"Vàng xanh" trên vùng đất đỏ mang lại lợi ích kép

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Trên vùng đất đỏ miền Tây xứ Nghệ, cây đàn hương bén rễ, vươn xanh và mở ra hướng đi mới cho nhiều nông hộ. Loài cây quý này đang mang lại giá trị kép cả kinh tế lẫn sinh thái.

Gia đình anh Lê Sơn tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An đã chuyển đổi thành công từ trồng mía và hoa màu sang cây đàn hương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2019, sau khi nghiên cứu các mô hình trồng cây tại các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Bình Định, anh Sơn quyết định chuyển đổi 2ha đất sang trồng cây đàn hương. Chỉ sau một năm, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh và công chăm sóc nhẹ.

Theo anh Sơn, đàn hương là loài cây gỗ bán ký sinh, sinh trưởng tốt khi trồng xen với các loại cây ký chủ. Từ năm thứ 3, cây đã cho thu lá, từ năm thứ 4 đến năm thứ 10 thu quả và sau 12 năm có thể thu hoạch gỗ.

Vàng xanh trên vùng đất đỏ mang lại lợi ích kép - 1

Bà Nguyễn Thị Biên, xóm Hồng Bình, xã Nghĩa Hồng chăm sóc vườn cây của gia đình (Ảnh: Nguyễn Phê).

Giá trị kinh tế của đàn hương rất cao, lá tươi có giá 100.000-120.000 đồng/kg, quả 150.000-200.000 đồng/kg và lõi gỗ có thể lên đến 20-25 triệu đồng/kg. Hiện nay, anh Sơn đã mở rộng diện tích trồng lên hơn 6ha.

"Khi trồng đàn hương phải đảm bảo giống chuẩn, có nguồn gốc rõ ràng. Cần trồng xen với các loại cây ngắn, trung và dài hạn để làm cây ký chủ, đây cũng là cách lấy ngắn nuôi dài hiệu quả", anh Sơn chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Biên, ở xóm Hồng Bình, xã Nghĩa Hồng, đã lựa chọn mô hình trồng xen đàn hương với ổi Đài Loan trên diện tích gần 1,5ha. Hiện bà trồng hơn 300 cây đàn hương xen với 600 gốc ổi.

Vàng xanh trên vùng đất đỏ mang lại lợi ích kép - 2
Các cây trồng đều được cấp mã QR để truy xuất nguồn gốc (Ảnh: Nguyễn Phê).

Bà Biên cho biết, bóng râm của cây đàn hương không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây ổi mà còn hạn chế nám lá. Cây ổi cho thu hoạch nhanh, giá bán cao, giúp cân đối chi phí trong thời gian chờ đàn hương cho thu hoạch gỗ.

"Hiệu quả từ mô hình này cao gấp 2-3 lần so với trồng cam, quýt. Lại tiết kiệm được công chăm sóc, phân bón vì hai cây dùng chung quy trình. Tôi thấy rất phù hợp với điều kiện canh tác của gia đình", bà Biên chia sẻ.

Cây đàn hương có nguồn gốc từ Ấn Độ, được đánh giá là cây đa dụng từ lá, thân, rễ, quả đều có giá trị sử dụng trong công nghiệp, mỹ phẩm, y học.

Vàng xanh trên vùng đất đỏ mang lại lợi ích kép - 3

Quả và hạt cây đàn hương có hàm lượng dầu lớn (Ảnh: Nguyễn Phê).

Lõi gỗ dùng để sản xuất hàng nội thất cao cấp, mỹ phẩm dưỡng da; rễ và cành được nghiền lấy tinh dầu hoặc bột dưỡng da; lá chế biến trà hoặc nước uống cao cấp. Nhờ đặc tính ít sâu bệnh, bám rễ sâu, chịu hạn, chống bão tốt nên cây phù hợp trồng ở nhiều loại đất như đất cát, đất đỏ, đất đá ong pha sét…

Hiện tại, nhiều hộ dân trồng đàn hương tại Nghĩa Đàn đã tham gia Hợp tác xã Đàn hương Nghệ An.

Ông Nguyễn Hải Hưng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nghĩa Đàn chia sẻ: "Ban đầu chỉ có 10 thành viên, đến nay Hợp tác xã đã có hơn 30 thành viên. Toàn huyện Nghĩa Đàn hiện có khoảng 50ha đàn hương, toàn tỉnh là 200ha, nhiều diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch quả và lá. Chúng tôi thực hiện cấp mã QR cho các vườn trồng để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đầu ra lâu dài".

Dù bước đầu thành công, các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dân cần trồng theo quy hoạch, không ồ ạt theo phong trào để tránh rơi vào "vết xe đổ" trồng, chặt như một số loại cây khác.

Việc liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, hướng đến sản xuất theo chuỗi là điều kiện quan trọng để cây đàn hương thực sự trở thành cây trồng chiến lược, mang lại sinh kế bền vững cho người dân miền tây xứ Nghệ.

Cây đàn hương là loại gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế rất cao. Ngoài lõi gỗ, thì lá, quả, rễ của cây cũng đều được tận dụng, mang lại nguồn thu đa dạng cho người trồng.

Loài cây này được ví như "vàng xanh" bởi vừa mang màu xanh sinh thái, vừa có giá trị "như vàng" khi giúp người dân vươn lên làm giàu, đặc biệt tại các vùng đất đỏ miền Tây Nghệ An.