1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giám đốc khủng hoảng giam mình trong phòng, vợ khóc bất lực vì khó chia sẻ

Hoài Nam

(Dân trí) - Hai tháng qua chồng gần như không bước chân ra khỏi phòng ngủ, không giao tiếp với vợ con... chị M.T, ở TPHCM rất bất an, rồi bời.

Giám đốc "đóng cửa", làm bạn với rượu bia, đồ ăn

Chia sẻ đến một chương trình tư vấn tâm lý online, chị M.T, ở quận Gò Vấp, TPHCM kể, gia đình đang bế tắc trước tình cảnh của chồng - giám đốc một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nhà hàng. 

Bỏ việc văn phòng, mấy năm qua chồng chị đầu tư làm ăn nên đã thế chấp nhà cho ngân hàng, mượn một lô đất ở quê của ông bà đem bán và cả vay nợ bạn bè.

Giám đốc khủng hoảng giam mình trong phòng, vợ khóc bất lực vì khó chia sẻ - 1

Nhiều doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng kinh tế, tâm lý vì ảnh hưởng của dịch bệnh (Ảnh minh họa)

Công việc làm ăn đang chuẩn bị đi vào quỹ đạo thì Covid-19 ập đến. Trải qua mấy đợt dịch, việc kinh doanh của anh lỗ chồng lỗ. Anh tiếp tục vay mượn, tưởng đâu ổn trở lại, có thể "ngóc đầu lên" thì đợt dịch lần này đã "hạ gục" hoàn toàn. 

Cả năm nay, anh rơi vào tình trạng bất ổn, thường xuyên lo lắng, gắt gỏng, quát tháo.... Tháng 7 vừa rồi, ngay khi thành phố thực hiện giãn cách, anh giam mình trong phòng ngủ, không bước chân ra ngoài, không giao tiếp với ai, chỉ làm bạn với rượu bia, thuốc lá. 

Từ ngày anh như vậy, vợ con cũng rơi vào trạng thái bất an. Người vợ mất ngủ, nhiều đêm nằm khóc thấy mình bất lực, không biết cách nào tiếp cận, chia sẻ với chồng.

Anh không nói chuyện, chị M.T chỉ biết công ty giải thể, phải đối mặt với khoản nợ gần chục tỷ đồng. 

"Mấy tháng qua, tôi không nhìn rõ mặt chồng mình, hỏi gì anh cũng gạt đi. Khi đưa đồ ăn hay vào dọn phòng... lướt qua thấy anh bất thần, xơ xác mà xót xa. Bố mẹ gọi điện hỏi han, anh cũng ậm ờ, né tránh", người vợ lo lắng. 

Là dân kinh doanh, anh Võ Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn đầu tư Bình Minh khẳng định, doanh nhân bị stress thời điểm này không phải là chuyện lạ. 

Anh kể về bạn của mình - chủ một công ty môi giới bất động sản ở TP Thủ Đức với hàng trăm nhân viên. Gần hai năm nay thị trường đóng băng, công ty không có nguồn thu, trong khi vẫn gánh nhiều chi phí để duy trì. Chịu hết nổi, gần đây người này đã phải thu hẹp quy mô, bán tài sản trả nợ ngân hàng.

"Thay đổi bề ngoài rõ nhất, ai cũng thấy là anh ấy stress, chỉ ăn và ăn, từ người đàn ông 6 múi 75kg, giờ đây gần 100kg. Tâm lý anh rất dè dặt, ngại tiếp xúc với mọi người", anh Võ Quốc Bình kể. . 

 Doanh nhân stress: Khó giãi bày 

"Thuyền to sóng lớn", doanh nhân gánh rất nhiều áp lực khi khủng hoảng, trong khi lại khó than thở, giãi bày khó khăn của mình, ngay cả với người thân.

"Khi lập ATM gạo trong mùa dịch, tôi còn mong muốn đón cả người đi ô tô đến nhận. Bên ngoài nhìn như vậy nhưng có thể họ đang rất áp lực, khó khăn", anh Võ Quốc Bình.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2021, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, riêng ở TPHCM có 24 nghìn doanh nghiệp đóng cửa trong 8 tháng năm nay, (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%.

Giám đốc khủng hoảng giam mình trong phòng, vợ khóc bất lực vì khó chia sẻ - 2

Theo anh Võ Quốc Bình, doanh nhân phải tìm cách tự cứu mình nhưng cũng cần sự hỗ trợ.

Theo anh Võ Quốc Bình, để cầm cự, người làm chủ buộc phải chuyển mình như thay đổi mô hình kinh doanh, cách thức làm việc, chuyển đổi mục tiêu. Như bản thân anh hướng mục tiêu vào hoạt động xã hội, thiện nguyện... để mình bớt áp lực và việc bận rộn cũng giúp bớt stress. 

"Với việc kinh doanh, lúc này làm sao để tồn tại quan trọng hơn là làm giàu, cái gì không giữ được thì mạnh dạn buông. Doanh nhân cần bản lĩnh để tồn tại, giữ vững tư duy... sẵn sàng khởi nghiệp lại trong tình huống bất trắc", anh Bình bộc bạch.. 

Ngoài tự thân nỗ lực, lúc này những người làm chủ cũng cần sự thấu cảm, hỗ trợ từ gia đình, người thân và từ các chính sách để vượt khó.

Tại chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động trong đại dịch, PGS.TS Trần Thành Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, tỷ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần của người lao động trên thế giới trong đại dịch tăng lên 5- 7 lần so với trạng thái bình thường. Trong đó, doanh nhân cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. 

Theo Viện sức khỏe tinh thần Hoa kỳ, có 72% doanh nhân bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các vấn đề sức khỏe tâm thần vì đại dịch. 

Khảo sát khác tại 23 quốc gia với 5.000 doanh nhân cho thấy: 61% doanh nhân luôn cảm thấy sự tồn tại của doanh nghiệp đang bị đe dọa; 57% lo lắng về sức khỏe thể chất về tinh thần của bản thân và gia đình; 44% báo cáo không ngủ đủ giấc trong 3 tháng trở lại; 48,8 doanh nhân chán nản, thất vọng do bị hạn chế tiếp xúc xã hội; 15% doanh nhân trải qua cảm giác cô đơn nghiêm trọng dẫn đến các hành vi tự gây hại (như uống rượu, sử dụng chất kích thích...).