Freelancer thu nhập 30 triệu đồng/tháng canh cánh lo... tụt hậu
(Dân trí) - Có 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông - tiếp thị tại nhiều doanh nghiệp, chị Tâm Thương bất ngờ "bẻ lái", làm freelancer (nghề tự do) đầy chông gai, thách thức.
Tự "bơi" để không bị bỏ lại
Quyết định táo bạo này của chị xuất phát từ mong muốn được làm chủ công việc và cuộc sống, được tự do sáng tạo. Hơn hết, công việc được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội phát triển bản thân và gia tăng thu nhập với chị.
Song, bước vào thế giới freelancer, Tâm Thương nhận thấy sức cạnh tranh khủng khiếp, đối mặt vô vàn khó khăn và thách thức.
Thách thức lớn nhất với nhân sự quyết định theo đuổi công việc này là làm thế nào để duy trì sự nghiệp và giữ thu nhập đều đặn, tăng trưởng bền vững.
Chị Thương chia sẻ, làm freelancer không có lộ trình phát triển sự nghiệp, tăng lương được vạch sẵn như làm ở công ty. Mỗi người phải tự "bơi" để tìm hướng phát triển và không bị bỏ lại phía sau, nhất là khi thị trường tại Việt Nam hiện diễn biến rất sôi nổi, cạnh tranh khốc liệt.
Nhiều chủ doanh nghiệp có xu hướng thuê freelancer làm việc để tiết kiệm thời gian đào tạo và giảm thiểu các chi phí như thuế, bảo hiểm, thưởng…
Ở mảng content marketing (tiếp thị nội dung) như chị Thương đang làm, nhu cầu tuyển người viết, quản lý mạng xã hội và xây kênh mạng xã hội khá cao.
Nữ nhân sự trẻ thường nhận những đặt hàng liên quan tới quản lý mạng xã hội, viết bài quảng cáo, duy trì nội dung website. Khách hàng của cô chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần người viết nội dung.
"Mình biết có nhiều freelancer nhận làm nhiều dự án cùng lúc, nhưng phần lớn là dự án nhỏ lẻ vì một người không thể đảm nhận công việc của cả một phòng ban", Tâm Thương chỉ rõ.
Dù nhiều dự án có thể mang lại mức thu nhập tốt, nhưng đó cũng có thể là "bẫy" khiến người lao động dậm chân tại chỗ. Người lao động cần tỉnh táo, cố gắng học hỏi và trau dồi kỹ năng, kiến thức mỗi ngày để tự tin đảm nhận các dự án lớn hơn. Thậm chí, không ít người cần quay lại công việc văn phòng để học hỏi thêm nếu.
Định giá bản thân
Vấn đề định giá dịch vụ là điều khiến nhiều người mới vào ngành băn khoăn. Chị Thương cho hay: "Để định giá được thì cần biết rõ khả năng bản thân, biết mình ở đâu trên thị trường để ra giá phù hợp. Mình thường định giá công việc bằng cách chuyển đổi sang thời gian cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ".
Thu nhập hàng tháng của chị dao động 15-30 triệu đồng/tháng, tháng cao điểm có thể kiếm vượt mức 30 triệu đồng.
Song, chị Thương cho biết, không có công việc nào làm trong vài ngày mà có thể đủ lương cả tháng. Thu nhập trên là kết quả của sự nỗ lực, cần mẫn mỗi ngày với từng đơn việc nhận được.
Chia sẻ về kỉ niệm nhớ đời với nghề, Thương kể lần bị "bể job". Khách hàng thường xuyên yêu cầu họp vào lúc nửa đêm, ảnh hưởng tới giờ giấc sinh hoạt và kế hoạch làm việc của Thương, nữ freelancer không trụ nổi.
Tuy nhiên, thay vì trò chuyện thẳng thắn về nguyên tắc làm việc của mình, chị lại lấy lý do bận dự án khác nên không thể tiếp tục dự án này.
Kết quả chị nhận về phản ứng không mấy tích cực từ khách hàng và phải ngừng hợp tác. Cô gái trẻ cho biết đây cũng chính là một trong bài học lớn nhất nhận được khi bước vào con đường làm freelancer.
Khảo sát của Anphabe tại Việt Nam (năm 2022) cho thấy, nhân lực tri thức Việt hiện có 53% làm việc độc lập, trong đó có 14% nhân sự làm tự do toàn thời gian, 26% làm tự do bán thời gian, 13% duy trì công việc cố định kết hợp làm tự do bán thời gian. Số người chọn làm việc tự do ngày càng tăng so với lực lượng lao động cố định.
Năm 2024, "làm việc linh hoạt" không còn đơn thuần là một lựa chọn mà đã trở thành tiêu chuẩn mới. Mặc dù xu hướng tự làm tự trả lương này có phần "hạ nhiệt" sau đại dịch nhưng sự mong đợi về một môi trường làm việc linh hoạt vẫn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là đối với Gen Z (lớp nhân lực trẻ sinh từ cuối thập niên 90 thế kỷ XX tới năm 2010).
Theo Anphabe, khoảng 30% Gen Z được khảo sát kỳ vọng công ty cho phép làm việc linh hoạt và 71% Gen Z cho biết sẽ cân nhắc công việc khác nếu doanh nghiệp không có chế độ này.
Mặt khác, ngoài chuyện tăng lương, thu nhập định kỳ, "làm việc linh hoạt" là tiêu chí xếp thứ 2 trong số các chính sách đãi ngộ khiến Gen Z có thể cân nhắc về việc "đi hay ở", theo khảo sát nói trên.
Cam Ly