Các Khu kinh tế Hải Phòng:
Gần 100.000 công nhân nghỉ làm việc ít nhất 1 ngày thứ 7 trong tuần
(Dân trí) - “Hải Phòng có 186 doanh nghiệp tham gia Công đoàn Khu kinh tế, trong đó có 153 doanh nghiệp sử dụng 99.960 lao động đang áp dụng nghỉ ít nhất 1 ngày thứ 7 trong tháng, tương ứng với thời gian làm việc chính thức là tối thiểu 46 giờ/tuần” - bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, cho biết.
Cơ hội tái tạo sức lực
Đã từng công tác hơn 12 năm ở Công ty Nichias Hải Phòng (Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng), anh Trương Văn Phúc đang nhận mức lương tháng từ 7,5-8 triệu đồng. Ngoài ra trong năm, anh và toàn thể công nhân còn nhận được chế độ thưởng 2 lần tương ứng với 5-6 tháng lương.
Chế độ lương và phúc lợi ở mức tương đối khá, anh Trương Văn Phúc còn được thực hiện chế độ làm việc nghỉ 1 ngày thứ 7 trong tháng, bên cạnh các ngày chủ nhật.
Trước đây, chế độ làm việc chính thức của Công ty là 48 giờ/tuần, tương ứng với 192 giờ làm việc/tháng. Từ năm 2013 tới nay, công ty đã điều chỉnh để khối sản xuất được nghỉ thêm 1 ngày thứ 7/tháng, khối hành chính được nghỉ 2 ngày thứ 7/tháng.
Việc điều chỉnh trên khiến tổng số giờ làm việc chính thức của người lao động trong khối sản xuất còn 46 giờ/tuần hay còn 184 giờ/tháng.
Anh Trương Văn Phúc đánh giá: “Việc áp dụng chế độ nghỉ ngày thứ 7 cuối tuần, chúng tôi có điều kiện dành thời gian quan tâm tới gia đình và chăm sóc con cái. Đồng thời, thời gian nghỉ cũng là lúc cơ thể được nghỉ ngơi và tái tạo sức lao động để chuẩn bị cho ngày làm việc mới”.
Không chỉ được nghỉ 1 ngày thứ 7 trong tháng như Công ty Nichias Hải Phòng, công nhân công ty Synztec Việt Nam (Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng) còn được áp dụng chế độ nghỉ 2 ngày thứ 7 trong tháng cho khối sản xuất và hành chính từ năm 2008.
Tương ứng với 44 giờ làm việc/tuần và 176 giờ làm việc/tháng.
Chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ - công nhân Công ty cho biết: “Tôi là người độc thân nên thời gian nghỉ ngơi và di chuyển về quê nhà. Còn với các chị công nhân đã lập gia đình, thời gian nghỉ nếu kéo dài thêm 1 thứ 7 nữa trong tháng sẽ rất tốt cho việc chăm sóc gia đình và sức khoẻ bản thân…”.
Doanh nghiệp chấp nhận được
Trao đổi về câu chuyện nghỉ 1 ngày thứ 7 trong tháng, ông Đinh Thế Thắng - Chủ tịch công đoàn, Phó Giám đốc sản xuất của Công ty Nichias Hải Phòng - nhớ lại: “Thời điểm còn làm việc 48 giờ/tuần, tối thứ 7 về đến nhà, tôi cảm thấy cơ thể mệt mỏi và không muốn làm bất cứ việc gì cả”.
Đề xuất nghỉ thêm 1 ngày thứ 7 được công đoàn đưa ra. Tuy nhiên, ban đầu không được Ban giám đốc chấp nhận vì lo ngại ảnh hưởng tới năng suất lao động.
“Chúng tôi đã kiên trì giải thích về lợi ích người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động để đảm bảo hiệu suất. Công đoàn cũng cam kết với Công ty trong việc vận động người lao động có thêm các sáng kiến cải tiến sản xuất và tăng năng suất” - ông Đinh Thế Thắng nói.
Kỳ họp Quốc hội trong tháng 10 tới đây sẽ bàn thảo và bỏ phiếu thông qua dự thảo Luật Lao động sửa đổi. Giờ làm việc chính thức trong tuần là một trong những vấn đề "nóng" của Dự thảo. Hiện, Dự thảo đang đề xuất giờ làm việc chính thức trong tuần là 48 giờ/ tuần, nhà nước khuyến khích doanh nghiệp tổ chức làm việc 40 giờ/tuần.
Chính vì vậy, hơn 330 công nhân của công ty đang được hưởng chế độ nghỉ 1 ngày thứ 7/tháng.
Đánh giá về điều này, ông Masashi Kawasaki, Tổng Giám đốc Công ty Nichias Hải Phòng cho rằng: “Việc tăng ngày nghỉ dù có thể ảnh hưởng tới năng suất lao động nhưng giúp tinh thần và sức khoẻ của người lao động tăng lên. Bên cạnh đó, Công ty và người lao động đã cùng nhau xây dựng kế hoạch cải tiến sản xuất để nâng cao năng suất, đảm bảo sản lượng và chất lượng”.
Chuẩn bị bữa ăn trưa cho công nhân tại Công ty Synztec Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Mạnh)
Theo đánh giá của công đoàn Công ty Nichias Hải Phòng, sau 6 năm áp dụng quy định nghỉ thêm 1 ngày thứ 7 trong tháng công nhân, năng suất lao động không hề giảm.
Cũng chia sẻ về câu chuyện giảm giờ làm, bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng phòng Hành chính Nhân sự, Cty Synztec Việt Nam cho biết: “Năm 2018, công nhân trong Công ty có là 93 ngày nghỉ. Công đoàn đã đề xuất tăng lên 95 ngày nghỉ và Ban giám đốc đồng ý ở con số 94 ngày nghỉ”.
Dù ngày nghỉ tăng nhưng do trình độ làm việc và những cải tiến sản xuất khiến doanh nghiệp luôn được đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thu giải thích: “Chúng tôi dựa vào các giải pháp nâng cao năng suất do Ban lãnh đạo phát động, từ đó cải tiến nâng cao hiệu quả cao. Đơn cử như dây chuyền sản xuất trước đây cần tới 3 người thì nay giảm 1 người, công việc cũng được máy móc hỗ trợ nhiều đỡ tốn sức lực…”.
Đánh giá về việc điều chỉnh giờ làm thêm, bà Nguyễn Thị Thu cho rằng: “Xu hướng chung của các doanh nghiệp FDI trong Khu công nghiệp Nomurra là cho nghỉ số ngày thứ 7 trong tháng. Trong năm 2020, người lao động sẽ đề xuất được nghỉ thêm 1 ngày thứ 7 trong tháng và đảm bảo năng suất lao động”.
Theo Công đoàn Khu công nghiệp Hải Phòng, tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp trong TP là 130.000 người, tăng 21.5% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân hang tháng của người lao động đạt 8,1 triệu đồng/người.
Tổng số lao động trong các đơn vị có tổ chức công đoàn là 111.915 người, trong đó lao động nữ có 68.718 người, chiếm 61.4%. Tổng số công đoàn cơ sở là 191, đoàn viên công đoàn là 103.826 người.
Hoàng Mạnh