Giá lúa gạo cao nhất 12 năm và bản "Nghị quyết đổi đời" nông dân
(Dân trí) - "Khi các quốc gia "đóng cửa" vì lo thiếu lúa gạo, đây là thời điểm vàng cho lúa gạo nước ta cất cánh. Chúng ta đã từng bỏ qua thời cơ ấy một lần" - giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ.
Từ kinh nghiệm năm 2008, đây là thời điểm chúng ta cần mạnh dạn xuất khẩu gạo. Cần có chuỗi cung ứng nguyên liệu lúa, trong đó có sự phối hợp giữa người nông dân, doanh nghiệp và chính quyền trong dài hạn.
Làm được việc đó, nông dân sẽ thoát khổ, doanh nghiệp sẽ giàu, GDP sẽ tăng - Anh hùng lao động, giáo sư Võ Tòng Xuân - chuyên gia hàng đầu về ngành nông nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Dân trí, trước diễn biến nhiều nước trên thế giới tạm dừng xuất khẩu gạo.
Chúng ta đã làm nông nghiệp "thuận thiên"
-Sau thông báo ngừng xuất khẩu gạo từ một số nước, giá lúa gạo Việt Nam tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây, giáo sư đánh giá thế nào về tình hình này?
Tôi nhớ năm 2008 khi cả thế giới bị khủng hoảng lương thực, chỉ còn hai nước dư gạo, lương thực là Thái Lan và Việt Nam. Nhìn thấy đó là dịp để xuất khẩu gạo giúp cho thế giới, nhưng thời điểm đó ta cấm xuất khẩu, để Thái Lan "một mình một chợ" bán gạo với giá cao.
Hiện tại tình thế đã thay đổi, cơ quan chức năng đã thấy tiềm năng sản xuất lúa nên mạnh dạn cho xuất khẩu để hỗ trợ các quốc gia thiếu lương thực, chớp thời cơ giúp nông dân trồng lúa có thu nhập khá hơn.
Hệ thống sản xuất lúa của chúng ta rất độc đáo so với các nước khác: Chúng ta vừa nhập giống lúa của Viện lúa Quốc tế tại Philippines, đồng thời lai tạo giống mới để chọn ra những giống ngắn ngày (90-105 ngày) năng suất cao, chất lượng gạo ngon đáp ứng nhu cầu của từng nhóm khách hàng.
Chất lượng hạt gạo của Việt Nam ngày càng tăng, đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2019, gạo của nước ta, điển hình là giống ST25, được công nhận là gạo ngon nhất thế giới.
Đặc biệt, khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu - tôi gọi đấy là "Nghị quyết đổi đời" của bà con nông dân - chúng ta đã làm nông nghiệp theo kiểu thuận thiên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ấn định canh tác lúa ở vùng có điều kiện tối hảo để thích nghi với biến đổi khí hậu.
Đầu tiên, vùng lúa an ninh lương thực của cả nước được bố trí dọc theo biên giới Campuchia, trải dài từ bắc Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An tổng cộng khoảng 1,5 triệu ha. Vùng này có thể trồng 2-3 vụ lúa/năm, luôn có nước ngọt từ sông Cửu Long cung cấp cho hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh cả vùng, nước mặn không bao giờ lên tới.
Tiếp đến, vùng nhiễm mặn ven bờ biển đông và biển tây trước đây được chỉ đạo sản xuất một vụ lúa mùa mưa, cộng thêm một vụ lúa mùa nắng. Cùng với đó phải ngăn mặn và đào kênh đưa nước ngọt ít ỏi từ vùng ngọt về rất tốn kinh phí, vừa tiêu tốn nước ngọt của vùng lúa an ninh lương thực.
Nay với Nghị quyết 120, vùng này được chuyển sang sản xuất lúa - tôm: Nông dân tập trung trồng lúa chất lượng cao trong mùa mưa và có thể nuôi tôm càng xanh chung trong ruộng lúa. Đến cuối mùa mưa, sau khi gặt lúa, thu tôm càng, nông dân sẽ cho nước mặn vào ruộng để nuôi tôm sú, cua, cá. Thu nhập cũng từ đó khởi sắc.
Bên cạnh đó, vùng giữa của đồng bằng, nông dân thường trồng 2 - 3 vụ lúa hoặc cây ăn trái, nay được khuyến khích chuyển đất lúa lên liếp trồng các loại cây ăn trái giữ nước ngọt trong các mương giữa liếp, để dùng trong mùa nắng. Tiến tới những vùng cây ăn trái rộng lớn, nông dân phát triển kinh tế.
-Giáo sư có thể lý giải về "thời điểm vàng" này và làm sao để các địa phương, doanh nghiệp, nông dân tận dụng được thời cơ ấy?
So với các nước trong khu vực, vùng Đồng bằng sông Cửu Long ít chịu ảnh hưởng thời tiết cực đoan. Dù xâm nhập mặn thường xảy ra nhưng diễn biến thời tiết này không tác động lên diện rộng như hạn hán hay bão lũ. Chất lượng gạo Việt Nam đang không ngừng cải tiến. Giờ đây, các doanh nghiệp cần tập trung vào những khách hàng mua gạo chất lượng cao, không chạy đua sản lượng, sản xuất hàng theo số lượng.
Làm ăn kinh tế muốn đi xa hơn phải trọng chữ tín
-Chúng ta cần phải làm gì để tranh thủ thời cơ hiệu quả, thưa giáo sư?
Từ kinh nghiệm năm 2008, chúng ta cần làm tốt hơn, mạnh dạn xuất khẩu gạo. Cần có chuỗi cung ứng nguyên liệu lúa. Trong đó có sự phối hợp giữa người nông dân, doanh nghiệp và chính quyền về dài hạn. Làm được việc đó, nông dân sẽ thu lợi cao, doanh nghiệp sẽ giàu, GDP quốc gia sẽ tăng.
Đầu tiên, doanh nghiệp đóng vai trò là đơn vị tiêu thụ nguyên liệu nông sản cho nông dân nên doanh nghiệp cần ổn định thị trường. Đừng chỉ đi thu gom rồi bán giá cao mà cần phải xây dựng vùng nguyên liệu hợp tác với nông dân. Đây là thời cơ để chúng ta đa dạng hóa khách hàng, cũng là dịp để chúng ta lọc ra những khách hàng tốt nhất để ký kết lâu dài với họ.
Trong trường hợp biến đổi khí hậu ở tương lai, ta cần chỉ rõ thế mạnh của mình về sản xuất lúa gạo. Từ đó, doanh nghiệp mạnh dạn ký kết hợp đồng bán gạo dài hạn cho nông dân.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp có đầu ra này, khoanh vùng sản xuất lúa nguyên liệu, tổ chức nông dân trong vùng nguyên liệu, thành lập hợp tác xã tạo nên chuỗi cung ứng nguyên liệu lúa sạch, đạt chất lượng cao theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Đối với bà con nông dân, chúng ta nên lấy cơ hội này làm thời điểm mà mỗi người cần đổi mới, chuyển "làm ăn" sang "làm giàu" bằng cách tham gia các hợp tác xã nông nghiệp cung ứng nguyên liệu lúa cho doanh nghiệp. Cần hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng lại đồng ruộng cho khoa học, nâng cao tính chuyên nghiệp trong sản xuất lúa theo quy trình GAP an toàn vệ sinh, bón phân lót trước khi sạ cấy để giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Dần dà, người "nông dân đổi mới" tiến tới không phát thải để tích lũy tín chỉ carbon, bằng cách giảm lượng phân hóa học - tăng lượng phân hữu cơ vi sinh. Không nên làm theo kiểu cũ mà phải có tổ chức, có doanh nghiệp liên kết. Phát huy được lợi thế vựa lúa số một cả nước, nông dân đổi mới của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở mình và đóng góp rất lớn vào việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tiên phong góp phần trong nỗ lực thế giới giảm phát thải khí nhà kính.
-Ở thời điểm giá lúa gạo tăng cao, bên cạnh tranh thủ "thời điểm vàng", giáo sư có lời khuyên?
Tới đây, mỗi ngành sản xuất của chúng ta đều không làm theo tự phát nữa mà phải theo chuỗi giá trị căn cứ trên hợp đồng. Chúng ta đã có luật hợp đồng, các bên ký kết cần tôn trọng các hành lang pháp lý của luật pháp Việt Nam.
Chuỗi giá trị sản xuất gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ được bên cung cấp (hợp tác xã nông nghiệp) và bên tiêu thụ (doanh nghiệp phân phối gạo) ký kết. Mỗi bên cần tôn trọng chữ tín. Mặt khác, doanh nghiệp cần biết chia sẻ lợi nhuận với nông dân để cùng có lợi cho đôi bên.
Tôi đã gợi ý doanh nghiệp và người nông dân cần suy nghĩ đến những hợp đồng dài hạn, xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu lúa bền vững và đặt chữ tín lên trên hết. Làm ăn kinh tế muốn đi xa hơn, ta phải trọng chữ tín. Nếu không, ta mãi mãi không trở mình được.
-Xin cảm ơn giáo sư!
GS.TS Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 tại An Giang. Ông được biết đến là chuyên gia hàng đầu, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu về nông nghiệp của Việt Nam. Ông là chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam hỗ trợ vấn đề an ninh lương thực cho các nước trong khu vực và một số nước châu Phi.
Ông được phong Giáo sư Nông học (1980), Anh hùng Lao động (1985) và là đại biểu Quốc hội 3 khóa liền (VII, VIII, IX).
Hiện nay giáo sư Võ Tòng Xuân là Hiệu trưởng danh dự của Trường đại học Nam Cần Thơ.