Xu hướng làm freelancer: Nhiều "cái giá phải trả" cho sự tự do
(Dân trí) - Công việc tự do đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ bởi nó mang lại sự thoải mái, độc lập. Tuy nhiên, công việc này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
Freelancer (người làm công việc tự do) là một thuật ngữ không còn xa lạ với các bạn trẻ. Công việc này không chỉ đáp ứng được sự tự do, thoải mái mà nó còn giúp nhiều bạn sinh viên kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, lựa chọn làm công việc tự do cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro và đánh đổi nhiều cơ hội.
Sự tự do được trả bằng thu nhập bấp bênh
Bạn Phạm Diễm Quỳnh là một freelancer (người làm nghề tự do - PV) mảng sáng tạo nội dung chia sẻ: "Mình chọn công việc hiện tại vì không bị gò bó về không gian và thời gian làm việc.
Tuy nhiên, mình phải thừa nhận là lựa chọn công việc như thế này thì không thể mong có được tiền lương cao".
"Một tháng, thu nhập trung bình của mình rơi vào khoảng 2-3 triệu đồng. Đó là còn chưa kể đến những tháng không có dự án mới hay không được giao nhiều bài thì tiền lương chỉ trên dưới một triệu", bạn Quỳnh nói thêm.
Chấp nhận đồng lương bấp bênh, nguồn công việc thụ động là một cái giá quá đắt cho công việc tự do.
Thậm chí, nhiều bạn trẻ sẵn sàng đồng ý một mức lương không tương xứng với năng lực, công sức của mình, chỉ để được làm công việc tự do.
Phạm Gia Hiển - một content creator (sáng tạo nội dung - PV) cho một blog nước ngoài cho biết, để viết được một bài trên blog này, bạn phải bỏ ra ít nhất năm tiếng đồng hồ để hoàn thành những công đoạn khác nhau như lên outline (đề cương - PV) bài viết, chỉnh sửa lỗi chính tả, tìm hình ảnh, chỉnh sửa hình ảnh…
Thế nhưng, số tiền mà bạn nhận được cho một bài viết tiếng Anh chuẩn SEO lại chỉ 100-200 nghìn/đồng.
Bạn Hiển tâm sự: "Mình biết số tiền mà mình nhận được chẳng đáng là bao, thậm chí nó còn thấp hơn nhiều lần so với thời gian và công sức mà mình bỏ ra. Nhưng mình vẫn chấp nhận vì mình có thể làm việc tại nhà, không tốn tiền xăng xe và cũng không bị giám sát bởi người khác".
Đánh đổi sức khỏe thể chất và tinh thần, liệu có đáng?
Với tính chất công việc không ổn định, bạn Quỳnh chia sẻ: "Đôi khi, mình bị stress (căng thẳng - PV) vì công việc bởi mình không biết khi nào sẽ có nguồn việc mới, lo lắng làm sao có được dự án tiếp theo. Điều này giống như một vòng lặp độc hại đối với sức khỏe tinh thần của mình".
Bên cạnh đó, làm việc tự do không yêu cầu người làm phải hoàn thành công việc trong giờ hành chính và những người làm công việc này có thể tự đặt ra deadline (hạn chót - PV) cho mình.
Do đó, rất nhiều freelancer thường làm việc vào thời gian không cố định hoặc đến sát deadline mới bắt đầu làm việc.
Điều này không chỉ khiến họ cảm thấy stress với công việc hơn mà còn khiến sức khỏe giảm sút một cách nghiêm trọng.
Bạn Nguyễn Bạch Dương - một designer (nhà thiết kế - PV) làm việc tự do cho một công ty nước ngoài cho biết, công việc của bạn có rất nhiều deadline và bạn phải thường xuyên thức đêm làm việc bởi "ban đêm thì ý tưởng sẽ nảy ra nhiều hơn".
Bạch Dương chia sẻ thêm: "Do chưa quản lý thời gian hợp lý nên mình thường xuyên phải ngủ ngày cày đêm, đến mức tóc rụng, mắt thâm.
Bố mẹ từng bắt mình chuyển công việc khác nhẹ nhàng, phù hợp với đồng hồ sinh học hơn vì thấy con gái gầy đi".
Cái bẫy của tự do là làm ta dựa dẫm vào nó
Hầu hết freelancer đều nghĩ rằng họ có quyền tự do quyết định quá trình làm việc của mình và không phải chịu sự giám sát của bất cứ ai.
Và cuối cùng, họ dựa dẫm vào đó như một cái cớ hoàn hảo cho sự trì trệ, khả năng quản lý và phân bổ thời gian dở tệ của bản thân.
Thậm chí, nhiều người sau khi không còn là freelancer, còn không thể tìm được một công việc nào khác thực sự phù hợp với mưu cầu "tự do" quá cao của họ.
Họ đã quen với việc có hứng thì làm việc, không có hứng thì công việc tính sau. Họ không thể chấp nhận việc phải dậy sớm đi làm và đúng 8h sáng phải có mặt trước máy chấm công.
Và trên hết, các công việc tự do không dạy chúng ta những kỹ năng xã hội cần thiết khi đi làm.
Khi chúng ta đã quen làm việc một mình, hoặc nếu có kết nối với người khác thì chỉ qua màn hình máy tính thì những kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tính kỷ luật…, và những phẩm chất cần có của một người đi làm thực sự, cũng không được hình thành hoặc mất đi.
Sự tự do là một yếu tố cần thiết trong công việc sáng tạo, cũng như mọi công việc khác. Tuy nhiên, nếu để sự tự do chi phối công việc và phụ thuộc vào nó thì cái giá phải trả sẽ rất đắt. Đừng vì hai chữ "tự do" - một chuẩn mực vô hình mà đánh đổi thời gian, công sức, sự khỏe mạnh và thậm chí là tương lai của bản thân một cách mù quáng.