DMagazine

Làm thế nào để nông dân cường quốc lúa gạo giàu lên?

(Dân trí) - Chưa có nông dân nào trên thế giới trồng lúa hay quốc gia nào trên thế giới sản xuất gạo trở nên giàu có. Bài toán để nông dân giàu có đúng nghĩa sẽ rất xa nếu duy trì quy mô lúa gạo như hiện nay.

Làm thế nào để nông dân cường quốc lúa gạo giàu lên?

(Dân trí) - Mặc dù giai đoạn phát triển "thần kỳ" của nông nghiệp Việt Nam là thập niên đầu của thế kỷ 21 với nhiều thay đổi về công nghệ, kỹ thuật canh tác, nhưng với trách nhiệm bảo đảm lương thực cho quốc gia và quốc tế, ĐBSCL đã khai thác tới hạn nguồn lực sản xuất, dẫn đến giá trị thu được từ sản xuất nông nghiệp giảm dần so với các ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ - ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo điện tử Dân trí.

Cây lúa Việt Nam phải sống chung với biến đổi khí hậu (nước lũ, hạn, mặn xâm nhập), vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa làm nhiệm vụ chính trị để bảo đảm an ninh lương thực cho toàn xã hội, vừa làm nhiệm vụ kinh tế... Bài toán này trong giai đoạn hiện nay cần phải "giải" như thế nào để người nông dân sống được?

***

- Người trồng lúa hy sinh quá nhiều cho nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu, song thành quả nhận lại chưa tương xứng. Việc này có phải do một giai đoạn chúng ta chạy đua theo sản lượng bằng việc sử dụng quá nhiều hóa chất, chất lượng thấp? 

- Lúa gạo là một ngành kinh tế quan trọng, do dựa trên lợi thế về thổ nhưỡng phì nhiêu và điều kiện sản xuất thuận lợi của đồng bằng. Trong giai đoạn đầu thống nhất đất nước, cứu đói, giảm nghèo là ưu tiên số 1, vì thế lương thực đặc biệt là lúa gạo đã được ưu tiên như một ngành kinh tế mũi nhọn.

Làm thế nào để nông dân cường quốc lúa gạo giàu lên? - 1

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (Ảnh: VCCI Cần Thơ).

Thập niên 90, Việt Nam đã thành công trong công cuộc xóa đói và vươn lên xuất khẩu lúa gạo, là nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia. Dần già, với lợi thế đó, lúa gạo đã thành một chủ trương và tư duy "an ninh lương thực" trở thành nhiệm vụ, cũng như danh hiệu "cường quốc lúa gạo" đã được đặt cho ĐBSCL.

Chính vì tư duy và nhiệm vụ đó, các cánh đồng ở ĐBSCL chậm chuyển đổi, chỉ tiêu sản xuất lúa gạo không ngừng tăng lên, làm cho các nông hộ sản xuất từ 1 vụ lên 3 hoặc 4 vụ/năm. Trong khi tư liệu sản xuất thì chậm chuyển đổi, chất lượng đất bạc màu, nguồn nước ô nhiễm… buộc người nông dân phải sử dụng phân bón nhiều hơn.

Thành tích xuất khẩu 6 triệu tấn gạo/năm không thể có lựa chọn nào khác hơn là tập trung số lượng thay cho chất lượng, tức lựa chọn chiến lược "giá bình dân" cho hạt gạo Việt Nam, chủ yếu thông qua các hợp đồng an ninh lương thực cho các quốc gia khó khăn về thiên tai và điều kiện sản xuất. 

Mặc dù giai đoạn phát triển "thần kỳ" của nông nghiệp Việt Nam là thập niên đầu của thế kỷ 21 với nhiều thay đổi về công nghệ, kỹ thuật canh tác, nhưng với trách nhiệm bảo đảm lương thực cho quốc gia và quốc tế, ĐBSCL đã khai thác tới hạn nguồn lực sản xuất, dẫn đến giá trị thu được từ sản xuất nông nghiệp đã giảm dần so với các ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ.

Báo cáo kinh tế Thường niên ĐBSCL 2020 cho thấy, nếu như năm 1990 GDP của TPHCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì 20 năm sau tỷ lệ này hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến hôm nay, GDP của ĐBSCL chỉ bằng 2/3 của TPHCM. Rõ ràng cách duy trì sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn nhưng chất lượng thấp, không thể đưa ĐBSCL giàu hơn được và hệ quả người nông dân trồng lúa không thể giàu có.

Làm thế nào để nông dân cường quốc lúa gạo giàu lên? - 2

Theo số liệu năm 2020, diện tích trồng lúa nước ở ĐBSCL là 1.581 nghìn ha.

Cây lúa Việt Nam phải sống chung với biến đổi khí hậu (nước lũ, hạn, mặn xâm nhập) vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa làm nhiệm vụ chính trị để bảo đảm an ninh lương thực cho toàn xã hội, vừa làm nhiệm vụ kinh tế... Bài toán này trong giai đoạn hiện nay cần phải "giải" như thế nào để người nông dân sống được.

- Để giải bài toán này, chúng ta phải xác định rõ mục tiêu cho việc sản xuất lúa. Vậy mục tiêu của chúng ta là gì? Làm cho nông dân giàu lên hay tiếp tục duy trì cường quốc xuất khẩu gạo? 

- Ở góc độ nào đó, các mục tiêu trên đều có giá trị và ý nghĩa rất lớn. Và nếu lựa chọn mục tiêu, sẽ có giải pháp phù hợp. Chúng ta cần có các quan điểm như sau: 

Thứ nhất, nếu xác định mục tiêu làm giàu cho nông dân, thì hãy để thị trường quyết định, tức người nông dân sẽ chuyển đổi cây trồng cho phù hợp. Không nên quá cứng nhắc trong quy hoạch, diện tích vùng trồng, hãy để người dân lựa chọn quy mô canh tác và cây trồng phù hợp.

Nhà nước chỉ nên quy hoạch vùng trồng, có bao tiêu và kể cả trợ cấp để thu hoạch đủ số lượng dự trữ cho an ninh lương thực quốc gia. Người nông dân giàu, tăng thu nhập không chỉ đo được trên thu nhập tăng lên hàng năm, mà phải tính giá trị thực sự thu được. Thực tế cho thấy, gần 10 năm qua, giá trị thu được trên mỗi tấn lúa không tăng, do chi phí đầu tư phân bón, lao động, thuốc trừ sâu… đều tăng đáng kể. Đây là điều những nhà quản lý cần nhìn thu nhập thực tế của người nông dân chứ không phải thu nhập tăng lên qua các năm.

Làm thế nào để nông dân cường quốc lúa gạo giàu lên? - 3

Theo chuyên gia, gần 10 năm qua, giá trị thu được trên mỗi tấn lúa không tăng, do chi phí đầu tư phân bón, lao động, thuốc trừ sâu… đều tăng đáng kể (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Thứ hai, nếu lựa chọn mục tiêu là cường quốc xuất khẩu gạo, thì cần phải có một chiến lược cụ thể. Làm cường quốc mà những người tham gia không giàu có thì không còn ý nghĩa. Nên lựa chọn rõ ràng hơn giá trị thu được từ xuất khẩu, tức kim ngạch thu được từ xuất khẩu gạo thay cho sản lượng xuất khẩu như hiện nay. Chúng ta thấy Thái Lan đã đi trước chúng ta về lựa chọn phân khúc cao cấp, nên xét về giá trị thu được, họ luôn là cường quốc. Rất may, Việt Nam đang có một lợi thế lớn hơn Thái Lan khi là quốc gia thứ hai (sau Singapore) có các hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) và khu vực tự do Châu Á Thái Bình Dương (CPTPP), nên các doanh nghiệp gạo của chúng ta đã nhanh chóng chuyển đổi để gia tăng giá trị.

Nếu tiếp tục duy trì mục tiêu an ninh lương thực, chúng ta cần tính toán lại mức độ an ninh cần thiết, tức là nhu cầu an ninh nội địa là then chốt, dự phòng sản lượng nhất định xuất khẩu dành cho các quốc gia thiếu hụt lương thực. Bù lại, Chính phủ cần có chương trình "trợ cấp" cho các hộ sản xuất lúa gạo phục vụ cho nhiệm vụ này. Mức trợ cấp phải đủ bù đắp để nông dân an toàn trong sản xuất. 

Một thực tế minh chứng rằng, chưa có nông dân nào trên thế giới trồng lúa hay quốc gia nào trên thế giới sản xuất gạo trở nên giàu có. Vì vậy, bài toán để nông dân giàu có đúng nghĩa sẽ rất xa nếu như duy trì quy mô lúa gạo như hiện nay.

Làm thế nào để nông dân cường quốc lúa gạo giàu lên? - 4

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được trồng tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang và một phần Kiên Giang, Cần Thơ. (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

- Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được trồng tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang và một phần Kiên Giang, Cần Thơ... cho thấy quyết tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Để đề án này sớm thành hiện thực, các địa phương ĐBSCL cần phải chuẩn bị những gì, và tự thay đổi mình như thế nào? 

- Đây là một đề án khá táo bạo nhưng nếu quyết tâm chúng ta vẫn có thể thực hiện được. 

Táo bạo là bởi hiện nay diện tích trồng lúa nước ở ĐBSCL là 1.581 nghìn ha (theo số liệu năm 2020); quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 là 1.526 ha, tức giảm về diện tích. Song diện tích lúa cao sản mong muốn đạt 1 triệu ha - tức chiếm đến hơn 65% diện tích trồng lúa, là một thách thức lớn cho quá trình chuyển đổi. Tuy vậy, tính khả thi vẫn cao khi mà nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước và thế giới đang thay đổi, nhất là Việt Nam đang có lợi thế trong các thị trường xuất khẩu cao cấp.

Đề án này rõ ràng là để nâng cao giá trị hạt gạo, nên chất lượng phải được nâng cao, hệ thống canh tác phải hoàn thiện, trong đó giống lúa, chất lượng đất, nước, các hợp chất phân bón phải được đảm bảo… Để làm được điều này các địa phương cần đâu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học, xây dựng các chính sách hỗ trợ các hộ trồng và hợp tác xã.

Làm thế nào để nông dân cường quốc lúa gạo giàu lên? - 5

Chuyên gia đánh giá đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao khá táo bạo, nếu quyết tâm sẽ thể thực hiện được. 

Hơn nữa, phải nhận thức rằng để đạt được mục tiêu trên, chức năng quản lý vùng trồng, giám sát chất lượng đầu vào, vật tư sản xuất phải đảm bảo chất lượng. Báo cáo kinh tế Thường niên ĐBSCL 2020 cho thấy, chuỗi giá trị ngành gạo đang gặp nhiều điểm yếu. Đầu tiên là vai trò của Hiệp hội lương thực, cùng với đó là hạ tầng giao thông, logisitic, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế. Hơn nữa, tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp là một hạn chế trong ngành. Vì vậy, nhiệm vụ hoạch định giao thông, xây dựng hệ thống giao thông kết nối, hình thành các trung tâm dự trữ, logistic tập trung cho từng khu vực sao cho hiệu quả là điều các địa phương cần phải chuẩn bị.    

 - Hiện gạo Ấn Độ có giá rất rẻ, gạo Thái Lan rất chất lượng, vậy gạo Việt định vị ra sao, hướng đến thị trường nào? Cần thay đổi gì để cạnh tranh? 

- Trên thị trường thế giới, gạo Việt Nam đã đa dạng về chất lượng, các doanh nghiệp đã phân chia theo từng phân khúc. Các doanh nghiệp của ta rất năng động và linh hoạt, tiếp cận rất nhanh nhu cầu thị trường, bằng chứng là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao với giá rất cao. Hơn nữa, qua các năm, nhiều chủng loại gạo Việt Nam luôn được đánh giá là gạo ngon, đạt giải thưởng thế giới như ST24, ST25… Tuy nhiên, để ổn định và bền vững, chúng ta cần nhiều chương trình hơn nữa cho hạt gạo Việt Nam.

Để định vị gạo Việt, chúng ta cần chương trình phân tích và dự báo nhu cầu lúa gạo thực tế tại các thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính, phân khúc cao cấp.  Như đã nói, chúng ta đang có lợi thế lớn về các FTA mà Thái Lan hay Ấn Độ không có, tuy vậy những thị trường khó tính thì lượng tiêu thụ không nhiều, trong khi Thái Lan đã đi trước tiếp cận so với Việt Nam. Vấn đề là chúng ta đang có lợi thế cạnh tranh và sẽ thay thế ở tỷ lệ như thế nào.

Làm thế nào để nông dân cường quốc lúa gạo giàu lên? - 6

Nhiều chủng loại gạo Việt Nam luôn được đánh giá là gạo ngon, đạt giải thưởng thế giới như ST24, ST25…

Tiếp đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu công nghệ, giống. Các giống lúa mới được cải tiến sẽ tạo ra hạt gạo chất lượng ngon hơn, sẽ dẫn đắt thị trường tốt hơn. Cần thay đổi tư duy gạo không chỉ để ăn mà để thưởng thức, tức gạo sẽ dần dà không là món phụ (ăn nhiều) trong các bữa ăn ở nhà hàng mà nó phải là món chính (ăn ít) để thực khách được thưởng lãm.

Nếu xem gạo là chủ lực của nông nghiệp và tạo giá trị cao thì cần chương trình quảng bá ở cấp quốc gia đúng nghĩa. Người nông dân sẽ hành diện khi tham gia sản xuất lúa gạo, quy trình được tổ chức chặt chẽ và xây dựng hình ảnh ở tầm quốc tế. Cùng với đó, chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chế tài kịp thời về tác quyền sẽ giúp tình trạng "gạo giả" không tồn tại, khi đó hạt gạo Việt sẽ được ổn định và phát triển như những sản phẩm giá trị cao khác. 

-Xin cảm ơn ông.

Làm thế nào để nông dân cường quốc lúa gạo giàu lên? - 7

Thực hiện: Phạm Tâm

Ảnh: Bảo Kỳ, Hữu Khoa

Mời quý độc giả đọc tuyến bài:

Bài 1: Những cánh đồng không dấu chân người ở miền Tây

Bài 2: Bán gạo thời không lo ép giá, nông dân được mời trồng lúa bán cho Mỹ, châu Âu