Festival nghề truyền thống Huế 2017 với sự tham gia của làng nghề thủ công Nhật Bản
(Dân trí) - Ngày 8/3, tin từ UBND TP Huế cho biết tại kỳ Festival Nghề truyền thống Huế 2017 sắp diễn ra sẽ có sự tham gia của nhiều sản phẩm thủ công nghề truyền thống từ đất nước Nhật Bản.
Được biết tại cố đô TP Huế là nơi Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu Michiko vừa ghé thăm trong chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên đến Việt Nam từ 28/2 đến 5/3, với 2 địa điểm chính là Thủ đô Hà Nội và Cố đô Huế.
Festival Nghề truyền thống Huế đã được tổ chức từ năm 2005 đến nay với thời gian tổ chức 2 năm 1 lần nhằm chủ trương khôi phục, gìn giữ và phát triển các giá trị tinh hoa của nghề Việt và các làng nghề thủ công truyền thống. Đây còn gọi là kỳ “Festival Huế năm lẻ” do được tổ chức vào năm lẻ. Ngoài ra, Festival Huế còn được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần vào năm chẵn.
Lần thứ 7 kỳ Festival Nghề truyền thống Huế sẽ có chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” diễn ra từ 28/4 đến 2/5 sắp tới ở TP Huế trên nhiều không gian như đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, bia Quốc Học, Trung tâm dịch vụ du lịch Festival, đường Lê Lợi, công viên 3 tháng 2 và đặc biệt là cầu Trường Tiền nơi diễn ra Lễ hội Áo dài đặc sắc và không gian Làng Áo dài.
Một hoạt động đặc biệt nữa tại kỳ Festival này là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm không gian Văn hóa Hoàng Cung Huế về đêm tại Đại Nội; Lễ hội Khinh khí cầu của Công ty TNHH Ballooning Media tổ chức.
Riêng về các làng nghề, sẽ có các sản phẩm nghề thủ công truyền thống đặc sắc của các thành phố đến từ Nhật Bản tại Bảo tàng Văn hóa Huế như thành phố Takayama, thành phố Saijo… và thành phố Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, Công ty TNHH Lục Thuận Đại Tử Sa (Trung Quốc)…
Dự kiến có 13 nhóm nghề và 58 đơn vị, cơ sở nghề tham gia trong không gian trưng bày, thao diễn và giới thiệu các sản phầm nghề - làng nghề truyền thống như Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Vĩnh Long… và chủ nhà Huế như các nghề: thêu, kim hoàn, mộc mỹ nghệ, đồng, gốm, nón lá, hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, dệt – may, mây tre, pháp lam, các sản phẩm trên chất liệu giấy…
Nhiều tour đến với các làng nghề, các điểm tham quan như tour du lịch trải nghiệm Đúc Đồng (phường Đúc), nhà vườn Thủy Biều, Kim Long; không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ kim hoàn Huế tại Tịnh Tâm Kim Cổ; tour giới thiệu trà và rượu Cung đình làng Chuồn, Trà Đình Vũ Di… sẽ cho nhiều du khách được trải nghiệm sâu về các làng nghề cổ tại Huế.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, “Qua 6 kỳ tổ chức, Festival Nghề truyền thống Huế đã khẳng định thương hiệu và uy tín trong lòng công chúng và du khách cũng như nghệ nhân các làng nghề truyền thống trong cả nước. Bên cạnh đó, yếu tố quốc tế của Festival nghề đã từng bước được định hình, xây dựng. Đây là sự kiện văn hóa và kinh tế lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của Huế: Cố đô xanh – Di sản thế giới – Thành phố an toàn và thân thiện.
Qua các hoạt động Festival sẽ tăng tính cạnh tranh, thi đua và tôn vinh các nghề, các nghệ nhân, các sản phẩm đặc trưng, chất lượng, hiệu quả kinh tế, giá trị văn hóa, góp phần giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước nhằm phát triển kinh tế du lịch dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế và của các thành phố, tỉnh bạn trong cả nước”.
Đại Dương