Gen Z "thả" vài dòng trên mạng, 90 doanh nghiệp tranh nhau tuyển
(Dân trí) - Viết vài dòng trên mạng, kèm theo nhiều hình ảnh về sản phẩm mình từng làm, nhiều nhân sự trẻ xin việc bằng cách 4.0 này đã nhanh chóng thu hút hàng loạt nhà tuyển dụng.
Xây dựng thương hiệu cá nhân
"Tìm việc sau Tết, vị trí digital marketing (tiếp thị số)" là nội dung của một bài đăng trong hội nhóm việc làm đã thu hút hơn 1.800 lượt tương tác và 1.300 lượt chia sẻ.
Sau tiêu đề, chủ nhân bài viết, anh Đặng Hữu Trí (ngụ tại TPHCM), viết thêm một vài dòng chia sẻ về khả năng đảm nhiệm công việc của bản thân rồi "thả" dòng liên kết dẫn đến portfolio (hồ sơ năng lực dạng hình ảnh). Thông tin về bằng cấp trong đường liên kết chỉ có 2 dòng, Trí tập trung giới thiệu những sản phẩm, kinh nghiệm mà mình có.
Bằng cách này, chỉ sau vài ngày kể từ bài đăng ấy, Trí nhận được khoảng 11.000 lượt xem portfolio và hơn 90 lời mời ứng tuyển từ nhà tuyển dụng.
Trong những vị trí, doanh nghiệp gửi đến, Trí còn nhận được nhiều lời mời ứng tuyển có mức lương cao hơn so với kỳ vọng ban đầu của bản thân. Từ đó, nhân sự trẻ này có thể thoải mái lựa chọn doanh nghiệp, vị trí và thu nhập phù hợp với bản thân.
"Thời gian cân nhắc các vị trí và tham gia ứng tuyển kéo dài 2 tuần đến 1 tháng. Bài đăng mang lại hiệu ứng rất tốt, không chỉ tiếp cận được nhiều nhà tuyển dụng mà còn giúp bản thân xây dựng được thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội", anh Trí nói.
Vẫn đang là sinh viên, Trần Kiến Quốc đã thành công thu hút hơn 10 nhà tuyển dụng chủ động tìm đến mình chỉ sau khoảng 3 ngày đăng tải bài viết tìm việc graphic designer (thiết kế đồ họa) bán thời gian trên mạng xã hội.
"Xin việc trên mạng xã hội cảm giác thoải mái hơn. Khi trao đổi với nhà tuyển dụng, bản thân đôi lúc không cần dùng ngôn từ quá trang trọng mà có thể tự nhiên bày tỏ nguyện vọng của mình với đối phương", Quốc chia sẻ.
Quốc cho hay chỉ trong khoảng thời gian ngắn ấy, chàng trai có thể ứng tuyển một công việc đúng như kỳ vọng ban đầu. Hơn nữa, Quốc còn có thể mở rộng mối quan hệ, kết nối được với các nhà tuyển dụng thông qua cách ứng tuyển thời 4.0 này.
"Tuy nhiên, những công việc ấy thường là công việc bán thời gian. Việc tìm được công việc toàn thời gian, lương cao theo ý mình thì quả thật rất hiếm", Quốc nói.
Dạo gần đây, không riêng nền tảng Facebook, ứng dụng Threads, Linkedin,… cũng là nơi "tìm nhau" giữa nhà tuyển dụng và ứng viên. Trên bản tin của Threads, hàng loạt tài khoản đăng tải thông tin tuyển nhân sự và các bài đăng cần tìm việc xuất hiện liên tục với đa dạng ngành nghề, lĩnh vực, vị trí, thu nhập.
Không ít nhân sự Gen Z bày tỏ rằng khi nhận ra bằng cấp không còn quan trọng, họ sẽ tập trung thể hiện năng lực trực tiếp để nhà tuyển dụng đánh giá.
Bằng cách này, các nhân sự trẻ không cần phải chờ phản hồi email xin việc nhiều ngày, trải qua nhiều vòng phỏng vấn và mất gần cả tháng mới xin được việc như cách truyền thống. Thay vào đó, họ có thể nhận việc ngay, thậm chí chỉ sau vài ngày đăng tải dòng trạng thái ngắn.
Chị Như Huỳnh, nhà tuyển dụng lĩnh vực IT (công nghệ thông tin) tại TPHCM, cho hay bên cạnh cách truyền thống, đơn vị của chị gần đây đã chuyển sang dùng mạng xã hội Threads để tuyển dụng nhân sự. Bởi cách này giúp đơn vị tiết kiệm chi phí và thu hút được nguồn nhân lực trẻ.
"Mạng xã hội có lượng người dùng khổng lồ giúp nhà tuyển dụng tăng điểm chạm với ứng viên. Qua nền tảng này, chúng tôi có thể trao đổi trực tiếp với nhân sự trẻ và đơn giản hóa quy trình tuyển dụng. Ứng viên không nhất thiết phải viết email hay gửi hồ sơ xin việc quá phức tạp", chị Huỳnh nói.
Theo nhà tuyển dụng, với thuật toán thông minh của nền tảng, ứng viên và nhà tuyển dụng có thể liên tục tìm thấy những thông tin mà mình quan tâm một cách nhanh chóng.
"Đây là môi trường cởi mở, không phán xét, không có quảng cáo nên các nhân sự trẻ rất thoải mái bày tỏ nguyện vọng của mình. Từ đó, doanh nghiệp dễ tuyển dụng ứng viên tiềm năng vì có thể thấy rõ năng lực của các bạn", chị Huỳnh cho biết.
Chưa tiếp cận được doanh nghiệp lớn
Theo Hữu Trí, anh nhận thấy việc ứng tuyển trên mạng xã hội trong thời đại 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội mới cho nhân sự Gen Z (thế hệ Z, những người sinh năm từ năm 1997 đến năm 2012).
"So với cách ứng tuyển truyền thống, bằng cách này, chúng tôi có thể tiếp cận được nhiều nhà tuyển dụng hơn. Nhu cầu của các nhà tuyển dụng thường phù hợp với những sinh viên mới ra trường hoặc những ứng viên có kinh nghiệm 1-2 năm. Ngoài ra, bản thân cũng dễ dàng kết nối được với những anh chị, đồng nghiệp trong ngành", Trí chia sẻ.
Tuy nhiên, vì nhóm các nhà tuyển dụng này thường đến từ doanh nghiệp vừa, nhỏ, không đòi hỏi quá nhiều ở ứng viên, nhân sự sẽ khó tiếp cận cơ hội làm việc ở các vị trí cao ở doanh nghiệp lớn.
"Các công ty lớn thường sử dụng các trang tuyển dụng chuyên nghiệp hơn để tuyển các vị trí cao cấp hơn. Kiểu xin việc này chỉ là một cách mới để Gen Z có thêm cơ hội trong công việc chứ chưa thể thay đổi cách tìm việc theo kiểu truyền thống", anh Trí nhận định.
Có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực marketing (tiếp thị), Hữu Trí chia sẻ anh đã phải dành 8-10 năm xây dựng thương hiệu của mình trên mạng xã hội.
Mỗi ngày, Trí chủ động dành 10 phút để tham gia, tương tác với các hội nhóm và kết bạn 15-20 người trong cộng đồng thuộc lĩnh vực mà mình đang làm việc.
Trí cho hay trong thời đại công nghệ phát triển, việc chủ động xây dựng thương hiệu cá nhân trên các nền tảng số là điều rất quan trọng đối với Gen Z. Bởi điều đó có thể giúp nhân sự trẻ dễ dàng gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Theo Oxford Economics, Gen Z sẽ chiếm 30% lực lượng lao động toàn cầu vào năm 2030. Với sự cạnh tranh khốc liệt về nhân tài ảnh hưởng đến các công ty trong mọi ngành, điều quan trọng là các nhà tuyển dụng phải khai thác nguồn nhân tài này sớm hơn và đảm bảo sự thành công trong tương lai của họ.
Khảo sát của Morning Consult cũng cho thấy Gen Z là nhóm nhân khẩu học ưu tiên kỹ thuật số với 54% thanh niên dành ít nhất 4 giờ/ngày trên mạng xã hội. Nghiên cứu của Aberdeen Group còn cho thấy 73% ứng viên trong độ tuổi 18-34 đã tìm được việc làm thông qua mạng xã hội.
Vì thế, nếu doanh nghiệp muốn tiếp cận đối tượng này, chiến lược truyền thông xã hội là một cách chắc chắn để giúp thu hút và tuyển dụng những nhân tài tốt nhất, đặc biệt khi "cuộc chiến" tìm nhân tài đang vô cùng cạnh tranh và áp lực.
Theo Zippia, 94% doanh nghiệp nhận thấy mạng xã hội hữu ích trong việc tuyển dụng các vị trí công việc.