Giảm biên chế nhờ… nghỉ hưu
Nhiều địa phương đề ra kế hoạch và quyết tâm tinh giản biên chế công chức, viên chức trong năm 2017 nhưng thực tế không như mong muốn vì ngành nào cũng than khó, chỉ có thể tinh giản số người… nghỉ hưu
Đến cuối năm 2016, biên chế công chức của tỉnh Phú Yên là 1.845, biên chế viên chức 16.679. Kế hoạch của tỉnh này trong năm 2017 là giảm 42 biên chế công chức và 438 biên chế sự nghiệp.
Tốt hết, làm sao tinh giản!
Theo kế hoạch tinh giản biên chế do Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ký ban hành thì giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) là ngành có số chỉ tiêu biên chế cần tinh giản nhiều nhất. Chỉ riêng khối thuộc Sở GD-ĐT cần giảm 60 biên chế viên chức và 1 biên chế công chức. Đấy là chưa kể các bậc học mầm non, tiểu học và THCS thuộc khối huyện, thị. Tuy nhiên, việc tinh giản đã gặp phải phản ứng gay gắt của đại diện ngành có gần 15.000 biên chế này.
Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, cho rằng đối với ngành giáo dục, trung ương cũng có những quy định riêng, dạy theo định mức của Bộ GD-ĐT. Nếu tinh giản biên chế đều hết như các ngành khác là hết sức khó khăn. Cứ tinh giản thế này thì đến một lúc nào đó, giáo viên không còn đủ để giảng dạy, để nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo ông Cường, việc tinh giản biên chế phải tuân theo quy chuẩn nào đó, như không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm trở lên hay không đủ chuẩn giáo viên đứng lớp. "Trong khi đó, ngành này ai cũng hoàn thành nhiệm vụ hết. Ai cũng lao động tốt hết. Ai cũng đạt chuẩn và trên chuẩn hết rồi. Vậy thì lấy ai để tinh giản?... Chuyện này khó ghê gớm chứ không phải giỡn. Nói ra rất dễ nhưng khi thực hiện là hoàn toàn không đơn giản" - ông Cường bộc bạch.
Đó cũng là lý do mà theo ông Cường, việc tinh giản biên chế trong 2 năm qua của ngành GD-ĐT Phú Yên chủ yếu rơi vào số cán bộ, giáo viên… nghỉ hưu. "Nếu không nghỉ hưu thì chẳng biết tinh giản ai" - ông Cường thừa nhận.
Tại tỉnh Khánh Hòa, 174 biên chế viên chức đã tinh giản từ năm 2015 đến nay chủ yếu rơi vào ngành GD-ĐT nhưng phần lớn cũng chỉ thực hiện nhờ giáo viên nghỉ hưu. Ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, nhìn nhận với khoảng 17.000 giáo viên hiện nay của tỉnh là vẫn còn thiếu nên nếu tiếp tục giảm biên chế thì may ra chỉ thực hiện ở các bộ phận hành chính.
"Hiện nay, số học sinh các cấp tăng, điểm trường tăng, lớp đều tăng nên các trường đều thiếu giáo viên. Do không được thêm biên chế nên các thầy cô thường phải dạy tăng tiết. Việc này không chỉ gây áp lực đến giáo viên mà còn tạo thêm gánh nặng về kinh phí của các trường vì phải dùng kinh phí chi thường xuyên để chi cho tăng tiết. Hệ lụy là nhiều nhà trường không có kinh phí để tổ chức các hoạt động khác"- ông Tứ nêu thực trạng.
"Lấy ai chăm sóc bệnh nhân?"
Y tế là ngành thứ hai có nhiều chỉ tiêu biên chế sẽ tinh giản theo kế hoạch. Tuy nhiên, có một thực tế ở các tỉnh vùng nông thôn, miền núi, đây lại là ngành đang thiếu nhiều y - bác sĩ.
Ông Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Phú Yên, cho biết theo quy định thì có 1,4 biên chế/giường bệnh. BV này hiện có 600 giường bệnh nhưng cũng chỉ có chừng ấy biên chế. "Chúng tôi đang còn thiếu khoảng 200 biên chế, nếu cắt giảm nữa thì lấy ai chăm sóc bệnh nhân?" - ông Vinh lo ngại.
Theo ông Vinh, những năm trước đây, số y - bác sĩ ở BV Đa khoa tỉnh Phú Yên chuyển công tác vào TP HCM nhiều nên BV thiếu y - bác sĩ trầm trọng. HĐND tỉnh Phú Yên đã phải ra nghị quyết mời gọi y - bác sĩ trở về. Bây giờ nếu tinh giản nữa sẽ gặp khó khăn.
Bác sĩ Nguyễn Thành Lãm, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm BV Đa khoa tỉnh Phú Yên, cho hay do thiếu bác sĩ, đội ngũ thầy thuốc của BV phải trực choàng nhau, trực tăng cường, cứ 2 hoặc 3 ngày trực đêm 1 lần. "Nhiều khi trực xong, hôm sau cũng không được nghỉ. Trong lúc thiếu người mà giảm nữa thì chắc chắn việc khám chữa bệnh sẽ bị xáo trộn" - bác sĩ Lãm băn khoăn.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuyền, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội thuộc HĐND tỉnh Phú Yên, cũng bày tỏ lo lắng về tinh giản biên chế ngành y bởi từ nhiều năm qua, tỉnh thiếu hụt đội ngũ thầy thuốc. Theo bà Thuyền, cần tính toán kỹ, hợp lý để việc tinh giản biên chế không ảnh hưởng chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế tỉnh Phú Yên, tỉnh đang thiếu trên 500 biên chế cho ngành y. Trong khi đó, theo kế hoạch, năm nay phải tinh giản 55 biên chế. "Rất khó để giảm số biên chế này. Thực tế sẽ rất khó khăn nếu cắt giảm biên chế ở khối sự nghiệp. Ngành chỉ có thể cắt giảm ở một số vị trí hành chính như văn phòng, chi cục dân số, chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm mà thôi" - ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, nhấn mạnh.
Không thể tinh giản theo số học
Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa cho biết toàn tỉnh hiện có 2.108 biên chế khối hành chính và 25.945 biên chế khối sự nghiệp. Thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã đã tinh giản 71 biên chế hành chính và 174 biên chế sự nghiệp. Để đạt mục tiêu giảm 10% đến năm 2021, khối hành chính phải giảm thêm trên 100 trường hợp và khối sự nghiệp 2.400 trường hợp.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa, khẳng định sở này cùng các sở - ngành đã tính toán, rà soát theo độ tuổi, năm công tác, chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận để xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng đơn vị theo hướng nghỉ 2 tuyển 1. Tính toán là vậy nhưng khi áp dụng thực tế thì gặp nhiều khó khăn.
Vừa qua, Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa cũng kiểm tra nhân sự 3 huyện, thành phố trong tỉnh, thấy rằng các phòng chức năng còn thiếu chuyên viên, nhiều vị trí trưởng, phó phòng cũng đang thiếu, nhiều người phải kiêm nhiệm... "Dựa vào thực tế không thể cắt giảm biên chế theo kiểu số học được mà phải tinh giản theo nhiều cách khác, phải tính đến chuyển đổi cơ chế quản lý, tài chính…" - ông Thái đề xuất.
Theo ông Thái, để đạt được mục tiêu tinh giản biên chế, tỉnh Khánh Hòa đang đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ vào giải quyết các thủ tục hành chính; rà soát các sở, ngành, đơn vị nào không làm được việc, làm việc không hiệu quả để mạnh dạn cắt bỏ.
"Phải phân biệt rạch ròi cái nào quản lý, cái nào sự nghiệp, cái nào là dịch vụ, cái nào kinh doanh. Chúng tôi đang hướng đến việc xã hội hóa, nhà nước đặt hàng các dịch vụ công, đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong khối công lập để giảm bớt ngân sách, giảm đầu tư công" - ông Thái đúc kết.
Ông TRẦN VĂN HẠT, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phú Yên:
Sao lại hạn chế thi tuyển công chức?
Trong khi tỉnh Phú Yên lên kế hoạch tinh giản biên chế năm 2017 thì năm 2016 vẫn còn 263 chỉ tiêu biên chế công chức và hơn 2.200 biên chế viên chức chưa sử dụng. Trên thực tế, vị trí công việc của số biên chế này đã có lao động nhưng vì họ chưa được thi tuyển nên chưa thể vào biên chế. Việc không thi tuyển công chức khiến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi họ phải làm việc của công chức, viên chức nhưng không được hưởng các quyền lợi như công chức, viên chức.
Không hiểu vì sao từ trước đến giờ, chúng ta chỉ tổ chức được một lần thi tuyển công chức vào năm 2013. Thi tuyển viên chức cũng nhiều khó khăn. Vì sao chúng ta không tổ chức thi tuyển hằng năm? Pháp luật đâu có quy định phải 3-4 năm mới tổ chức thi tuyển một lần? Tổ chức thi tuyển công chức, viên chức là để chọn người giỏi, cũng là cơ sở để đánh giá công chức, viên chức, có cơ sở để thuận lợi hơn trong việc thực hiện tinh giản biên chế. Do đó, cần phải duy trì thường xuyên công tác quan trọng này.
Ông ĐẶNG LÊ TIẾN, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên:
Kỳ vọng đề án vị trí việc làm
Trước khi lên kế hoạch tinh giản biên chế, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức lấy ý kiến các sở, ban, ngành. Tỉnh đang xây dựng đề án vị trí việc làm cho từng ngành, cơ quan, đơn vị. Đề án này sẽ giải quyết khó khăn trong việc tinh giản biên chế hiện nay. Sau khi đề án được phê duyệt thì vị trí nào sẽ tuyển chuyên môn ấy. Sẽ không có chuyện người học đại học tin học rồi về làm nhiệm vụ hành chính. Khi có đề án, chất lượng công chức, viên chức sẽ nâng cao.
Theo Hồng Ánh - Kỳ Nam/Báo Người lao động