Giảm căng thẳng, tăng sức khỏe tinh thần nơi làm việc
Căng thẳng nơi làm việc là điều thường gặp, nếu không kiểm soát sẽ dẫn đến trầm cảm, lo âu. Căng thẳng tạo ra cảm xúc tiêu cực, mất tập trung, giảm năng suất làm việc, căng thẳng với đồng nghiệp.
Báo cáo của Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm tại Mỹ phát hiện, có đến 83% đàn ông và 72% phụ nữ cho biết, căng thẳng nơi làm việc ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của họ. Các vấn đề về sức khỏe tinh thần do căng thẳng nơi làm việc chiếm 28% dân số Mỹ.
Khảo sát của Tổ chức Sức khỏe Tinh thần tại Mỹ còn cho thấy căng thẳng nơi làm việc chiếm 57% ở cương vị giám đốc điều hành, ở quản lý cấp trung là 56% và với nhân viên tuyến đầu là 50%.
Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một số yếu tố phổ biến có thể góp phần gây ra các vấn đề về sức khỏe tinh thần bao gồm lịch làm việc không linh hoạt, thiếu sự hỗ trợ từ ban quản lý, nhiệm vụ hoặc mục tiêu công việc không rõ ràng, giao tiếp quản lý kém và môi trường làm việc thiếu an toàn.
Vậy làm thế nào cải thiện sức khỏe tinh thần nơi làm việc? Trước tiên là nhận biết các dấu hiệu của sự căng thẳng. Khi bắt đầu bị trầm cảm hoặc lo lắng, bạn sẽ có những thay đổi về hành vi.
Dễ nhận biết nhất là bạn mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành các công việc, gặp khó khăn khi giao tiếp với đồng nghiệp và thường xuyên cáo bệnh để nghỉ việc.
Khi trải qua những tình huống này, bạn có thể bắt đầu làm việc cật lực hơn, và cuối cùng có thể khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Để khắc phục, hãy lập ra một danh sách những việc cần làm và thường xuyên nghỉ giải lao.
Việc cảm thấy choáng ngợp trước một núi công việc có thể góp phần gây ra lo lắng và trầm cảm, vì thế lập danh sách những việc cần làm sẽ giúp bạn đi đúng hướng.
Với một khối lượng công việc khó thực hiện, bạn thường cảm thấy bất lực, lo âu và căng thẳng. Lúc này, cách tốt nhất là đặt ra những mục tiêu nhỏ và khả thi, để chia những nhiệm vụ lớn thành các mục tiêu nhỏ hơn. Tránh ôm đồm công việc.
Theo ý kiến của giám đốc Sáng kiến Cộng đồng của HealthlinkNY - Philip A.Ginter: “Cân nhắc những nhu cầu và nguồn lực sẵn có, đánh giá xem liệu điều đó có khiến bạn cảm thấy quá sức hay không?”.
Để tăng sức khỏe tinh thần nơi làm việc, có người chọn cách thêm một vài vật dụng cá nhân trong không gian làm việc. Điều này giúp họ cảm thấy tốt hơn khi gặp căng thẳng, và tập trung làm việc tích cực hơn khi nghĩ đến những điều khiến họ cảm thấy hạnh phúc.
Tránh xa những tin đồn nơi làm việc cũng là cách cải thiện sức khỏe tinh thần. Một số người dùng tin đồn để giải trí hoặc tạo quan hệ với đồng nghiệp, về lâu dài có thể làm suy giảm tinh thần và gây căng thẳng trong quan hệ với đồng nghiệp.
Tuy nhiên, giải tỏa cơn giận về các vấn đề với đồng nghiệp có thể là lành mạnh, miễn là cuộc trò chuyện được trao đổi trực tiếp, thay vì từ người thứ ba.
Nhiều người mắc chứng lo âu và trầm cảm thường bỏ qua việc chăm sóc bản thân, trong đó có uống nước. Việc giữ nước cho cơ thể nơi làm việc rất hiệu quả để bạn tập trung tốt hơn vào công việc, giảm bớt tác động của các yếu tố gây ra căng thẳng trong văn phòng.
Mỗi người đều có những nguyên nhân khác nhau gây lo âu, trầm cảm nơi làm việc. Điều quan trọng là theo dõi và nhận biết các tình huống khiến bạn cảm thấy khó chịu.
Ngoài ra, các chuyên gia sức khỏe có thể giúp bạn giải tỏa mối lo lắng đó bằng cách kê đơn thuốc phù hợp khi cần thiết.
Theo Thạch Thảo/Doanh nhân Sài gòn