVN đã có Công văn chỉ đạo, hướng dẫn các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, các báo, tạp chí trong hệ thống công đoàn tổ chức tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động xây dựng.

Tổng LĐLĐ VN phối hợp với cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trên các công trường xây dựng. Đồng thời, Tổng LĐLĐ VN chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng...

Trong dịp Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ lần thứ 18 năm 2016, Tổng Liên đoàn LĐVN đã biên soạn, phát 45.000 tờ rơi tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, trong đó có liên quan đến ngành xây dựng.


Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN):

Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN):

Theo quan sát của ILO, các quốc gia Châu Á nói chung và ASEAN nói riêng có thực hiện các Chiến dịch thanh tra lao động tương tự như thế này để nâng cao ý thức thực hiện pháp luật về lao động?

Ông René Robert, Chuyên gia về Quản lý lao động và Thanh tra Lao động (Tổ chức lao động quốc tế - ILO): Hình thức chiến dịch thanh tra định kỳ như hiện nay không phổ biến trong khu vực châu Á. Các cơ quan thanh tra thường tập trung nhiều vào một vài ngành, lĩnh vực hoặc một số vấn đề lao động lớn thay vì tập trung vào truyền thông. Mô hình chiến dịch thanh tra này là một lựa chọn hay cho tất cả các quốc gia, dù là nước đang phát triển hay nước phát triển để nâng cao nhận thức pháp luật lao động cho người lao động, người sử dụng lao động và công chúng. Chiến dịch cũng nhằm cải thiện tuân thủ pháp luật lao động thông qua các cuộc thanh tra theo chủ đề.

Trong việc triển khai thanh tra tại các doanh nghiệp, công đoàn sẽ có vai trò ra sao khi thực hiện việc thanh tra?

Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN): Chiến dịch thanh tra lao động năm 2016 được thực hiện đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố. Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố sẽ cử cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tham gia đoàn thanh tra của tỉnh, thành phố.

Tổng Liên đoàn LĐVN đã cử cán bộ chuyên trách công tác bảo hộ lao động tham gia Đoàn thanh tra cùng với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra tại một số doanh nghiệp, công trình xây dựng.

Khi tham gia thực hiện thanh tra tại doanh nghiệp, ngoài các nội dung thanh tra như kế hoạch đề ra, công đoàn cấp sẽ chú trọng đến hoạt động phối hợp giữa người sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ sinh lao động; chú trọng đến việc xem xét việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động ngay cả sau khi thanh tra.

Được biết, Chiến dịch là tổng hợp của VCCI, Tổng LĐLĐ VN, Thanh tra Bộ và ILO. Vậy công tác kết hợp sẽ ra sao, đặc biệt là việc thực hiện ở cách cấp địa phương triển khai?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH: Chiến dịch do Bộ LĐTBXH (Thanh tra Bộ), VCCI, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và ILO tham gia. Vai trò của các bên được xác định như sau:

Bộ LĐ-TB&XH (Thanh tra Bộ) chủ trì, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch và sơ kết, tổng kết, báo cáo.

VCCI: phối hợp xây dựng kế hoạch chiến dịch (trong đó có việc xác định ngành, lĩnh vực); phối hợp trong công tác truyền thông; cử người tham gia các đoàn thanh tra trong công tác thanh tra; thực hiện giám sát sau thanh tra.

Tổng LĐLĐ VN: phối hợp xây dựng kế hoạch chiến dịch (trong đó có việc xác định ngành, lĩnh vực); phối hợp trong công tác truyền thông; cử người tham gia các đoàn thanh tra trong công tác thanh tra; thực hiện giám sát sau thanh tra.

ILO: Điều phối 3 bên, hỗ trợ kỹ thuật (phương pháp thực hiện) và hỗ trợ một phần kinh phí truyền thông.

Ngoài ra, ở địa phương: Sở LĐTBXH là cơ quan chủ trì tổ chức truyền thông, thanh tra; phối hợp với Liên đoàn LĐ tỉnh, Sở Xây dựng, đại diện hiệp hội doanh nghiệp; giới chủ ở tỉnh để triển khai chiến dịch. Vai trò của các bên ở địa phương là phối hợp thực hiện truyền thông và phối hợp thanh tra tại doanh nghiệp, công trường xây dựng.


Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra (Bộ LĐ-TB&XH).

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra (Bộ LĐ-TB&XH).

Tổng LĐLĐ VN đánh giá về Chiến dịch thanh tra lao động ngành xây dựng năm 2016 ra sao?

Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN): Xây dựng là lĩnh vực có nhiều nghề, công việc được xếp vào loại nguy hiểm, nặng nhọc và độc hại. Ngành này có điều kiện lao động khắc nghiệt và nguy cơ cao dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thống kê cho thấy, hàng năm số người chết do tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng chiếm từ 20% đến 30% tổng số nạn nhân chết trong các vụ tai nạn lao động. Xu hướng gia tăng cả về số vụ, số người chết cũng như mức độ nghiêm trọng trong những năm gần đây.

Tổng Liên đoàn LĐVN đồng tình và ủng hộ Chiến dịch thanh tra lao động năm 2016 tập trung vào thanh tra ngành xây dựng, nhằm tăng cường sự tuân thủ pháp luật và các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn lao động trong ngành xây dựng. Từ đó tạo ra sự lan tỏa, thúc đẩy việc thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động ở tất cả các ngành, các lĩnh vực khác.

Ông Trần Chí Dũng - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI).

Trong 12 nội dung sẽ được thanh trat, tôi cho rằng các nội dung như: Thời gian làm việc, làm thêm giờ; Tiền lương; Huấn luyện an an toàn vệ sinh lao động; Phương tiện bảo vệ cá nhân; Xây dựng nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm làm việc an toàn đều là các nội dung thanh tra thường xuyên trong bất kỳ ngành nghề nào.

Thật ra, trong Chiến dịch thanh tra lần này chỉ có một số nội dung là đặc thù của ngành xây dựng, đó là các nội dung thường hay bị vi phạm và thường gây ra các tai nạn lao động nghiêm trọng, như: Sử dụng điện và các thiết bị điện; Công tác hàn; Sử dụng máy và thi công xây dựng; Công tác cốt pha, cốt thép, bê tông; Sử dụng giàn giáo, giá đỡ; Công tác hoàn thiện.

Chúng tôi cho là các nội dung trọng điểm trong Chiến dịch thanh tra lần này hoàn toàn phù hợp với đặc thù ngành xây dựng.

Tôi là một công nhân làm việc cho một công ty xây dựng lớn tại Thành phố Bắc Giang, tôi muốn hỏi người lao động trong các doanh nghiệp được thanh tra sẽ được lợi thụ hưởng từ Chiến dịch thanh tra, thưa ông?

Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN): Việc thanh tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp sẽ phát hiện các tồn tại, thiếu sót trong việc thi hành pháp luật - quy định về công tác an toàn, vệ sinh lao động, bảo hộ lao động cho người lao động. Qua đó, nâng cao nhận thức và ý thức của người sử dụng lao động, người có trách nhiệm, người lao động tại các doanh nghiệp được thanh tra…

Đoàn thanh tra nhắc nhở, yêu cầu, hướng dẫn cho người sử dụng lao động, người có trách nhiệm tại các doanh nghiệp được thanh tra thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn và sức khỏe, phòng ngừa tai nạn lao đông và bệnh nghề nghiệp.

Chúng tôi hy vọng cải thiện điều kiện làm việc và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật an toàn, vệ sinh lao động để răn đe, phòng ngừa các vi phạm tái diễn.

Theo ILO, việc kết nối vai trò của ba bên: Thanh tra lao động - chủ doanh nghiệp - đại diện người lao động sẽ có tác động gì tới hiệu quả chiến dịch?

Ông René Robert, Chuyên gia về Quản lý lao động và Thanh tra Lao động (Tổ chức lao động quốc tế - ILO): Tác động quan trọng đầu tiên là tăng cường hiểu biết về các mục tiêu của chiến dịch đối với các nhân tố chính của thị trường lao động. Người lao động và người sử dụng lao động là đối tượng mục tiêu cũng là đối tượng hưởng lợi mà chiến dịch muốn hướng tới. Vì thế, sự tham gia của hai nhóm này là vô cùng quan trọng.


Ông René Robert, Chuyên gia về Quản lý lao động và Thanh tra Lao động (Tổ chức lao động quốc tế - ILO).

Ông René Robert, Chuyên gia về Quản lý lao động và Thanh tra Lao động (Tổ chức lao động quốc tế - ILO).

Tác động thứ hai, dài hơi hơn, là tăng cường phối hợp giữa thanh tra lao động và các đối tác xã hội về tuân thủ tại nơi làm việc. Người lao động và người sử dụng lao động có thể đóng góp cho hiệu quả của cơ quan thanh tra bằng cách đưa ra những phản hồi về những thách thức trong việc áp dụng các quy định pháp luật, hoạt động của từng thanh tra viên. Hơn nữa, chính người lao động và người sử dụng lao động cũng giúp định hướng chủ đề của các chiến dịch thanh tra tiếp theo.

Tôi là một doanh nghiệp xây dựng lớn tại Thái Bình, doanh nghiệp của tôi đang sử dụng hơn 200 lao động phục vụ cho nhiều công trình xây dựng. Liệu việc thanh tra này có làm ảnh hưởng tới tiến độ thi công của chúng tôi hay không?

Ông Trần Chí Dũng - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI).

Về phía VCCI, chúng tôi sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH để công tác thanh tra không ảnh hưởng tới tiến độ thi công của doanh nghiệp. Một trong nhưng nguyên tắc cơ bản của công tác thanh tra là không cản trở tới công việc của doanh nghiệp.

Vì vậy trong quá trình thanh tra, chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi của doanh nghiệp về công tác thanh tra nói chung để có sự điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp xây dựng xẩy ra tai nạn lao động gây chết hoặc bị thương người lao động, công đoàn sẽ tham gia với vai trò gì?

Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN): Khi tai nạn lao động xảy ra, công đoàn sẽ phối hợp, yêu cầu, giám sát người sử dụng lao động tổ chức sơ, cấp cứu, điều trị.

Công đoàn tham gia điều tra nguyên nhân, xác định trách nhiệm và đề xuất hình thức xử lý những người có lỗi để xảy ra vụ tai nạn lao động. Đồng thời, đề ra các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động tương tự tái diễn.

Các vụ tai nạn lao động nhẹ và nặng làm bị thương người lao động công đoàn cơ sở tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động điều tra. Với những vụ tai nạn lao động chết người hoặc tai nạn lao động nặng nghiêm trọng, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố sẽ tham gia, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và một số cơ quan liên quan để điều tra.

Công đoàn tổ chức giám sát, đôn đốc người sử dụng lao động khắc phục phòng ngừa tai nạn lao động, giám định suy giảm khả năng cho người lao động bị thương, thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp tai nạn lao động bố trí sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe cho người lao động (bị thương) trở lại làm việc.

Doanh nghiệp của tôi thường có ấn tượng là thanh tra gắn với xử phạt, kỷ luật và thậm chí đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp. Vậy đợt thanh tra lần này thực hiện những việc như trên?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH:

Thanh tra lao động là thanh tra chuyên ngành. Theo quy định tại Công ước số 81 của tổ chức lao động quốc tế ILO, thanh tra lao động có 3 chức năng: Cưỡng chế thi hành pháp luật lao động, hướng dẫn tuân thủ pháp luật lao động (PLLĐ) và kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật lao động.

Trong Chiến dịch này, ngoài việc cưỡng chế thi hành PLLĐ, thanh tra lao động còn phối hợp với đối tác 3 bên và các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động để họ tuân thủ tốt PLLĐ. Qua đó nhằm thời nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các công trường và doanh nghiệp xây dựng.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp đang đứng trước những yêu cầu của các Hiệp định quốc tế tham gia. Vậy, việc tuân thủ quy định lao động sẽ giúp doanh nghiệp có được những điều gì?

Ông Trần Chí Dũng - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI): Hiện nay việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP đã buộc doanh nghiệp phải đổi mới nhận thức đối với việc tiếp cận thị trường. Các rào cản về thuế quan dần dần được rỡ bỏ và thay vào đó là các rào cản kỹ thuật.

Một trong các rào cản kỹ thuật này có bao gồm cả việc doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật lao động và các quy định về trách nhiệm xã hội. Ví dụ như các quy định về lao động và nhân quyền, sức khỏe, an toàn và môi trường (bảo vệ người lao động; an toàn lao động; thương tích và bệnh nghề nghiệp, giấy phép, báo cáo môi trường, chất thải, khí thải...).

Các doanh nghiệp trong ngành xây dựng cũng như các các ngành khác không nên chỉ coi việc tuân thủ pháp luật lao động là thực hiện pháp luật Nhà nước và nghĩa vụ đối với xã hội. Ngoài ra, việc này còn là một trong những biện pháp chiến lược tiếp cận thị trường trong bối cảnh mới, phương thức quản trị tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tôi là một doanh nghiệp ngành xây dựng, xin chia sẻ thực lòng là việc thanh tra chỉ có hiệu quả khi công tác giám sát các khuyến nghị, kết luận của thanh tra sau đợt thanh tra. Không biết quan điểm của cơ quan thanh tra Bộ LĐ-TB&XH ra sao?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH: Đúng vậy. Thanh tra chỉ có hiệu lực và hiệu quả khi các kiến nghị của thanh tra sau đợt thanh tra được thực hiện. Chính vì vậy, công tác giám sát được coi là khâu quan trọng trong chiến dịch thanh tra lần này. Việc giám sát sẽ được thực hiện không chỉ bởi cơ quan thanh tra theo luật thanh tra mà các đối tác như công đoàn, các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, đại diện phía doanh nghiệp cùng tham gia. Trường hợp cố tình không thực hiện kiến nghị sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Tôi được biết chủ tịch công đoàn cơ sở thường làm kiêm nhiệm và là nhân viên trong doanh nghiệp, vậy khi doanh nghiệp xây dựng có dấu hiệu vi phạm lao động, tổ chức công đoàn cơ sở sẽ phải dùng các biện pháp đấu tranh ra sao để bảo vệ quyền lợi người lao động?

Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH trực tiếp nhận câu hỏi của bạn đọc liên quan tới Chiến dịch thanh tra lao động theo email: tungmolisa@yahoo.com. Hoặc qua email của Hộp thư tư vấn pháp luật lao động: tuvanplld@gmail.com

Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN): Khi doanh nghiệp, người sử dụng lao động vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động, công đoàn cơ sở tổ chức vận động, thuyết phục hoặc yêu cầu, kiến nghị người sử dụng lao động thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động để bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người lao động.

Đồng thời, công đoàn sẽ đưa ra trong cuộc đối thoại định kỳ, trong giao ban sản xuất, trong Hội nghị người lao động hoặc đề nghị tổ chức đối thoại đột xuất. Trường hợp phát hiện các vi phạm của doanh nghiệp cho thấy rõ có nguy cơ đe dọa tính mạng và sức khỏe của người lao động thì công đoàn cơ sở yêu cầu người sử dụng lao động, người có trách nhiệm tại nơi làm việc tạm ngừng máy, thiết bị hay công việc và hướng dẫn, đưa người lao động rời khỏi vị trí làm việc cho đến khi các nguy cơ được khắc phục.

Hơn nữa, công đoàn có thể tiến hành khởi kiện khi doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn vệ sinh lao động nhưng vẫn không tổ chức khắc phục sau khi công đoàn cơ sở vận động, đối thoại hay yêu cầu, kiến nghị.

Được biết ngành thanh tra Bộ LĐ-TB&XH hiện chỉ có hơn 500 người nhưng đang kiêm nhiệm nhiều công việc. Vậy việc thanh tra 63 tỉnh, thành này liệu có đủ nhân lực? công tác bố trí nhân sự ra sao để đáp ứng chương trình?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH: Theo kế hoạch, trung bình mỗi tỉnh sẽ thanh tra ít nhất 10 công trình hoặc doanh nghiệp xây dựng. Tùy theo số lượng thanh tra viên và nguồn lực tại địa phương, từng địa phương sẽ quyết định số lượng. Những tỉnh có số thanh tra viên đông như thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ thanh tra ít nhất 100 công trình hoặc doanh nghiệp. Do vậy, với số thanh tra viên hiện có, mục tiêu 630 công trình hoặc doanh nghiệp xây dựng trong cả nước là đạt được.

Ông có thể cho biết, hiện nay số lượng người lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng hiện là bao nhiêu? Có bao nhiêu doanh nghiệp ngành xây dựng đang sử dụng trên 500 lao động? Một số vụ tai nạn ngành xây dựng trong năm 2015 làm chết người?

Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN): Hiện nay, số người lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng chiếm khoảng 10% lực lượng lao động (khoảng 5 triệu người). Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng chưa có thống kê cụ thể. Năm 2015, đã có một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người trong ngành xây dựng như:

Vụ tại nạn do sập giàn giáo tại khu vực thi công đúc giếng chìm của công ty Sam sung tại dự án Formusa khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh ngày 25/3/2015 làm 13 người chết, 29 bị thương.

Vụ tai nạn do sập lò vôi tư nhân thuộc xã Lại Xuân, Huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng ngày 20/11/2015 làm 03 người chết.

Vụ tai nạn do rơi vận thăng lồng xảy ra ngày 04/12/2015, tại Công trình xây dựng Văn phòng làm việc, trung tâm thương mại và nhà ở hỗn hợp, 52 Lĩnh Nam, phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội làm 03 người chết.

Vụ tai nạn do sập công trình xây dựng cây xăng tại Xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngày 9/12/2015 làm 2 người chết và 06 người bị thương.

Vụ tai nạn do đổ sập tại Công trình xây dựng trung tâm tiệc cưới và hội nghị quốc tế Hoàng Tử, Khu Vực I, Phường Cái Khế, Quận Ninh Kiều, Tp Cần Thơ ngày 03/10/2015 làm 01 người chết và 04 người bị thương.

Tôi là một doanh nghiệp xây dựng ở Bắc Ninh, sắp tới chúng tôi sẽ có nhiều hoạt động đối tác với doanh nghiệp nước ngoài. Chúng tôi luôn tuân thủ các quy định về lao động ngành xây dựng. Chúng tôi rất muốn được thanh tra để có căn cứ làm việc với đối tác nước ngoài như một tiền đề tốt. Vậy xin hỏi phải liên hệ với ai và ở đâu để được thanh tra?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH: Doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh, do đó việc kiểm tra, thanh tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh về lao động. Doanh nghiệp liên hệ với Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Ninh để được phúc đáp.

Theo nhận định của nhiều người, thị trường lao động VN vẫn còn nhiều lao động ngoại tỉnh, lao động tự do tham gia các công trình xây dựng. Bởi vậy, việc giám sát thực hiện ký hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ngơi…sẽ rất khó làm được, ông có ý kiến gì về điều này?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH: Đúng là thực tế, việc giám sát tuân thủ PLLĐ đối với những lao động này rất khó khăn đặc biệt với các công trình có nhiều nhà thầu phụ, lao động làm việc theo thời vụ. Tuy nhiên, với hy vọng năm 2016 thực hiện chiến dịch thanh tra, ít nhất 630 công trình được thanh tra sẽ cải thiện điều kiện làm việc, tuân thủ pháp luật lao động từ đó đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho những lao động này. Bên cạnh đó, công tác truyền thông sẽ giúp cho những người lao động này biết bảo vệ mình thông qua việc hiểu biết về pháp luật lao động và công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Với chiến dịch này, dự tính kết quả số lượng vụ tai nạn, người tử vong dự kiến sẽ giảm đi khoảng bao nhiều so với số liệu trước đó?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH: Mục tiêu của chiến dịch là giảm thiểu số vụ tai nạn lao động so với các năm trước đó. Nguyên nhân của hầu hết các vụ tai nạn lao động là do ý thức của các bên trong quan hệ lao động, trong đó nguyên nhân từ phía người lao động cũng chiếm tỷ lệ lớn.

Do đó, các hoạt động của chiến dịch chủ yếu tập trung nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi của các bên, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn lao động và tỷ lệ tử vong. Chiến dịch không tham vọng đem lại kết quả ngay tức khắc mà sẽ có tác dụng lâu dài trong toàn xã hội ở những năm tiếp theo.

Nếu kết quả thông báo tình hình tai nạn lao động năm 2017 cho thấy, số vụ tai nạn lao động và số người chết trong lĩnh vực giảm hơn so với năm 2016 là một thành công của chiến dịch. Kết thúc chiến dịch không có nghĩa là kết thúc thanh tra và truyền thông mà công tác này sẽ được duy trì liên tục trong các năm tiếp theo.

Tôi là một doanh nghiệp ngành xây dựng tại Thái Nguyên. Tôi có nghe nói việc tuân thủ các quy định an toàn về lao động cũng là 1 tiêu chí để đánh giá sản phẩm và cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có đúng không?

Ông Trần Chí Dũng - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI):

Chắc chắn là như vậy. Doanh nghiệp trong ngành xây dựng cũng không nằm ngoài các nguyên tắc chung áp dụng cho các doanh nghiệp tại các ngành khác. Hiện nay hầu như toàn bộ các tập đoàn lớn trên thế giới, các hãng thương hiệu nổi tiếng, các công ty đa quốc gia đều có quy định chung cho nội bộ của mình, các quy định này áp dụng cho toàn bộ công ty, các chi nhánh, các nhà máy, công xưởng và các nhà cung ứng trong dây chuyền cung ứng của mình.

Các quy tắc nội bộ này có thể gọi dưới các tên khác nhau như: Quy tắc ứng xử, Quy tắc đạo đức kinh doanh, Quy tắc ứng xử toàn cầu...nhưng tựu chung lại là tập hợp những nguyên tắc, giá trị, tiêu chuẩn hay các quy tắc hành vi có tác dụng hướng dẫn cho các quyết định, các quy trình và các hệ thống của một tổ chức.

Trong bối cảnh hiện nay, để một doanh nghiệp có thể tham gia một chuỗi cung ứng toàn cầu thì doanh nghiệp đó phải nắm được các quy định cơ bản chung của các bộ quy tắc ứng xử này. Đó là điều kiện bắt buộc. Ngoài ra, nếu tham gia chuỗi nào thì phải nắm được các quy tắc ứng xử cụ thể của chuỗi đó.

Hiện nay doanh nghiệp Việt Nam (kể cả các doanh nghiệp trong ngành xây dựng) đang trong quá trình tìm hiểu và tham gia hội nhập kinh tế thế giới. Việc điều chỉnh các quy định của doanh nghiệp mình phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế là việc cần làm ngay. Đó là con đường duy nhất để doanh nghiệp tiếp cận được thị trường thế giới nói chung và chuỗi cung ứng toàn cầu nói riêng.

Các tiêu chuẩn quốc tế ở đây có bao gồm các tiêu chuẩn quốc tế về lao động mà bất cứ ngành nào cũng phải áp dụng, bên cạnh các tiêu chuẩn, chuẩn mực riêng của mỗi ngành nghề. Các tiêu chuẩn quốc tế về lao động được quy định bởi các công ước của Tổ chức Lao động thế giới (ILO). Doanh nghiệp muốn tìm hiểu về các công ước của ILO thì có thể liên hệ với Văn phòng Giới sử dụng lao động của VCCI.

Thông điệp của ILO gửi tới người lao động và người sử dụng lao động về tuân thủ pháp luật lao động trong ngành xây dựng là gì?

Ông René Robert, Chuyên gia về Quản lý lao động và Thanh tra Lao động (Tổ chức lao động quốc tế - ILO): Các doanh nghiệp xây dựng cần “xây dựng” cho chính mình văn hóa an toàn tại nơi làm việc. An toàn, sức khỏe và điều kiện làm việc bền vững không cần đợi đến khi có đoàn thanh tra hay chiến dịch thanh tra. Cách tốt nhất để giảm thiểu số vụ tai nạn và số người chết vì tai nạn lao động trong ngành này là thay đổi về thái độ và hành vi trong công việc.

Điều này có nghĩa là cần tập trung vào phòng ngừa và cải thiện đối thoại định kỳ giữa người lao động và người sử dụng lao động để xác định và giải quyết những rủi ro tại nơi làm việc. An toàn và sức khỏe của người lao động không chỉ là lợi ích của người lao động mà còn là lợi ích của toàn doanh nghiệp.

Để nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động trong thực hiện quy định về lao động ngành xây dựng, công đoàn có đề xuất gì?

Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN): Để nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động cần triển khai các hoạt động sau:

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động với nhiều hình thức phong phú và đa dạng như: tờ rơi, tờ gấp, tranh, áp phích; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Truyền hình, báo, tạp chí; tổ chức thi tìm hiểu về an toàn, vệ sinh lao động, Hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi các cấp, công bố thông tin và thông báo các sự cố, các vụ tai nạn lao động trong ngành để rút kinh nghiệm.

Tổ chức tập huấn, huấn luyện công tác an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người lao động. Tổ chức phong trào quần chúng làm công tác bảo hộ lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm; khen thưởng, động viên các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Hầu hết lao động chưa ý thức được việc bắt buộc sử dụng bảo hộ lao động. Vậy chiến dịch lần này có cần đưa ra những yêu cầu bắt buộc, thậm chí là pháp chế tài để nâng cao ý thức bảo hộ lao động cho NLD cũng như doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH: Mục đích của chiến dịch là nâng cao nhận thức của người lao động và hoạt động trọng tâm của chiến dịch là truyền thông do vậy chế tài chỉ là biện pháp cuối cùng được áp dụng khi các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn không phát huy tác dụng.

Được biết nội dung thanh tra ngành xây dựng tới đây sẽ bao gồm 12 điểm chính như: Thời giờ làm việc, làm thêm giờ; tiền lương; xây dựng nội quy và đào tạo về an toàn vệ sinh lao động...Vậy theo ông, những vi phạm chủ yếu đang diễn ra ở những nội dung nào? vì sao?

Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN): Tai nạn lao động trong ngành xây dựng chủ yếu là loại tai nạn do ngã cao từ giàn giáo, mép sàn, tầng hoặc hố thang máy; điện giật do rải dây điện, sử dụng điện trên công trường hay do các máy cầm tay, máy trộn bê tông, các máy...

Các nguyên nhân chủ yếu sau: Người lao động không được huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện không đầy đủ, sơ sài, hình thức; Các máy, thiết bị thi công không đảm bảo an toàn, các máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động không được kiểm định đúng quy định; Không có các biện pháp thi công an toàn; các mép sàn, tầng; không trang bị các phương tiện bảo vệ người lao động như lưới chống rơi, dây an toàn….

Đồng thời, các nguyên nhân còn có thể là: Không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động dẫn đến bố trí người lao động làm việc tại các vị trí làm việc nguy hiểm, nặng nhọc nhưng không đủ sức khỏe; Do tổ chức, bố trí mặt bằng làm việc ngổn ngang. Sự phối hợp giữa các nhà thầu, giám sát không chặt chẽ trong quá trình thi công…

Ông hy vọng gì về mức tiền lương, chính sách BHXH của công nhân có gì tiến triển sau chiến dịch lần này?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH: Mức lương và chính sách BHXH phải theo quy định của pháp luật lao động, và pháp luật về bảo hiểm xã hội. Nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ có chế tài áp dụng. Vì vậy, mong muốn sau chiến dịch, các doanh nghiệp sẽ chấp hành tốt pháp luật LĐ về mức lương và chính sách bảo hiểm cho người lao động vì đây là những nội dung trọng tâm trong hoạt động thanh tra trong chiến dịch.

Thưa ông, tình trạng tai nạn lao động trong ngành xây dựng chiếm tới 35,2% các vụ tai nạn lao động trong năm 2015 đã nói lên điều gì?

Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN): Những năm gần đây, tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng luôn chiếm tỷ lệ cao (chiếm từ 20% - 30% tổng số vụ tai nạn lao động) và đang có xu hướng gia tăng cả về số vụ, số người bị nạn cũng như mức độ nghiêm trọng, trong đó đáng chú ý đã xảy ra nhiều vụ sự cố, tai nạn lao động làm chết và bị thương nhiều người.

Tuy nhiên, năm 2015 tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng tăng cao nhiều so với các năm trước, chiếm 35,2% tổng số vụ tai nạn lao động chết người và 37,9% tổng số người chết cho thấy tình trạng mất an toàn lao động, vi phạm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực xây dựng đang ở mức báo động.

Xin ông cho biết VCCI có biện pháp gì để đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của đoàn thanh tra, tránh tình trạng sau đợt thanh tra thì mọi việc lại đâu vào đấy?

Ông Trần Chí Dũng - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI): Hiện nay số lượng doanh nghiệp của Việt Nam đang tăng dần. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. VCCI nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp có ý thức trong việc tuân thủ pháp luật lao động. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận là còn có nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện một các nghiêm túc các quy định của pháp luật lao động. Ngoài nguyên nhân là do ý thức, nhận thức còn có nguyên nhân nữa là do năng lực hiểu biết pháp luật của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Pháp luật lao động còn nhiều điểm được diễn giải hoặc khó nắm bắt đối với doanh nghiệp hoặc có thể suy diễn theo các cách khác nhau. Do vậy, một trong những nhiệm vụ của VCCI là giúp doanh nghiệp hiểu biết đúng nội dung của pháp luật lao động thông qua các cuộc hội thảo, các lớp học, các hoạt động tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo chí, trang thông tin điện tử…

Mặt khác, VCCI cho rằng các hoạt động thanh tra có thể coi là các đơn thuốc còn muốn chữa bệnh thật sự thì phải chữa từ gốc rễ của bệnh. Đó là gắn liền việc tuân thủ pháp luật lao động với các lợi ích thiết thực và sống còn của doanh nghiệp. Ví dụ các điều kiện của các nhà nhập khẩu (buyers) trong ngành dệt may tuy rất khắt khe nhưng doanh nghiệp không thể không tuân thủ nếu muốn xuất khẩu.

Hoặc khi muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu buộc doanh nghiệp phải tuân thủ các bộ quy tắc ứng xử của các công ty đa quốc gia. VCCI luôn đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp thay đổi từ trong nhận thức rằng muốn làm ăn được trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay thì nên tuân thủ pháp luật lao động, hơn là các cách làm ăn ngắn hạn, chộp giật. Đó mới là con đường phát triển lâu dài và bền vững cho doanh nghiệp.

Hiện nay, công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông thi công kéo dài lê thê, những tổ hợp dầm sắt, ván khuôn...có thể rơi xuống đầu người dân đi phía dưới bất cứ lúc nào. Thanh tra bộ, thanh tra liên ngành có đi kiểm tra về mức độ an toàn và trình độ công nhân xây dựng ở đây không?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH: Năm 2015, do có quá nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra, chúng tôi đã thanh tra công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong việc thi công trên toàn công trình tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, và đã có nhiều biện pháp can thiệp tức thì như tạm đình chỉ thi công, xử phạt. Sau đó, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải để giám sát việc thực hiện kiến nghị. Vì vậy, có thể nói việc thanh tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại công trình này đã được diễn ra kịp thời.

Trách nhiệm của Tổng liên đoàn LĐ VN trong việc phối hợp thanh tra lao động là gì? Những khó khăn khi triển khai tại địa phương theo ông sẽ có là gì?

Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN): Tổng Liên đoàn tham gia và phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong thanh tra lao động để thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, giám sát các doanh nghiệp, người sử dụng lao động thực hiện các quy định của pháp luật lao động, thực hiện chế độ chính sách cho người lao động.

Qua việc phối hợp thanh tra lao động sẽ kịp thời phát hiện những vi phạm, kiến nghị, yêu cầu hướng dẫn người sử dụng lao động khắc phục các tồn tại, thiếu sót; kiến nghị xử lý những trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật; đồng thời cũng tiếp nhận những kiến nghị, đề xuất từ doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động về những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, trên cơ sở đó đề xuất Đảng, nhà nước sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật về lao động cho phù hợp.

Khi triển khai tại địa phương, có thể có một số khó khăn như cơ chế phối hợp trong thanh tra, nguồn nhân lực tham gia phối hợp, kỹ năng và nghiệp vụ của cán bộ tham gia thanh tra, các phương tiện kỹ thuật trong thanh tra (dùng để đo kiểm), sự hợp tác từ phía doanh nghiệp, người sử dụng lao động.

Đặc thù của thị trường lao động VN hiện có hơn 30 triệu lao động thuộc khu vực kinh tế không chính thức, vì vậy vẫn có một lượng lớn lao động trong ngành xây dựng là lao động phổ thông, làm việc theo thời vụ. Hệ quả của việc thực hiện hợp đồng về lương, BHXH, chế độ nghỉ ngơi còn nhiều vi phạm. Thực tế này có diễn ra ở nhiều nước lân cận?

Ông René Robert, Chuyên gia về Quản lý lao động và Thanh tra Lao động (Tổ chức lao động quốc tế - ILO): Đúng vậy, thực tế này cũng xảy ra ở nhiều nước trong khu vực. Phần lớn người lao động trong khu vực phi chính thức thường có điều kiện làm việc hạn chế. Thanh tra lao động thường không phù hợp để giải quyết vấn đề tuân thủ yếu kém trong khu vực phi chính thức. Nguyên nhân một phần vì pháp luật lao động không điều chỉnh, một phần vì nguồn lực còn hạn chế. Luật An toàn, vệ sinh lao động mới ra đời của Việt Nam cũng nhằm giải quyết khoảng trống pháp lý này, bao gồm cả lĩnh vực xây dựng.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra hiện nay là làm thế nào để những quy định pháp lý đi vào thực tiễn cuộc sống trong khu vực kinh tế phi chính thức và tác động ra sao tới cuộc sống của người lao động trong khu vực này. Mới đây, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã thông qua một tiêu chuẩn lao động quốc tế (Khuyến nghị 204) về hướng dẫn chuyển tiếp từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức. Tuy nhiên, bên cạnh những mối lo về tình hình tuân thủ, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục xây dựng những chính sách phát triển doanh nghiệp bền vững để thúc đẩy việc làm bền vững trong khu vực kinh tế chính thức đối với ngành xây dựng và các ngành kinh tế khác.

Xin hỏi thanh tra bộ lao động, ông có cảm giác gì khi đi dưới những công trình như vậy ?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH: Tôi cũng như mọi người dân khác, luôn có cảm giác bất an khi đi bên dưới những nơi đang thi công, nơi đặt cần cẩu, nơi sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Chủ công trình thường chạy theo lợi nhuận, bỏ qua các quy định, quy trình, quy phạm về an toàn lao động nên rất dễ xảy ra tai nạn lao động

Theo ông, doanh nghiệp sẽ đón nhận Chiến dịch thanh tra này như thế nào? Đứng từ góc độ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, theo ông doanh nghiệp VN đã quen với hoạt động thanh tra hay chưa?

Ông Trần Chí Dũng - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI): Thật ra mà nói doanh nghiệp đã rất quen với các hoạt động thanh tra. Trong các cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp khi trao đổi về hoạt động thanh tra, VCCI thường nhận được phàn nàn của một số doanh nghiệp vì họ bị thanh tra nhiều lần trong năm và có sự thanh tra chồng chéo giữa các cơ quan, ban, ngành.

Tuy nhiên, doanh nghiệp đón nhận Chiến dịch thanh tra năm nay với nhiều hy vọng khi Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH cam kết sẽ chỉ xử phạt các hành vi vi phạm khi xảy ra có tính chất hệ thống, đã được nhắc nhở nhiều lần mà doanh nghiệp không sửa chữa và Chiến dịch thanh tra này nhằm mục đích nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về việc tuân thủ pháp luật lao động hơn là tiến hành xử phạt vi phạm. Tuy nhiên, thật ra mà nói mặc dù doanh nghiệp đã quen với hoạt động thanh tra, doanh nghiệp vẫn vẫn luôn có phần ái ngại khi bị thanh tra.

Nguyên nhân một phần do các doanh nghiệp Việt Nam còn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quá bận rộn với công việc kinh doanh, trình độ nhận thức đôi lúc còn hạn chế, nguồn nhân lực trong quản trị còn mỏng, phương tiện còn nhiều thiếu thốn. VCCI cho rằng doanh nghiệp của chúng ta trong quá trình hội nhập sẽ nâng cao được nhận thức hơn nữa về về việc tuân thủ pháp luật lao động và trách nhiệm xã hội.

Xin ông cho biết quy trình thanh tra một doanh nghiệp/ nhà thầu được tiến hành như thế nào, có thông báo trước thời gian thanh tra cho doanh nghiệp/nhà thầu hay không, và nếu có sự thông báo trước như vậy thì liệu thanh tra có phát hiện sai phạm không khi doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH: Thanh tra lao động hay bất cứ thanh tra nào trong hệ thống cơ quan thanh tra nhà nước đều phải thực hiện đúng quy trình thanh tra được quy định thống nhất trong thông tư do Thanh tra Chính phủ ban hành. Do vậy, những công trình hoặc doanh nghiệp được thanh tra trong chiến dịch này đều được báo trước. Trừ những doanh nghiệp có vi phạm nghiêm trọng được báo chí hay người dân phát hiện phản ánh về cơ quan thanh tra lao động hoặc do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp chỉ đạo thì sẽ thanh tra đột xuất tại doanh nghiệp, công trường và không phải báo trước.

Kể cả báo trước hay không báo trước thì các lỗi phát hiện qua thanh tra đã phản ánh đúng tình trạng tuân thủ pháp luật lao động của đối tượng thanh tra. Kết quả đó nhờ kỹ năng nghề nghiệp của các thanh tra viên tạo nên.

Xung quanh khu vực tôi sống ở Hà Đông, các công trình xây dựng rất nhiều, đặc biệt là xây dựng các tòa nhà chung cư với nhiều cần cẩu, nhìn lên rất nguy hiểm. Vậy với lực lượng thanh tra mỏng như hiện nay có bao quát và quản lý được hết những nguy hiểm này đối với người dân?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH: Trách nhiệm đảm bảo an toàn tại các công trường xây dựng không chỉ thuộc về lực lượng thanh tra lao động mà chủ yếu thuộc về người chủ thầu và chính bản thân người lao động. Do vậy, kể cả lực lượng thanh tra có được tăng cường đến mấy đi nữa, nhưng người lao động và những chủ thầu không có ý thức tự giác chấp hành thì không thể hạn chế được nguy cơ và rủi ro tại nơi làm việc. Ngoài ra, vai trò giám sát của nhân dân cũng hết sức quan trọng. Chính những phản ánh của người dân đến các cơ quan có thẩm quyền giúp cho việc phát hiện, xử lý nhanh chóng những nguy cơ, rủi ro tại các công trường xây dựng.

Thống kê của Bộ LĐ trong nhiều năm qua tai nạn trong ngành xây dựng luôn đứng đầu trong các vụ tai nạn lao động. Vì sao bây giờ các cơ quan mới thanh tra, phải chăng do thiếu kinh phí tổ chức?

Công tác thanh tra lao động nói chung và thanh tra tại các doanh nghiệp, công trình xây dựng nói riêng đã được thanh tra lao động thực hiện từ khi có bộ luật lao động. Tuy nhiên, các cuộc thanh tra này được thực hiện đơn lẻ chưa thành đợt và chưa có tác dụng rõ rệt. Chính vì vậy, Chiến dịch thanh tra lần này sẽ có tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người dân từ đó có tác động rõ rệt, cải thiện điều kiện làm việc tại các công trường xây dựng.

Trong đợt thanh tra lần này ngoài tập trung thanh tra các công trình xây dựng hay thanh tra các mỏ đá, lò nung vôi...có nằm trong diện thanh tra lần này hay không?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH: Chiến dịch thanh tra 2016 chỉ tập trung tại các công trường xây dựng. tuy nhiên, bên cạnh chiến dịch, cơ quan thanh tra lao động từ trung ương đến địa phương vẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong các lĩnh vực khác, trong đó có các cơ sở khai thác khoáng sản như mỏ đá...

Con số thống kê trong năm 2015 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã nêu ra một thực tế đáng lo ngại: “Trung bình cứ 1 giờ có 1 người bị tai nạn lao động ngành xây dựng”. Quan điểm của ILO về vấn đề này ra sao? Theo quan sát của ILO, tình trạng tai nạn lao động ngành xây dựng ở các nước xung quan Việt Nam có cao như vậy?

Ông René Robert, Chuyên gia về Quản lý lao động và Thanh tra Lao động (Tổ chức lao động quốc tế - ILO): Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, ngành xây dựng luôn là một trong những ngành công nghiệp nguy hiểm nhất với số lượng lớn tai nạn và thương vong do tai nạn lao động. Về số người chết do tai nạn lao động, ngành xây dựng luôn nằm trong Top 3 bởi chính bản chất nhiều mối nguy hiểm trong ngành này.

Ví dụ, ngay tại Singapore, một nền kinh tế phát triển vào bậc nhất ASEAN, có tới 40% tại nạn lao động chết người xảy ra trong ngành xây dựng. Vì vậy, ILO quan ngại sâu sắc về vấn đề này và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nước trong khu vực để phòng ngừa tai nạn trong lĩnh vực xây dựng, bao gồm Mông Cổ, Cam-pu-chia và In-đô-nê-xi-a. Phòng ngừa tai nạn trong ngành xây dựng cần nỗ lực của tất cả các bên liên quan (Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao đông). Trong đó, vai trò của Thanh tra lao động là đặc biệt quan trọng, đóng góp vào phòng ngừa tai nạn và bệnh nghề nghiệp trong ngành.

Ý kiến của thanh tra Bộ LĐ-TB&XH ra sao khi ngày hôm qua (4/4) có 1 vụ tai nạn sập mái Nhà văn hóa ở Hải Phòng, làm bị thương 9 người?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH: Ngay sau khi vụ tai nạn lao động xảy ra, tôi đã trực tiếp điện thoại với Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH Hải Phòng, chỉ đạo cấp cứu người bị nạn và ban hành quyết định tạm đình chỉ thi công công trình. Vừa mới phát động chiến dịch thanh tra trong ngành xây dựng mà ở Hải Phòng đã có vụ tai nạn như trên là rất đáng buồn. Thậm chí lại đang có tới 2 đoàn thanh tra lao động của Sở LĐTBXH Hải Phòng phối hợp với Sở Xây dựng, Liên đoàn lao động tỉnh tiến hành thanh tra trong các công trình xây dựng. Đồng thời, tôi đã chỉ đạo điều tra, lập biên bản vi phạm và xử lý nghiêm đối với vụ tai nạn lao động này.

Ông rút được những kinh nghiệm gì từ chiến dịch thanh tra ngành dệt may năm 2015 nhằm áp dụng cho Chiến dịch thanh tra năm 2016?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH: Chiến dịch thanh trong ngành dệt may năm 2015 được thực hiện thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, sự phối hợp 3 bên chưa được chặt chẽ, chưa huy động sự tham gia mạnh mẽ của truyền thông và các cơ ở các cấp, các ngành có liên quan. Do vậy, Chiến dịch thanh tra năm 2016 sẽ khắc phục những hạn chế nêu trên.

Trách nhiệm của doanh nghiệp, VCCI trong việc phối hợp thanh tra lao động là gì, thưa ông? Khó khăn gì khi gặp phải?

Ông Trần Chí Dũng - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI): VCCI là một thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến dịch ở cấp Trung ương. Thành phần Ban Chỉ đạo bao gồm Lãnh đạo các đơn vị Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quan hệ lao động – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng Giới sử dụng lao động – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Khi thanh tra tiến hành ở địa phương nào thì có sự tham gia của các chi nhánh, văn phòng đại diện của VCCI tại địa phương đó hoặc của Hiệp hội xây dựng.

Ở các cấp VCCI và Hiệp hội xây dựng sẽ phối hợp cùng với Thanh tra Bộ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam giải quyết các thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình thanh tra; đẩy mạnh tuyên truyền tới chủ sử dụng lao động về ý nghĩa và các nội dung của Chiến dịch thanh tra.

Một trong những khó khăn đối với VCCI là nguồn nhân lực còn mỏng đối với một khối lượng công việc quá nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục khó khăn này ở mức tốt nhất.

Cuộc sống của nhiều lao động bị tai nạn lao động trong ngành xây dựng thường rất khó khăn. Tổng Liên đoàn có quan tâm đến vấn đề này không? Nếu có thì Tổng Liên đoàn làm gì?. Với những nạn nhân trong các vụ tai nạn lao động, Tổng liên đoàn có chính sách bảo vệ và hỗ trợ như thế nào bên cạnh đền bù của doanh nghiệp?

Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN): Khi xảy ra tai nạn lao động, công đoàn sẽ phối hợp, yêu cầu, giám sát người sử dụng lao động tổ chức sơ, cấp cứu, điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động cho đến khi ổn định.

Công đoàn tham gia điều tra nguyên nhân, xác định trách nhiệm và đề xuất hình thức xử lý hành chính hay đề nghị khởi tố hình sự những người có lỗi để xảy ra vụ tai nạn lao động, đề ra các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động tương tự tái diễn: các vụ tai nạn lao động nhẹ và nặng làm bị thương người lao động công đoàn cơ sở tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động điều tra; các vụ tai nạn lao động chết người hoặc tai nạn lao động nặng nghiêm trọng thì Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố sẽ tham gia, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và một số cơ quan liên quan để điều tra.

Công đoàn tổ chức giám sát, đôn đốc người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp khắc phục phòng ngừa tai nạn lao động, giám định suy giảm khả năng cho người lao động bị thương, thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động cho người lao động, bố trí sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe cho người lao động (bị thương) trở lại làm việc; bàn bạc, trao đổi với doanh nghiệp, người sử dụng lao động có chính sách như: nhận con em người lao động bị tai nạn lao động vào làm việc.

Tuy nhiên tôi xin gửi câu hỏi là hiện nay việc thanh tra muốn có kết quả thực sự thì phải tổ chức thanh tra đột xuất, còn tiến hành thanh tra theo kiểu chiến dịch có kế hoạch trước liệu có phát hiện ra sai phạm của doanh nghiệp không?

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH:Thanh tra lao động hay bất cứ thanh tra nào trong hệ thống cơ quan thanh tra nhà nước đều phải thực hiện đúng quy trình thanh tra được quy định thống nhất trong thông tư do Thanh tra Chính phủ ban hành. Do vậy, những công trình hoặc doanh nghiệp được thanh tra trong chiến dịch này đều được báo trước. Trừ những doanh nghiệp có vi phạm nghiêm trọng được báo chí hay người dân phát hiện phản ánh về cơ quan thanh tra lao động hoặc do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp chỉ đạo thì sẽ thanh tra đột xuất tại doanh nghiệp, công trường và không phải báo trước.

Kể cả báo trước hay không báo trước thì các lỗi phát hiện qua thanh tra đã phản ánh đúng tình trạng tuân thủ pháp luật lao động của đối tượng thanh tra. Kết quả đó nhờ kỹ năng nghề nghiệp của các thanh tra viên tạo nên

Xin ông cho biết Tổng LĐLĐVN đã có kế hoạch như thế nào trong việc tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động làm việc trong ngành xây dựng? Người lao động không có quan hệ lao động có được tuyên truyền hay không?

Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN): Tổng Liên đoàn LĐVN và các cấp công đoàn rất chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động với nhiều hình thức phong phú như: phát hành các tờ rơi, tranh, áp phích và tài liệu tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ của người lao động trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, hướng dẫn an toàn vệ sinh lao động khi làm việc.

Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các buổi tọa đàm, các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động; xây dựng góc tuyên truyền về bảo hộ lao động trong doanh nghiệp tại nơi người lao động làm việc; tuyên truyền, đăng tải các văn bản pháp luật mới, chế độ chính sách, các bài viết, tài liệu liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, trên các báo, tạp chí, Website của hệ thống công đoàn; tổ chức các phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải thiện điều kiện lao động như phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” được đông đảo cán bộ công đoàn, công nhân viên chức lao động và người sử dụng lao động…

Nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra mới vỡ lở DN không đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Do đó, người lao động bị thiệt thòi và không được hưởng quyền lợi đầy đủ. Là tổ chức đại diện cho người lao động, ngoài hoạt động tuyên truyền ATLĐ, thăm hỏi khi người lao động gặp nạn, TLĐ đã làm gì để bảo vệ sự an toàn cho NLĐ?

Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN): Khi xảy ra tai nạn lao động, công đoàn sẽ yêu cầu, đôn đốc, giám sát người sử dụng lao động tổ chức sơ, cấp cứu, điều trị và thanh toán chi phí y tế cho người lao động bị tai nạn lao động cho đến khi ổn định, trả phí giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định, thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động cho người lao động, lập hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm xã hội; bố trí sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe cho người lao động (bị thương) trở lại làm việc.

Trường hợp doanh nghiệp, người lao động không đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động thì công đoàn sẽ phối hợp với cơ quan chức năng yêu cầu, giám sát doanh nghiệp phải thanh toán và chi trả cả 2 khoản này.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm về biện pháp của Chính phủ một số nước phát triển trong phòng chống tai nạn lao động?

Ông René Robert, Chuyên gia về Quản lý lao động và Thanh tra Lao động (Tổ chức lao động quốc tế - ILO): Tại các nước phát triển, việc khuyến khích doanh nghiệp tự xây dựng các mô hình quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp bằng cách kết nối biện pháp an toàn với lợi ích của doanh nghiệp mang lại nhiều hiệu quả thực tiễn.

Một phương pháp đã áp dụng thành công là kết hợp số liệu thống kê tai nạn lao động với quy trình đấu thầu của chính phủ với các dự án sử dụng nguồn vốn xã hội. Chính phủ cũng không can thiệp vào các doanh nghiệp có tỷ lệ tai nạn thấp. Ngoài ra, chính phủ còn có thể áp dụng mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động thấp hơn cho các doanh nghiệp tự kiểm soát và hạn chế được tình hình tại nạn ở doanh nghiệp mình.

Một giải pháp thực tiễn nữa là cung cấp dịch vụ về an toàn, sức khỏe nghề nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hầu hết các doanh nghiệp nhóm này đều có năng lực đảm bảo an toàn lao động còn hạn chế và phải đối mặt với nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, công tác an toàn ở nhiều doanh nghiệp còn bị bỏ ngỏ. Chính phủ cần có các hình thức dịch vụ công để tăng cường các điều kiện về an toàn, sức khỏe nghề nghiệp cho nhóm người lao động ở các doanh nghiệp nhỏ này.

Trên các công trường Việt Nam dễ dàng nhận ra những công nhân đang làm việc mà không đảm bảo an toàn lao động. Vậy thưa ông nguyên nhân là vì chủ sử dụng lao động chưa quan tâm đến việc trang bị bảo hộ cho người lao động hay vì người lao động chưa ý thức được vấn đề? VCCI đã có những hoạt động nào để tuyên truyền ý thức của các doanh nghiệp về vấn đề trên?

Ông Trần Chí Dũng - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI): Cả hai nguyên nhân trên đều là nguyên nhân của hiện tượng trên. Chủ sử dụng lao động có thể chưa nắm vững các quy trình an toàn hoặc cắt giảm chi phí cho các công tác an toàn. Người lao động thì có thể còn thiếu chuyên nghiệp, hoặc cẩu thả, thiếu ý thức kỷ luật.

Trong mọi hoạt động của VCCI đều nhắm tới việc thúc đẩy ý thức doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn lao động, nhất là trong ngành xây dựng, coi đây là đạo đức của chủ sử dụng lao động đối với an toàn, sức khỏe, tính mạng của người lao động và trách nhiệm đối với xã hội.

Được biết chiến dịch thanh tra 2016 sẽ nhấn mạnh vào vai trò tư vấn, hướng dẫn để người SDLĐ và NLĐ hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của họ, đồng thời đưa ra những lời khuyên để họ tự giác, chủ động, tích cực tuân thủ pháp luật lao động một cách tốt nhất. Vậy theo ông cách tiếp cận này có khả thi không, khi mà mặc dù thời gian qua, các ngành các cấp đã triển khai rất nhiều biện pháp nhưng TNLĐ vẫn tăng cao?

Ông René Robert, Chuyên gia về Quản lý lao động và Thanh tra Lao động (Tổ chức lao động quốc tế - ILO): Thanh tra lao động là một mảng then chốt trong hệ thống quản lý lao động của mỗi quốc gia. Mục đích của thanh tra lao động là nhằm thực thi các quy định pháp luật liên quan đến điều kiện làm việc và bảo vệ người lao động khi làm việc; cung cấp thông tin và tư vấn kỹ thuật cho người lao động và người sử dụng lao động về những phương án hiệu quả nhất để tuân thủ quy định pháp lý; cũng như xác định những lỗ hổng pháp lý để kịp thời đề xuất sửa đổi. Vai trò tư vấn, vì vậy, là phần không thể thiếu trong công việc của các thanh tra viên lao động nhằm đảm bảo tuân thủ. Theo tôi, cách tiếp cận này hoàn toàn khả thi và nên được khuyến khích.

Với vị trí của mình, các thanh tra có lợi thế khi đưa ra lời khuyên cho người lao động và người sử dụng lao động bởi họ có kiến thức và hiểu biết sâu sắc về pháp luật lao động. Bên cạnh đó, họ biết những vi phạm thường gặp và những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi tuân thủ pháp luật. Các thông tin từ các cuộc thanh tra đã tiến hành cũng giúp cán bộ thanh tra xác định những nguyên nhân rủi ro vốn có trong môi trường làm việc. Do đó, những lời khuyên của thanh tra viên sẽ hữu ích với người lao động và người sử dụng lao động.

Các doanh nghiệp hiện nay ngày càng hiểu tầm quan trọng của sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thanh tra viên lao động sẽ giúp họ đảm bảo hoạt động lâu dài thông qua quan hệ lao động hài hòa, đảm bảo quyền lợi cho người người lao động khi làm việc, bao gồm quyền được bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn theo Hiến pháp Việt Nam.

Tôi muốn nhắc lại rằng tuân thủ là một hệ thống, không thể riêng cá nhân hay cơ quan nào có thể tự mình thực hiện được. Để đảm bảo tuân thủ tại nơi làm việc, cần đảm bảo cam kết của người lao động, người sử dụng lao động, thanh tra lao động và các cơ quan khác. Đây cũng chính là mô hình chúng tôi muốn khuyến khích và các bạn cũng có thể thấy ngay trong buổi giao lưu trực tuyến hôm nay với sự tham gia của Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH, đại diện của người lao động, người sử dụng lao động, cơ quan truyền thông khởi xướng sáng kiến giao lưu trực tuyến này và đông đảo người dân tích cực tương tác với chúng tôi hôm nay với mong muốn có được sự thay đổi trên tất cả các công trình xây dựng.

Ông đánh giá như thế nào về công tác thanh tra lao động của Việt Nam? Sau TPP và FTA VN EU thì công tác thanh tra lao động có phải thay đổi điều gì không, thưa ông?

Ông René Robert, Chuyên gia về Quản lý lao động và Thanh tra Lao động (Tổ chức lao động quốc tế - ILO): Với nguồn lực còn rất hạn chế, hệ thống thanh tra lao động Việt Nam đang làm khá tốt nhiệm vụ của mình để củng cố năng lực nhằm đảm bảo tuân thủ tại nơi làm việc. Như bạn đã nhắc đến trong câu hỏi, các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo ra đồng thời cả cơ hội lẫn thách thức cho hệ thống quản trị lao động nói chung và hệ thống thanh tra lao động nói riêng. Hệ thống này chắc chắn sẽ cần thêm nguồn lực để cải tiến hiệu quả. Một vài hoạt động cần thiết trong thời gian ngắn hạn là tuyển dụng và đào tạo thêm nhiều cán bộ thanh tra để mở rộng tầm hoạt động cả ở khu vực chính thức và phi chính thức; tăng cường phối hợp giữa thanh tra viên lao động ở cấp trung ương và địa phương hướng tới những cuộc thanh tra theo phương pháp, tiêu chí đồng nhất. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là đẩy mạnh vai trò tư vấn của thanh tra lao động bằng hình thức chiến dịch thanh tra và các hoạt động truyền thông khác để nhân rộng nỗ lực của toàn ngành, kiến tạo văn hóa tuân thủ trong xã hội.

Tại VN mỗi năm có hàng trăm người chết và hàng trăm nghìn người bị thương vì TNLĐ. ILO nhìn nhận như thế nào về văn hoá an toàn trong các DN của VN. Thời gian tới ILO có những chương trình hay dự án hỗ trợ VN xây dựng, nâng cao văn hoá ATLĐ tại nơi làm việc.

Theo quan điểm của ILO, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp có thể phòng tránh bằng cách loại bỏ những nguyên nhân rủi ro vốn có trong môi trường làm việc. ILO hoan nghênh những nỗ lực gần đây của Việt Nam trong việc ban hành Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực từ tháng 7 này. Luật mới cũng đề cao tầm quan trọng của hoạt động đánh giá rủi ro tại nơi làm việc và khuyến khích tạo nên những thế hệ người lao động và người sử dụng lao động coi an toàn là trên hết. Chỉ khi loại trừ được những mối nguy hiểm tại nơi làm việc bằng hợp lức của toàn xã hội, số tai nạn lao động mới có thể giảm thiểu. Trong thời gian tới, ILO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng văn hóa phòng ngừa tại nơi làm việc đặc biệt thông qua lao động trẻ bằng việc thực hiện Dự án An toàn và sức khỏe cho lao động trẻ, dự kiến sớm được khởi động trong thời gian tới.

Vì sao ILO quan tâm và tham gia Chiến dịch Thanh tra lao động ngành xây dựng 2016?

Ông René Robert, Chuyên gia về Quản lý lao động và Thanh tra Lao động (Tổ chức lao động quốc tế - ILO): Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác ba bên nhằm tăng cường tuân thủ tại nơi làm việc. Tiếp theo Chiến dịch thanh tra lao động trong ngành dệt may năm 2015, tổ chức ILO tiếp tục những nỗ lực của Bộ LĐTBXH và các đối tác xã hội để thực thi hiệu quả những quy định của pháp luật. Chiến dịch thanh tra lao động là một phương pháp tiếp cận rất hiệu quả nhằm tăng cường tuân thủ tự nguyện của khu vực tư nhân. Đó cũng chính là lý do mà ILO khuyến khích sáng kiến này của Bộ LĐTBXH. Thông qua chiến dịch, tổ chức ILO muốn hỗ trợ Bộ LĐTBXH thúc đẩy những quy định trong nước và những chuẩn mực lao động quốc tế theo những công ước có liên quan của ILO mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Theo quan điểm của ILO ra sao về nhận định: Chiến dịch thanh tra không chỉ là kiểm soát, xử phạt mà còn là xây dựng môi trường quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra với các doanh nghiệp?

Ông René Robert, Chuyên gia về Quản lý lao động và Thanh tra Lao động (Tổ chức lao động quốc tế - ILO): Tôi hoàn toàn chia sẻ quan điểm này. Trước đây, mọi người thường nghĩ thanh tra lao động là cơ quan thực thi pháp luật với các chế tài xử phạt đối với những vi phạm pháp luật tại nơi làm việc. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận của thanh tra lao động hiện đại nhấn mạnh vai trò tư vấn đối với doanh nghiệp để từ đó doanh nghiệp có thể xây dựng hệ thống tự tuân thủ dựa trên thông tin và tư vấn của thanh tra viên lao động.

Chiến dịch là cơ hội hoàn hảo cho các doanh nghiệp để họ có thể kết nối với cơ quan thanh tra lao động một cách trực tiếp (và gián tiếp) để trước hết là hiểu được vai trò, nhiệm vụ và sứ mệnh của mỗi bên. Thứ hai, doanh nghiệp và thanh tra lao động cùng hợp tác với nhau nhằm tăng cường tuân thủ tại doanh nghiệp. Do nguồn lực hạn chế của hệ thống thanh tra lao động, thanh tra viên không thể đến từng nơi làm việc. Do đó, các doanh nghiệp có thể tận dụng các kênh thông tin của chiến dịch như đường dây nóng, thư điện tử của Thanh tra Bộ LĐTBXH, hướng dẫn của thanh tra viên lao động trên trang web của Thanh tra Bộ hoặc trao đổi trực tiếp với thanh tra viên tại các hội thảo tham vấn ba bên trong khuôn khổ của chiến dịch.

Xin trân trọng cảm ơn các khách mời

Hoàng Mạnh (thực hiện)