Đứt nguồn tiền, người "tự trả lương" muốn trở lại công sở mà... tắc đường
(Dân trí) - Từng làm việc 4 giờ/ngày mà vẫn tiền tiêu rủng rỉnh, giờ đây nhiều freelancer (người làm việc tự do) lại khao khát tìm được việc chốn văn phòng.
Từ năm 2020, xu hướng làm việc tự do đã trở thành một hình thức lý tưởng cho các bạn trẻ muốn có một công việc thoải mái về thời gian, môi trường, địa điểm làm việc mà vẫn mang lại thu nhập cao. Vì điều đó, nhiều dân văn phòng đã chọn rời công ty, bỏ khung thời gian hành chính để thành những người làm việc tự do.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giới này lại đang "khao khát" quay trở lại văn phòng.
Không còn đủ kinh tế duy trì sinh hoạt cá nhân
Chị Hiền Trang (28 tuổi, ngụ TPHCM) chia sẻ, bắt đầu từ khi đại dịch Covid-19 cho đến nay, chị sống hoàn toàn dựa vào công việc viết nội dung tự do.
Chị nhận viết kịch bản cho các chương trình thực tế, biên tập viên trong các buổi livestream, viết ấn phẩm quảng cáo, tham gia vào các dự án sản xuất TVC hay chiến dịch truyền thông… Tất cả công việc trên cho chị Trang thu nhập mỗi tháng không dưới 20 triệu đồng.
Tuy nhiên 4 tháng trở lại đây, thu nhập của chị chỉ đạt phân nửa, đôi khi là 1/4 so với thời điểm trước.
Chung cảnh ngộ, chị Châu Nguyễn (26 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết, khi nghỉ việc vào thời điểm dịch Covid-19, chị may mắn được sếp cũ giới thiệu cộng tác tại một công ty khởi nghiệp với vị trí sản xuất nội dung và nhiều công ty truyền thông khác.
Dần dà nhờ các mối quan hệ, chị Châu đã trở thành người làm việc tự do ở nhiều vị trí như xây dựng kênh truyền thông, tổ chức sự kiện… cùng mức thu nhập khá cao.
"Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, có tháng thu nhập của tôi chỉ đủ trả tiền thuê nhà, ăn uống phải nhờ đến bố mẹ", chị Châu nói.
Anh Hiền Ngô (25 tuổi, một nhà thiết kế tại TPHCM) cũng tâm sự từ công việc tự do từng mang thu nhập ổn định, hiện tại anh không còn đủ trang trải chi phí sống cơ bản.
Thị trường "cạn" việc cho giới làm việc tự do
Anh Hiền Ngô chia sẻ nếu năm trước, mỗi tháng khách hàng tự tìm đến giúp anh có 3-4 dự án đều đặn, thì bây giờ anh phải chủ động "quét" việc ở khắp các nơi vẫn không ra.
"Cá nhân tôi nhận định rằng trước tình trạng suy thoái kinh tế, giới làm việc tự do là nhóm người lao động gặp nguy nhiều nhất. Các công ty đều cố tận dụng hết sức nguồn nhân lực, không dại gì chi thêm ngân sách để thuê thêm nhân sự bên ngoài nên mọi thứ vô cùng khó khăn", anh Hiền Ngô nói.
Ngay sau đó, chàng trai trẻ này đã lên kế hoạch tìm kiếm một công việc chính thức. Thế nhưng vẫn chưa có hy vọng vì thị trường tuyển dụng đang ảm đạm.
Nhận thấy bản thân không thể duy trì mức sống bằng, chị Hiền Trang đang muốn quay trở lại văn phòng. Tuy nhiên, vì kinh nghiệm làm việc đa lĩnh vực, không chuyên sâu ở một vị trí khiến chị rất khó thuyết phục các nhà tuyển dụng.
Để có thu nhập, chị Hiền Trang chấp thuận nhận các công việc nhỏ lẻ từ công ty khởi nghiệp. Theo chị, công ty đã cắt giảm một số vị trí nhân sự không trọng yếu nên khi có việc, họ sẽ thuê ngoài và trả phí theo dự án. Thế nhưng, đa phần công việc luôn bị ép bảng giá xuống thấp vì ngân sách không nhiều, bản thân giới làm việc tự do ế ẩm nên cũng đành chịu.
"Thu nhập mấy năm trước của tôi gấp 4, gấp 5 lần bây giờ vì các tập đoàn lớn thường trả hậu hĩnh nếu chất lượng công việc cao. Tuy nhiên bây giờ tôi không thấy công ty nào có bộ máy nhân sự hoàn chỉnh đi thuê người làm việc tự do để đẩy nhanh tiến độ nữa cả", chị Hiền Trang kể.
Vừa qua, Cục Thống kê TPHCM báo cáo trong 5 tháng đầu năm đã tiếp nhận 47.400 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 43.409 người lao động đủ điều kiện.
Khấu trừ số liệu giải quyết bảo hiểm thất nghiệp trong 4 tháng đầu năm thì riêng tháng 5, thành phố có hơn 15.000 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.