ĐBSCL lập Tổ công tác phản ứng nhanh tiêu thụ lúa gạo cho nông dân

Minh Anh

(Dân trí) - Các tỉnh vựa lúa ở ĐBSCL vừa ngồi lại với nhau, bàn giải pháp tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Ảnh hưởng dịch Covid-19 làm "ách tắc" khâu thu mua, dẫn đến giá lúa giảm, người dân khó bán lúa.

UBND tỉnh An Giang vừa phối hợp UBND các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) tổ chức cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp kết nối tiêu thụ lúa, nếp giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 4 tỉnh, thành phố gồm An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ, hiện nay toàn vùng còn khoảng 3 triệu tấn lúa hè thu và thu đông sớm chưa thu hoạch, tập trung chủ yếu ở Kiên Giang, Đồng Tháp và An Giang (TP Cần Thơ đã thu hoạch xong lúa hè thu).

ĐBSCL lập Tổ công tác phản ứng nhanh tiêu thụ lúa gạo cho nông dân - 1

Ngày 9/8, UBND tỉnh An Giang phối hợp với các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ cùng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo họp bàn giải pháp tiêu thụ lúa, gạo cho nông dân ĐBSCL.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên các tỉnh gặp khó khăn trong khâu thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ, dẫn đến giá lúa tươi bán tại ruộng của bà con nông dân thấp.

Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, đến nay, An Giang đã thu hoạch được 145.429/228.479 ha lúa hè thu năm nay, đạt 63,65% diện tích xuống giống, ước năng suất 5,8 tấn/ha. Dự kiến đến hết tháng 8, thu hoạch cơ bản dứt điểm vụ hè thu với diện tích còn lại 83.050 ha (ước sản lượng khoảng 481.690 tấn, trong đó có 66.821 tấn nếp).

Hiện nay, giá thu mua lúa đang có xu hướng tăng nhẹ, nhưng vẫn ở mức thấp. Trên địa bàn toàn tỉnh An Giang hiện có 12 doanh nghiệp, công ty thực hiện thu mua lúa với diện tích là 15.654 ha.

ĐBSCL lập Tổ công tác phản ứng nhanh tiêu thụ lúa gạo cho nông dân - 2

Hiện giá lúa khu vực ĐBSCL vẫn ở mức thấp, một phần vì chuỗi cung ứng logistics lúa gạo đang bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh gặp nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch và tiêu thụ lúa gạo.

Mặt khác, giá lúa đang thấp, nhưng giá phân bón, vật tư nông nghiệp lại tăng cao, do đó cần có kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương… xem xét giảm giá bán phân bón, vật tư nông nghiệp để chia sẻ với người nông dân.

Về góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho biết, hiện nay chuỗi cung ứng logistics lúa gạo đang bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; lúa bị ách tắc từ đồng ruộng cho đến nhà máy, cảng xuất khẩu.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinafood 1 khẳng định, doanh nghiệp sẵn sàng thu mua lúa cho nông dân. Vinafood 1 đang có đơn hàng 100.000 tấn gạo cần phải mua ngay để giao cho phía đối tác, nhưng "lực bất tòng tâm" vì chuỗi cung ứng logistics bị đứt gãy. Chưa kể các nhà máy ở An Giang và Đồng Tháp phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh.

ĐBSCL lập Tổ công tác phản ứng nhanh tiêu thụ lúa gạo cho nông dân - 3

Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ cũng thống nhất sẽ thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh giúp nông dân tiêu thụ lúa, gạo.

 "Các địa phương nếu không sớm đưa 2 cảng Mỹ Thới và Thốt Nốt trở lại hoạt động bình thường, để giảm áp lực cho cảng Cát Lái (TPHCM) thì bài toán đầu ra cho lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chưa có hồi kết"- Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực miền Bắc nhấn mạnh.

Theo đó, lãnh đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP Cần Thơ thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thu hoạch, vận chuyển lúa gạo, hàng nông sản trên địa bàn với điều kiện con người phải được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp PCR mẫu gộp) còn hiệu lực. Các doanh nghiệp cập nhật danh sách lực lượng nhân công ở các nhà máy gửi các địa phương để được cấp phép đi lại.

Đồng thời sẽ ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho đội ngũ tham gia chuỗi logistics lúa gạo (thương lái, tài công, công nhân bốc xếp, kho, nhà máy…).

Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ cũng thống nhất sẽ thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thu mua, vận chuyển lúa giữa các tỉnh. Các tỉnh cũng kiến nghị Trung ương có giải pháp hỗ trợ gói tài chính cho doanh nghiệp thu mua nông sản và mua tạm trữ lúa gạo.