Hà Nội:

Gần Tết, "sức người"… ế ẩm vì dịch Covid-19

Phạm Công

(Dân trí) - Kinh tế khó khăn cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người kinh doanh "sức lao động" ở Hà Nội đang rơi vào tình cảnh khó khăn.

"Sức người" ế... ngày cận Tết

Hơn 7 giờ sáng, tại nhiều địa điểm như vườn hoa Hà Đông (quận Hà Đông), cầu Mai Động (quận Hai Bà Trưng), hàng chục người lao động tự do đã đứng chờ việc.

Đa số lao động tự do này ở tuổi trung niên. Họ ngồi vạ vật trên yên xe máy, quanh quất nơi vỉa hè, gốc cây, khu đất trống… Khi thấy có khách đi xe máy tiến chậm chậm lại gần để tuyển người, nhóm lao động này lại chạy tới hỏi han công việc.

Chia sẻ của những người "bán" sức lao động

Chia sẻ cùng với PV, anh Phạm Văn Ngọc (quê ở Giao Thủy, Nam Định) cho hay: "Đã 2 ngày liên tục, tôi không nhận được việc làm. Tết đến nơi rồi, kiếm nồi bánh chưng mà khó quá. Có người thuê bốc xuống cả một xe ô tô quất to nhưng chỉ trả có 300.000 đồng. Mức rẻ quá thì làm sao được".

Lên Hà Nội đã 16 năm làm nghề cửu vạn, anh Phạm Văn Ngọc nuôi 2 người con học đại học. Chưa năm nào anh thấy khó khăn như năm nay, khi mà dịp đông khách nhất là cuối năm nay cũng trở nên ế ẩm.

Gần Tết, sức người… ế ẩm vì dịch Covid-19 - 1

Những lao động "ế khách" tại vườn hoa Hà Đông 

Người đàn ông 47 tuổi này, ngày nắng cũng như ngày mưa đều có mặt tại vườn hoa Hà Đông từ 7h sáng với hy vọng tìm được một vị khách thuê làm bất cứ việc gì cần đến sức lao động.

"Người ta hay gọi chúng tôi là thợ đụng, vì đụng đâu làm đó. Từ bốc vác, xây chát hay dọn dẹp chúng tôi đều không nề hà. Mọi năm, dịp giáp Tết làm không hết việc, ngày nào cũng từ sáng tới đêm về, mệt nhoài ra chẳng muốn ăn uống gì, nhưng năm nay đứng cả ngày cũng chẳng có lấy một ai thuê" - anh Phạm Văn Ngọc ngao ngán nói.

Theo anh Phạm Văn Ngọc, lý do dẫn đến việc ế ẩm phần vì kinh tế khó khăn, phần vì dịch bệnh bùng phát trở lại nên nhiều người chọn phương án làm lấy khiến cho cánh thợ gần 20 người đồng hương Nam Định rơi vào cảnh ế ẩm.

Gần Tết, sức người… ế ẩm vì dịch Covid-19 - 2

Anh Lê Văn Huân cho rằng nhưng ngày này ai thuê rẻ thì cũng làm để có tiền sắm Tết 

Cùng nhóm thợ, anh Lê Văn Huân tâm sự: "Ế ẩm thế này thì ai thuê rẻ cũng làm thôi chứ, Tết này toàn công việc nặng nhọc như bốc hàng, trồng cây hay chở cây cảnh. Năm nay kinh tế khó khăn nên gia chủ người ta trả rẻ lắm, nhưng vẫn phải làm để khiến cho các con tấm áo mới".

Theo anh Lê Văn Huân, nhiều cửu vạn trên 50 tuổi sẽ ít có người thuê. Những người này đã về quê vì bám trụ lại tốn kém chi phí ăn ở mà chẳng có thu nhập gì. Còn những người trai tráng may mắn hơn có ngày kiếm được cho 300.000 đồng nhưng cũng có ngày ra về tay không.

Gần Tết, sức người… ế ẩm vì dịch Covid-19 - 3

Nhiều lao động có tuổi đã về quê vì ít việc 

Khó có Tết tươm tất

Anh Vũ Văn Thắng (quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa), một người "bán" sức lao động trên cầu Mai Động, tâm sự: "Các năm trước, xưởng bánh kẹo, xưởng nội thất hay các vườn cây "đặt hàng" chúng tôi liên tục. Sáng ra, chúng tôi tự đến địa điểm hẹn trước chứ không phải đứng chờ việc thế này".

Hơn 40 tuổi, không có lấy một sinh kế bền vững, ai thuê gì làm đấy, nhưng anh cho rằng về quê cũng chẳng có việc gì ngoài làm ruộng nên cứ loanh quanh ở Hà Nội tìm việc từ nghề bốc vác thuê.

Có sức khỏe nên nhiều mối quen, những ngày cuối năm trước đây, anh Vũ Văn Thắng làm cả ngày không hết việc. Anh Vũ Văn Thắng cho rằng với tình hình này, gia đình anh khó có được cái Tết Tân Sửu tươm tất.

Gần Tết, sức người… ế ẩm vì dịch Covid-19 - 4

Anh Thắng mong ngóng bắt được một vị khách 

"Cũng chán, muốn về quê lắm rồi nhưng cố ở lại một vài hôm, may mắn kiếm được vài vị khách Tết về thêm cân thịt, quả giò. Dự định của tôi năm nay xây thêm cái gác cho các cháu có chỗ học hành, ngủ nghỉ nhưng đành lán lại sang năm chờ tình khả quan hơn" - anh Vũ Văn Thắng nói vẻ buồn rầu rồi đưa điếu thuốc khô khốc làm một hơi dài.

Không chỉ khó khăn để có được việc làm, nhưng người bán sức lao động này còn khó cả khi làm vừa lòng khách. Ông Lê Văn Hân, đồng hương cùng anh Vũ Văn Thắng, nói: "Lượng công việc giảm đến quá 50% trong khi đó, tiền nhà trọ và chi phí sinh hoạt ở một thành phố có vật giá đắt đỏ như Hà Nội đang đè nặng lên vai những lao động nghèo như chúng tôi".

Gần Tết, sức người… ế ẩm vì dịch Covid-19 - 5

Nhiều người đánh cờ để "giết" thời gian vắng khách 

Hơn thế ông Lê Văn Huân 60 tuổi với hơn 30 năm kinh nghiệm "bán" sức lao động không ít lần đi làm gặp khách khó tính, họ kỳ kèo bớt xén thù lao. Thậm chí có chủ nhà còn sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với những người lao động như ông.

Theo ông Lê Văn Huân, để giảm thiểu những rủi ro, người làm nghề này phải khéo léo thật thà ngoài ra cũng cần phải ăn nói, cư xử đứng đắn, đàng hoàng.