Đề xuất hỗ trợ người đóng đủ 12 năm chưa nhận trợ cấp thất nghiệp
(Dân trí) - Một số đơn vị ở TPHCM góp ý xem xét các quy định về trợ cấp thất nghiệp trong dự thảo Luật việc làm (sửa đổi) để tăng quyền lợi, tránh gây thiệt thòi cho người lao động.
Đề xuất bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau 144 tháng
Ngày 8/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, đề nghị các đại biểu bám sát tình hình thực tế, đóng góp ý kiến thiết thực cho dự thảo luật. Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM sẽ ghi nhận, tổng hợp và đề xuất đến Quốc hội nhằm hoàn thiện Luật Việc làm, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Việc làm sửa đổi (Ảnh: Tùng Nguyên).
Ông Phạm Văn Hiền, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động TPHCM, đặt vấn đề tại Khoản 2 Điều 44 của Luật Việc làm (sửa đổi), quy định việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động cần có sự điều chỉnh.
Theo quy định hiện hành, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng (12 năm) thì không được bảo lưu. Tức là người lao động đóng đủ 12 năm nhưng không thất nghiệp thì không được hưởng chế độ nào, thời gian đóng cũng bị tính lại từ đầu.
"Trong quá trình tư vấn, chúng tôi ghi nhận người lao động có nguyện vọng được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau 144 tháng. Với quy định hiện hành, nhiều người làm đủ 12 năm sẽ có tâm lý xin nghỉ việc để hưởng 12 tháng tiền bảo hiểm thất nghiệp, ở nhà hết thời gian đó rồi mới quay lại thị trường việc làm", ông Phạm Văn Hiền nói.

Ông Phạm Văn Hiền, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).
Trường hợp không bảo lưu, ông đề xuất tăng tỷ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động có thời gian đóng vượt 144 tháng.
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc bảo hiểm xã hội TPHCM đồng tình rằng cần tạo điều kiện cho người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau 144 tháng.
"Nguyên tắc của bảo hiểm thất nghiệp là đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro, nếu không cho bảo lưu thì vi phạm nguyên tắc đóng - hưởng. Trường hợp không cho phép người lao động bảo lưu, tôi đề xuất cho phép người lao động đóng đến tháng thứ 144 thì dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp", ông Trần Dũng Hà góp ý.
Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân TPHCM, tán thành ý kiến của các đại biểu trên.
"Bảo hiểm thất nghiệp là chia sẻ rủi ro, khi tôi không rủi ro, đóng hết mấy chục năm mà chưa từng thất nghiệp thì sao? Phải có sự công bằng cho họ", ông Nguyễn Văn Lượng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).
Ông Lượng cũng bày tỏ sự bất bình trước việc các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
"Người lao động tuân thủ pháp luật, chấp nhận bị trừ tiền lương để đóng bảo hiểm mà đến khi chốt sổ lại gặp khó vì lỗi của người sử dụng lao động. Như vậy, họ quá thiệt thòi.
Chính phủ phải có quy định chi tiết làm sao hỗ trợ người lao động. Thật xót xa khi hàng nghìn người lao động đang phải thiệt thòi như thế", ông Nguyễn Văn Lượng nói.
Nới rộng thời gian đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp
Ông Phạm Văn Hiền cũng góp ý cho Khoản 3 Điều 43 dự thảo quy định về thời hạn đăng ký hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng kể từ ngày mất việc. Theo ông, thời gian này quá ngắn.
"Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp đang rất phức tạp. Những người bị nợ bảo hiểm làm sao kịp chốt sổ trong 3 tháng để làm hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp?", ông Phạm Văn Hiền đặt vấn đề.
Vì thế, ông đề xuất nâng thời hạn đăng ký hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng lên 6 tháng hoặc cho người lao động tự lựa chọn thời gian làm hồ sơ khi họ muốn.
Bên cạnh đó, ông cũng góp ý thêm rằng quỹ bảo hiểm thất nghiệp có thể hỗ trợ những lao động rơi vào tình cảnh làm việc tại những doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn mà có thời gian không đóng bảo hiểm cho họ.
"Có những người lao động tham gia xuyên suốt 5-10 năm nhưng khi nghỉ việc không được hưởng các quyền lợi theo quy định. Trong khi đó, hằng tháng, họ vẫn bị trừ tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp không đóng.
Đối với người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp khi lớn tuổi, họ gặp rất nhiều khó khăn, vậy nên cần hỗ trợ họ một phần để vượt qua giai đoạn ấy. Khi nào doanh nghiệp khắc phục phần chậm đóng thì trừ lại khoản này", ông Phạm Văn Hiền nhấn mạnh.
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc bảo hiểm xã hội TPHCM, tán thành ý kiến rằng nên bỏ điều kiện về thời gian đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.
"Khi nào người lao động đủ điều kiện, muốn nộp lúc nào tùy họ, khuyến khích họ dành thời gian tìm việc chứ không cần hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp", ông Trần Dũng Hà nói.
Luật sư Trương Thị Hòa góp ý điều chỉnh Điều 43 liên quan đến điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Luật sư Trương Thị Hòa (Ảnh: Nguyễn Vy).
Bà đề nghị bổ sung đối tượng người lao động bị sa thải vào nhóm được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, đối với trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (theo Bộ luật Lao động), không đúng quy định (theo Luật Viên chức) thì cần làm rõ trường hợp nào không được hưởng, trường hợp nào được hưởng.